Xã hội

Cậu bé lớp 5 bán bánh xèo viết nên cổ tích

PN - Clip cậu bè học sinh lớp 5 ở Phú Yên đúc bánh xèo nuôi bà ngoại già yếu, mẹ và cậu bị tâm thần khiến nhiều người rơi nước mắt.

“Sáng sáng con đi xay bột về đúc bánh xèo bán, có ngày kiếm được mười nghìn, hai chục nghìn đồng. Có ngày bán ế, con đem bánh về cả nhà ăn. Con chỉ mong mẹ hết bệnh để phụ với con lo cho cả nhà” - cậu bé 10 tuổi Huỳnh Trọng Ơn nói về mong ước quá đỗi bình dị của mình, mắt ngân ngấn nước.

Cậu bé Huỳnh Trọng Ơn đúc bánh xèo bán ngoài chợ - Ảnh: Đài phát thanh - truyền hình Phú Yên

GỒNG GÁNH CHĂM LO CẢ GIA ĐÌNH

Nhiều tháng nay, những người buôn bán ở chợ xổm thuộc thôn Bàn Thạch (xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) đã quen với hình ảnh cậu bé gầy gò ngồi đúc và bán bánh xèo vào buổi sáng. Bánh của cậu bé cũng “nghèo” như chủ, không có tôm cũng chẳng có thịt, chỉ một ít giá đỗ làm nhân; ba cái bánh giá 2.000đ. Cậu bé nhỏ thó, ngồi phía sau bốn lò than bên trên đặt bốn cái khuôn, cặm cụi tráng bột, gắp bánh. Có người thương tình ghé lại, dù không muốn ăn cũng mua ủng hộ, bởi họ biết cậu bé phải lo cho ba con người, ba số phận hẩm hiu.

Trước kia, hàng bánh xèo này do bà Huỳnh Thị Lan - mẹ bé Ơn, một phụ nữ trước đây sống bằng nghề làm rẫy, chặt củi đốt than ở Đồng Khôn (xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) đảm trách. Song chứng bệnh thần kinh đã không để cho người đàn bà nghèo kiếm chút tiền lời nuôi con, nuôi mẹ già và em trai bệnh tật. “Nó (bà Lan) đúc bánh cháy hoài, không ai mua nên thằng Ơn phải làm thay nó” - bà Huỳnh Thị Thu - chị họ của bà Lan kể.

Vậy là cậu bé Ơn tập đúc bánh xèo. Năm giờ sáng, Ơn thức dậy, đi xay bột. Trong khoảng thời gian đó, nếu thần trí tỉnh táo, bà Lan giúp con nhặt rau, làm nước chấm. Một tiếng đồng hồ sau, bốn cái hỏa lò đỏ lửa, cậu bé 10 tuổi bắt tay vào việc.

“Đúc bánh cũng khó, con tập hai ngày mới được. Mỗi ngày con xay sáu lon gạo, bán đến tám rưỡi, chín giờ sáng thì hết. Có ngày kiếm được mười nghìn, hai chục nghìn đồng; có ngày bán ế, con đem bánh về cả nhà ăn…” - cậu bé Huỳnh Trọng Ơn kể.

Xong công việc buổi sáng, Ơn về nhà, chuẩn bị bài vở để buổi chiều đi học và phụ bà ngoại nấu cơm trưa. Sống trong túng thiếu vất vả nhưng cậu bé rất chăm học, bốn năm liền là học sinh giỏi. Ơn nói: “Đầu năm học, con chưa hiểu bài, bị điểm kém. Sau đó, được cô giáo nhắc nhở, con ráng học. Con không thấy buồn khi phải làm việc đâu. Làm việc thì có tiền nuôi mẹ, nuôi ngoại…”.

Thầy Đặng Văn Minh, Tổng phụ trách Đội - Trường tiểu học số 3 Hòa Xuân Đông cho biết: “Ngay từ khi em Huỳnh Trọng Ơn vào lớp 1, biết gia đình em thuộc diện hộ nghèo, nhà trường đã tạo điều kiện và huy động đóng góp, giúp đỡ. Ơn hiền, ngoan và rất chăm học”.

Ơn chuẩn bị phụ liệu để bán bánh - Ảnh: Đài phát thanh - truyền hình Phú Yên

KHỔ TỪ LÚC CHÀO ĐỜI

Ông Huỳnh Thu ở thôn Bàn Thạch cho biết: “Nhà thằng Ơn khổ từ đời ông ngoại đến đời mẹ nó, rồi đến đời nó!”.

Một ngày cách đây 10 năm, bà Lan trở dạ. Mẹ đã già yếu, chị đi làm ăn xa, em trai vừa câm vừa ngơ ngẩn, bà Lan chỉ còn biết trông cậy vào người chị họ. Bà Huỳnh Thị Thu - người chị họ đưa bà Lan đến bệnh viện sinh con, và cũng chính bà Thu đặt tên cho đứa trẻ. “Sau khi hai mẹ con nó xuất viện về nhà, đâu có ai nuôi, tui nuôi một tháng. Thằng Ơn chịu thiệt thòi từ lúc mới sinh ra cho tới bây giờ. Cũng nhờ bà con lối xóm và dòng họ giúp đỡ, người cho ký gạo, người cho mớ rau… Tui đặt tên thằng nhỏ là Ơn, ý muốn nhắc cháu biết ơn những người đã giúp đỡ hai mẹ con trong lúc thắt ngặt” - bà Thu nói.

Vậy cha bé Ơn đâu? Ở ngay xóm trên chớ đâu! Những người hàng xóm nói vậy. Họ kể, trước khi đến với bà Lan, người đàn ông đó đã là cha của một đàn con chín đứa. Ráp nối với bà Lan, đến khi bà mang thai tám tháng thì người đàn ông đó rũ áo ra đi. “Vợ chồng có chút xích mích, lời qua tiếng lại, vậy là ổng đi biệt rồi lấy vợ khác” - bà Lan kể khi tỉnh táo. Người trong xóm nói, cha bé Ơn không “nhìn” con, chưa một lần ghé lại thăm con, ngay cả khi thằng bé phải đúc bánh xèo bán để nuôi mẹ bệnh tâm thần, nuôi bà ngoại già yếu và người cậu ngơ ngẩn.

Bé Ơn mang họ mẹ. Người dân ở cái xóm nhỏ thuộc thôn Bàn Thạch nói bà Lan khổ từ tấm bé, lớn lên lấy chồng lại tiếp tục khổ. Người đàn bà sinh năm 1963 này quanh năm cắm mặt trên ruộng và trên đám rẫy ở Đồng Khôn, trồng lúa, chặt củi đốt than đắp đổi. Đến tuổi đi học, bé Ơn về sống tại nhà dì ruột ở thôn Bàn Thạch, còn bà Lan vẫn “bám trụ” trên rẫy, cách nơi con trai ở chừng bảy cây số.

Thương em gái cơ cực, chị ruột bà Lan dành dụm chắt mót cho em mượn tiền mua bán quần áo cũ. Đồng lời kiếm được thì ít, mà có quá nhiều thứ phải trang trải, bà Lan mua bán một thời gian thì hết vốn, nợ chị 15 triệu đồng. Với người đàn bà nghèo chuyên chặt củi đốt than, số tiền đó quá lớn.

Năm 2012, không rõ vì lý do gì, bà Lan phát điên. Người ta thấy bà cứ đi vài bước thì sấp ngửa chắp tay lạy, có khi đi sáng đêm khắp xóm khắp làng. Gia đình bé Ơn quyết định bán 2,5 sào ruộng - tài sản duy nhất của cả nhà - lấy 1,8 triệu đồng chữa bệnh cho bà Lan. Hai mẹ con ở nhờ nhà người chị ruột, cùng với người mẹ già 90 tuổi và em trai bà Lan, đã 44 tuổi, bị câm và ngơ ngẩn.

Không có thu nhập ngoài khoản trợ cấp nhận từ địa phương, gia đình bốn người của cậu bé Huỳnh Trọng Ơn sống dựa vào tình thương và sự san sẻ của bà con dòng họ cùng những người hàng xóm tốt bụng.

Cậu học trò lớp 5A Trường tiểu học số 3 Hòa Xuân Đông nói rất già dặn: “Không có mẹ thì làm sao có con, không có ngoại làm sao có mẹ! Con chỉ mong mẹ khỏi bệnh, phụ con lo việc nhà. Con sẽ ráng học, lớn lên làm thầy giáo để dạy cho các học sinh nghèo như con”.

VIỆT AN 

Xuất hiện trong video clip “Cậu bé lớp 5 bán bánh xèo nuôi mẹ bệnh tâm thần, bà ngoại già yếu, cậu bệnh tật”, Huỳnh Trọng Ơn đã làm nhiều người rơi nước mắt. Bạn trẻ Huỳnh Thị Thùy Trang ở Q.Tân Bình, TP.HCM nói: “Coi video clip đó, tôi giàn giụa nước mắt và quyết định ra Phú Yên ngay. Do thời gian quá gấp, bạn bè tôi không đi cùng được nên ủng hộ sách vở, quần áo, tiền... để tôi mang ra tặng cậu bé”.

Từ TP. Quy Nhơn, Bình Định, chị Trang Nguyễn Phương Thảo cùng người thân vào Tuy Hòa thăm gia đình Ơn. Chị Phương Thảo nói: “Dù còn rất nhỏ nhưng cháu Ơn đã ý thức được sức nặng trên đôi vai mình. Tôi mong ước cháu có đủ sức mạnh để vượt qua, chăm sóc bà, mẹ và được học hành đến nơi đến chốn”.

Ông Phạm Văn Thương, 75 tuổi, ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM cho biết: “Mấy đứa con nuôi của tôi xem video clip và khóc, rồi tụi nó chuyển cho tôi xem. Ngày thứ Bảy, tôi đặt vé xe ra Phú Yên, tìm tới nhà cháu Ơn. Mấy đứa con tôi đã hỏi thăm một ngôi chùa ở Sài Gòn, gợi ý rằng tốt nhất là đưa bà ngoại, mẹ và cậu cháu Ơn gửi vô chùa để chữa bệnh, còn cháu Ơn thì gửi cho nhà thờ cưu mang để cháu ăn học”.

www.phunuonline.com.vn

Cậu bé lớp 5, bán bánh xèo, nuôi cả gia đình, viết nên cổ tích


      © 2021 FAP
        857,659       776