Xã hội

Nữ nhi đẩy lùi ‘thần chết’

PNO - Tại Quảng Trị, có rất nhiều phụ nữ đảm nhiệm công việc rà tìm và phá hủy bom mìn, một việc tưởng chỉ có nam giới mới dám làm.

Triển khai rà phá bom mìn tại hiện trường cố định xã Vĩnh Hiền, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Đối mặt "thần chết"

Sau các thủ tục như điền thông tin nhóm máu, số bảo hiểm, quê quán… chúng tôi được anh Lê Văn Trà, điều phối hoạt động kỹ thuật của MAG tại Quảng Trị, lên lịch: “Đúng 5 giờ có mặt tại trụ sở MAG để tới hiện trường. Nhưng nói trước là các anh phải tuân thủ các quy tắc của chúng tôi đưa ra nhằm đảm bảo an toàn tính mạng”.

Đúng giờ hẹn, chúng tôi có mặt tại MAG khi bóng đêm đang phủ đen vùng trời Quảng Trị và những cơn mưa nặng hạt kéo về lạnh buốt lòng người. Nhưng lạ thay, tại đây, hơn 100 nhân viên đã có mặt, họ nhanh chóng lên xe theo từng đội được phân công để tiến hành công việc của một ngày mới.

Trần Thị Thảo (37 tuổi), đội phó đội MAT 3 là người chỉ huy hôm đó nói với chúng tôi rằng đội này có tổng cộng 16 nhân viên, trong đó có 4 nữ gồm 2 nhân viên y tế và 2 nhân viên kỹ thuật.

Chị Thảo thắt áo quần bảo hộ cho chị Hạnh trước khi tiến hành công việc.

Phải mất chừng nửa giờ đồng hồ, chúng tôi mới tới hiện trường rà phá bom, mìn lưu động tại khu phố 6, thị trấn Cửa Việt. Tại đây, căn cứ chỉ huy của đội MAT 1 là nhà sinh hoạt cộng đồng của khu phố. Họ sử dụng căn nhà này vừa cất giữ trang thiết bị, vừa làm nơi nghỉ ngơi buổi trưa của toàn đội.

Trước khi vào việc, người chỉ huy đội phổ biến ngay: “Theo khảo sát, khu vực này có 31 điểm ô nhiễm bom, mìn mà chủ yếu là đạn pháo 20 - 40 mm. Khu vực này có mật độ dân cư dày đặc nên chúng ta phải rất cẩn thận, không cho phát nổ tại chỗ”.

Các thành viên của đội MAT 1 được chia thành 4 tổ nhỏ, họ hoạt động rà phá bom mìn tại những điểm riêng lẻ dưới sự điều khiển qua bộ đàm của người nữ chỉ huy.

Chị Hạnh rà tìm bom, mìn trên từng centimet đất.

Trần Thị Hạnh, 36 tuổi, cô gái người Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) có nước da trắng trẻo mặc bộ đồng phục của MAG màu xám, chiếc áo chống đạn và đội một chiếc nón bảo hộ nhựa perspex, trông giống người lính đặc nhiệm chống khủng bố.

Một chiếc máy rà tìm bom mìn, một cái xô và một chiếc bay nhỏ là những dụng cụ được chị dùng tìm bom mìn. Xung quanh chị là bãi đất trống nằm sát nhà dân với những chiếc cọc sơn màu đỏ được cố định nhằm đánh dấu khu vực nguy hiểm.

Chị chăm chút, nhẹ nhàng bước đi một cách chậm rãi cùng với chiếc máy tìm bom đảo qua đảo lại từng centimet đất để tìm bom. Bất chợt, chiếc máy phát ra tiếng kêu báo dưới đất có kim loại khiến chị nhẹ nhàng ngồi xuống, dùng cái bay nhỏ khơi nhẹ từng nhúm đất.

Vừa đào sâu chưa tới 0,2 m, chị Hạnh đã phát hiện ngay một quả đạn pháo nhỏ bằng ngón tay. Bằng những động tác nhẹ nhàng, tỉ mỉ và chỉ trong tích tắc, nữ kỹ thuật viên này đã đưa lên khỏi mặt đất quả pháo để mang tới nơi an toàn. “Đây là loại đạn pháo 12,7 mm dùng để bắn máy bay” – chị Hạnh giải thích.

Hai nữ kỹ thuật viên của MAG sử dụng máy rà tìm bom, mìn.

Trời trưa dần, chị Hạnh và những thành viên trong đội MAT 1 cứ lặng lẽ, chăm chú dò từng mét đất để tìm “thần chết”. Sau những dấu chân mà họ đi qua, các khu vực cắm cọc quét sơn đỏ dần được thay thế bằng những cây cọc sơn màu trắng để cho người dân thấy khu đất đó đã sạch bom, mìn.

Để quê hương không còn nỗi đau

Trời về chiều, trước khi kết thúc một ngày làm việc, tất cả bom mìn họ tìm thấy được đưa về một khu đất cách xa khu dân cư để cho nổ. Kết quả, sau 4 ngày dò tìm, đội MAT 1 đã phát hiện tổng cộng 27 loại bom, mìn chưa nổ tại khu phố 6. Trong đó, có 6 loại pháo 20 mm, 3 loại pháo 37 mm, 3 lựu đạn phóng 40 mm… và trả lại mảnh đất sạch bóng “thần chết” cho người dân khu phố 6.

Điểm tập kết vật liệu hủy nổ đạn pháo.

Anh Lê Văn Trà kiểm tra quả bom nặng 500 cân Anh.

Sinh ra tại vùng đất chiến khu cách mạng thuộc xã Cam Nghĩa, hình ảnh bom đạn đối với chị Hạnh không có gì xa lạ. Chị kể trước đây ở quê chị, bom đạn xuất hiện ngay trong vườn, dưới nền nhà… “Nhiều người dân ở quê tôi đã chết khi họ cuốc trúng bom mìn” – chị Hạnh trầm ngâm.

Cách đây 5 năm, anh Nguyễn Văn Nam (chồng chị) trong một lần lên rẫy cuốc đất đã vướng trúng mìn và bị thương. “Anh ấy bị sát thương ở tay, chân, trong người nên giờ đây sức khỏe rất kém” – chị Hạnh tâm sự.

Từ những điều đau buồn đó, chị Hạnh đã quyết tâm thi vào MAG với mong muốn góp một chút sức mình dọn dẹp bom, mìn để cho những mảnh đất được nở hoa. “Khi tôi quyết tâm thi vào MAG thì nhiều người thân, bạn bè can ngăn vì biết đây là công việc nguy hiểm. Nhưng họ biết tôi vào MAG với mong muốn quê hương Quảng Trị không còn nạn nhân bom, mìn nên ai cũng cảm phục” – chị Hạnh kể.

Chị Hạnh bảo, sau một tuần làm việc cực nhọc, đối diện với quá nhiều “thần chết”, niềm hạnh phúc và sự động viên của chị là được sống bên chồng con. “Gia đình tôi ở tận Cam Nghĩa, cách thành phố Đông Hà hơn 50 cây số nên một tuần tôi chỉ về nhà 2 ngày” – chị tâm sự.

Chị Hoàng Thị Huệ, nhân viên hỗ trợ cộng đồng, đang phỏng vấn người dân.

Trong 75 nhân viên kỹ thuật của MAG, người đội phó đội MAT 1 Trần Thị Thảo thuộc loại thâm niên nhất với 12 năm gắn bó. Quê ở Thành Cổ Quảng Trị, chị cho biết trước khi trở thành thành viên của MAG, chị là một cán bộ hội phụ nữ phường.

Một lần tình cờ tới thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị), tôi bắt gặp những cô gái - thuộc Nhóm cố vấn bom mìn MAG của Anh tại Quảng Trị - đang rà tìm bom mìn. Hình ảnh đó khiến không chỉ tôi mà chính những người dân ở đây cũng rất bất ngờ.

Cứ tưởng cuộc đời chị Thảo sẽ gắn bó với công việc xã, phường nhưng vào một lần chị tình cờ gặp một người phụ nữ tên Phương ở MAG và nghe chị này kể về công việc rà phá bom mìn. “Nhiều người quê tôi đã chết vì bom mìn còn sót lại, câu chuyện của chị Phương kể cho tôi nghe về ý nghĩa công việc này nên khiến tôi thi vào MAG” – chị kể.

Ngày làm đơn thi vào MAG, chính mẹ chị là người ngăn cản nhiều nhất. Chị Thảo nhớ lại: “Mẹ tôi nói rằng đây là công việc nặng nhọc, nguy hiểm, không phù hợp với phụ nữ. Nhưng tôi thuyết phục bà về ý chí, sự khéo léo và ý nghĩa của công việc mình đã chọn”.

MAG là tên viết tắt của Mines Advisory Grou, hoạt động tại Quảng Trị bắt đầu vào năm 1999. Tại Quảng Trị, MAG có 29 nhân viên nữ, trong đó có 9 nhân viên đội liên lạc cộng đồng, 7 nhân viên y tế, 6 nhân viên bộ phận hỗ trợ và 7 nhân viên trực tiếp xử lý bom, mìn.

Đến nay, MAG đã tiến hành rà phá trên 150 hiện trường cố định, 870 thôn lưu động với diện tích đất được xử lý trên 6,84 triệu m2. Trên 115.800 vật liệu chưa nổ được phát hiện và xử lý, trên 1,1 triệu người dân được hưởng lợi.

Trong 4 cấp độ của kỹ thuật viên về rà phá bom, mìn thì chị Thảo đã đạt cấp độ 3. Tôi hỏi chị rằng tiếp xúc với bom đạn như thế có sợ không? Chị cười: “Bom đạn thì ai chẳng sợ, nhưng mình đã được học, đã hiểu nó, mình làm theo đúng kỹ thuật thì còn gì mà sợ. Ai cũng sợ bom đạn thì chắc mảnh đất Quảng Trị còn bom đạn mãi”.

Dày dặn kinh nghiệm, đã từng trực tiếp tháo gỡ rất nhiều quả bom đạn, chị Thảo nhận định đây là công việc rất nặng nhọc nhưng phụ nữ hoàn toàn đảm nhận được vì công việc này đòi hỏi sự cần cù, chịu khó và rất cẩn trọng, tỉ mẩn.

“Công việc này đòi hỏi đi sớm về muộn, hết sức nguy hiểm nhưng may mắn tôi có người chồng cũng làm trong MAG nên luôn sẻ chia, thông cảm” – chị Thảo tâm sự.

Hôm chúng tôi đến MAG, các nhân viên đang góp tiền hỗ trợ chị Nguyễn Thị Lý (34 tuổi, nhân viên kỹ thuật đội MAT 3) đang nằm điều trị bệnh hiểm nghèo tại bệnh viện. Chị Thảo cho biết dù bị bệnh khá lâu nhưng chị Lý vẫn giấu mọi người và làm việc rất chăm chỉ.

Chị Lý quê ở thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), vào MAG từ năm 2004 nhưng gia đình chị ở tận Lao Bảo, huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị), gia cảnh của chị rất khó khăn, nhưng chị tâm nguyện luôn cống hiến sức mình để mảnh đất quê hương hết bom đạn.

Bài và ảnh: THUẬN HÓA

www.phunuonline.com.vn

MAG, rà phá bom mìn, thần chết, Quảng Trị


      © 2021 FAP
        810,328       375