Xã hội

Đại học ngoài công lập còn nhiều bất ổn

PNO - Dự thảo "Quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH NCL" chưa tốt hơn quy chế hiện hành. Nhiều quy định trong quy chế chắc chắn sẽ nảy sinh những bất ổn trong tương lai nếu áp dụng.

“Dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH ngoài công lập (NCL) còn nhiều bất ổn” là khẳng định của TS. Nguyễn Thị Anh Đào - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng), tại hội thảo Hướng phát triển cho các trường ĐH - CĐ ngoài công lập, do Hiệp hội các trường ĐH - CĐ NCL và báo Pháp luật TP.HCM tổ chức ngày 8/10.

TS. Đào phân tích: Về vai trò của Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), quy chế hiện hành (ban hành theo Quyết định 58/2010/TTg, ngày 22/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ), quy định: mọi vấn đề tổ chức và quản lý của ĐH NCL từ việc bổ nhiệm và miễn nhiệm, quyền và nghĩa vụ của chủ tịch HĐQT và các thành viên HĐQT, hiệu trưởng, hội đồng đào tạo, các khoa, phòng... đều được quy định bởi "Quy chế tổ chức và hoạt động" của trường. Quy chế này do ĐHĐCĐ thông qua, cho nên quyền lực gốc - quyền của những người chủ sở hữu thực sự (các cổ đông) được tôn trọng và đề cao; còn HĐQT, Chủ tịch HĐQT, Hiệu trưởng, Ban kiểm soát, Hội đồng đào tạo... chỉ là các nhánh quyền lực con được sự ủy nhiệm bởi quyền lực gốc.

Với quy định ấy, các cổ đông có thể đưa ra các quy định bảo đảm quyền lực cao nhất trong ngôi trường mà mình sở hữu, để có thể yên tâm quyết định việc tăng vốn đầu tư.

Sinh viên ĐH Hoa Sen trong giờ học đồ họa. Ảnh có tính chất minh họa

Thế nhưng trong dự thảo "Quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH NCL" mới, ĐHĐCĐ đã bị giảm vai trò khi quy định: "Quy chế tổ chức và hoạt động do hiệu trưởng ký ban hành theo quyết nghị của HĐQT". Với quy định này, phần tổ chức và nhân sự trong trường ĐH NCL đều thuộc thẩm quyền HĐQT.

Dự thảo cũng quy định về các "thành viên HĐQT đương nhiên" bao gồm hiệu trưởng và các nhân sự do nhà nước và các tổ chức Đảng, đoàn thể cử sang, đại diện thành phần không cần góp vốn là giảng viên; việc bầu chọn HĐQT được áp dụng cách thức bầu dồn phiếu; khi trên 1/2 thành viên HĐQT đồng thuận có thể ra nghị quyết bãi miễn thành viên HĐQT; 1/2 thành viên HĐQT có thể ra nghị quyết bổ nhiệm hiệu trưởng, 3/4 thành viên HĐQT mới có thể ra nghị quyết bãi nhiệm hiệu trưởng mà không cần ĐHĐCĐ...

Những quy định này chắc chắn sẽ nảy sinh những bất ổn trong tương lai như: nhóm đa số quá bán trong HĐQT có thể bãi nhiệm hay loại trừ nhóm thiểu số một cách dễ dàng bằng cách thông qua quyết nghị 1/2. Khi đã tạo ra sự nhất trí 100% trong HĐQT và thuyết phục được Ban Kiểm soát thì có thể trì hoãn việc họp ĐHĐCĐ; hoặc nếu có họp được cũng sẽ bị nại cớ không hợp thủ tục, tạo ra sự nhùng nhằng và khó khăn về pháp lý cho phần lớn cổ đông.

Đó là chưa kể Hiệu trưởng và HĐQT có thể ban hành ra quy chế theo hướng có lợi cho mình để nắm cả "hành pháp" và "lập pháp". Khi ấy, nguy cơ là không lường hết được. Cổ đông có thể hoàn toàn mất thực quyền của sở hữu chủ trên thực tế.

Sự có mặt nhiều "thành viên đương nhiên" trong HĐQT cũng có thể tiềm ẩn nhiều phức tạp. Chẳng hạn, một nhóm thiểu số trong HĐQT có thể kết hợp với các thành viên "từ trên trờ rơi xuống" này trở thành đa số để khuynh đảo HĐQT. Hoặc hiệu trưởng, một thành viên đương nhiên, nếu kết nhóm cùng 3 thành viên đương nhiên khác thì cần phải có tới hơn 12 thành viên HĐQT (theo quyết nghị 3/4) đồng thuận mới bãi miễn được Hiệu trưởng. Nếu nhóm HT lôi kéo thêm một thành viên thì nhóm còn lại phải cần tới hơn 15 thành viên. Lúc đó, cổ đông muốn giữ được quyền kiểm soát sẽ vô cùng gian nan. Chưa kể, có nhiều trường chỉ có ba người góp vốn thì HĐQT sắp tới sẽ như thế nào.

Những phiền phức như vậy, có khả năng làm nhiều nhà đầu tư chán ngán, quay lưng lại với giáo dục. Khi ấy, luồng đầu tư sẽ bị khựng lại và việc xã hội hóa giáo dục khó lòng đẩy mạnh được.

Những phân tích trên cho thấy, dự thảo "Quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH NCL" chưa tốt hơn quy chế hiện hành. Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Đào cho rằng, rất cần thống nhất các quan điểm căn bản để có được một tư duy pháp lý mạch lạc và nhất quán khi biên soạn quy chế.

Bà Đào đề xuất: trong lĩnh vực tư, sở hữu chủ là người chịu toàn bộ rủi ro, có thể mất mát hoặc phá sản, nên mặc nhiên cũng có quyền hưởng dụng thành quả. Vì trách nhiệm của sở hữu chủ lớn nên quyền hạn phải cao tương xứng, đó là lẽ công bằng.

Do vậy, trong trường ĐH tư, cần phải xác nhận sở hữu chủ có quyền lực gốc, vì vậy định chế ĐHĐCĐ cần phải được đặt ở địa vị cao nhất trong mô hình tổ chức. Chỉ định chế này mới có quyền ban hành Điều lệ và Quy chế Tổ chức và hoạt động (lập hiến, lập pháp) và bổ nhiệm các nhân sự quản lý cấp cao trong các cơ quan HĐQT, Ban giám hiệu (hành pháp), Ban Kiểm soát (tư pháp).

MINH NHẬT

www.phunuonline.com.vn

đại học ngoài công lập, quy chế tổ chức, đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị


      © 2021 FAP
        840,399       785