PN - TP.HCM hiện có 286/322 phường, xã xây dựng được mô hình câu lạc bộ “Gia đình phòng chống tệ nạn xã hội”; 100% phường, xã có CLB “Gia đình nuôi dạy con tốt”... Thực tế, những CLB này chưa phát huy được vai trò.
Chị Chu Thị Trọng (trái) đang thăm hỏi một người mẹ có con vừa hồi gia
Là người thường xuyên được chỉ định hỗ trợ pháp lý cho những bé gái bị xâm hại tình dục, luật sư (LS) Vũ Hồng Điệp - Đoàn Luật sư TP.HCM, hội viên Hội LHPN P.Tăng Nhơn Phú A, Q.9 trăn trở: rất nhiều vụ phụ nữ (PN), trẻ em bị xâm hại, bị bạo hành, Hội vào cuộc chỉ để giải quyết hậu quả, thường thì cán bộ Hội đưa nạn nhân đi tạm lánh, hoặc trình báo công an. “Mạnh” hơn một chút, “thương” hơn một chút, thì cán bộ Hội giúp cho vay vốn, giới thiệu việc làm… là coi như đã “xong nhiệm vụ”, trong khi những PN kém may mắn đó rất cần Hội quan tâm nhiều hơn.
“Cách đây một tháng, bản tin thời sự của VTV có đưa tin, một PN ở Q.3, TP.HCM nhảy kênh Thị Nghè tự tử. Khi phóng viên hỏi người chồng có biết vì sao chị hành động như vậy thì người chồng trả lời ngắn gọn: “Cô ấy bị tâm thần!”. Trong khi bản tin còn cho biết người vợ này thường xuyên sống trong cảnh bị chồng bạo hành, nợ nần bủa vây. Tôi cứ suy nghĩ mãi về bản tin này. Câu chuyện xảy ra trong khoảng thời gian dài như vậy, cán bộ Hội nơi chị ấy sống có biết chuyện hay chưa? Chị ấy đã từng bao giờ biết đến Hội, cầu cứu và tìm Hội như một chỗ dựa tinh thần cho mình chưa? Nhiều PN khác đang chịu cảnh tương tự. Tôi tự hỏi trong số họ, còn bao nhiêu PN vì bạo lực dẫn đến bị trầm cảm, tâm thần mà không hiểu được nguyên nhân, gốc gác căn bệnh của mình. Khi họ không nhận biết được thì làm sao có thể tự cứu mình hoặc nhờ người khác cứu mình được? Và, khi Hội không biết đến hoàn cảnh thương tâm đó, thì làm sao có thể sẻ chia, nâng đỡ họ?”.
Hội có rất nhiều chiến dịch truyền thông phòng chống HIV/AIDS, ma túy, nhiều buổi tuyên truyền pháp luật, sức khỏe sinh sản, bí quyết gìn giữ hạnh phúc gia đình... Thế nhưng, với không ít cán bộ Hội, việc tổ chức các chương trình ấy còn nặng mục đích báo cáo số liệu, làm… phong phú cho phong trào. Thậm chí trong nhiều lần khảo sát thực tế, giao ban cơ sở về đề án giáo dục “5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”, lãnh đạo thành Hội phải “kêu trời”: “Các chị cần phải nắm vững nội dung, ý nghĩa của đề án, chứ đừng chỉ nắm tên gọi và các con số… Khi bản thân mình chưa “nhuyễn” vấn đề, làm sao xác định đúng trọng tâm để cơ sở thực hiện?”.
Chị Chu Thị Trọng - Chi hội trưởng Chi hội PN KP.2, P.Thảo Điền, Q.2, đồng thời là người trực tiếp làm công tác cán sự xã hội, quản lý đối tượng sau cai hồi gia tại phường, kể: “Có lần thấy tôi chở một đối tượng nhiễm HIV xuống Trung tâm Y tế dự phòng Q.2 lãnh thuốc, nhiều người e ngại nói: “Mình chỉ cần hướng dẫn họ tự xuống đó lãnh thuốc, chở đi như vậy rất nguy hiểm”; hoặc khi thấy tôi cho các đối tượng đến nhà, nhiều người cản ngăn: “coi chừng mất trộm” hoặc “dẫn giặc vào nhà”… Nhiều người cứ nghĩ, các đối tượng cai nghiện trở về là thứ bỏ đi, trước sau gì cũng tái nghiện. Nhưng khi tiếp xúc, nghe các đối tượng bộc bạch: “Tụi con muốn làm lại cuộc đời mà không ai tin tụi con”, tôi hiểu các cháu rất khát khao làm lại cuộc đời”.
Gia đình là điểm tựa lớn nhất để người lầm lỡ quay về. Có thể người đó đã làm người thân mất niềm tin nên bị buông xuôi, bỏ mặc. Thực tế cho thấy, dù có nhiều nỗ lực, nhưng Hội chưa thực sự sâu sát đến các hộ gia đình. Nhiều thanh niên hoàn lương được hưởng chính sách hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội. Tuy nhiên, chính người thân của các em lại không đứng ra bảo lãnh. Chị Chu Thị Trọng bức xúc: “Mỗi lần “chạm” một hồ sơ như vậy, lòng tôi lại đau xót. Rõ là ở khía cạnh này, Hội còn yếu”.
Trong đợt khảo sát hoạt động Hội ở cơ sở tại TP.HCM, tháng 8/2014, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đã nhận định: “Có thể nói, các cấp Hội tại TP.HCM có nhiều hoạt động, mô hình phong phú trong việc chăm lo cho PN có hoàn cảnh khó khăn, lỡ lầm, những trẻ em bị buôn bán, thanh thiếu niên vướng vào tệ nạn xã hội… Việc ghép những “mảnh vỡ cuộc đời” này luôn là việc khó, không chỉ làm mô hình và nhân rộng mô hình hoặc làm theo phong trào, bề nổi, mà đòi hỏi sự chuyên tâm, kiên trì”.
Bà Đinh Thị Bạch Mai - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM thường nhắc nhở cán bộ Hội cơ sở: “Cán bộ Hội phải tự mình vượt khó, phải học hỏi từng ngày và làm bằng cái tâm mới mong có thể sẻ chia phần nào khó khăn của PN. Cán bộ Hội vào cuộc giúp đỡ chị em, và xem đó là nhiệm vụ, là thử thách của chính mình”.
HẠNH CHI - HOA LÀI
HỘI LHPN TP: SÔI NỔI HỘI THI “PHỤ NỮ VÀ PHÁP LUẬT” Sáng 30/9, tại hội trường Hội LHPN TP đã diễn ra vòng sơ kết Hội thi “Phụ nữ và pháp luật” năm 2014. Chương trình do Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cùng Hội LHPN TP tổ chức. Hội thi diễn ra sôi nổi, thu hút 189 thí sinh (27 đội) là báo cáo viên pháp luật của 24 quận, huyện Hội và Hội Phụ nữ thuộc ba đơn vị lực lượng vũ trang TP. Nội dung thi xoay quanh Hiến pháp, Luật Đất đai (2013), Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Phòng, chống buôn bán người… Dự kiến vòng chung kết sẽ diễn ra trong tuần lễ kỷ niệm Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam (9/11/2014). VIỆT PHƯƠNG H.HÓC MÔN: TỔ CHỨC KHÁM BỆNH, TẶNG QUÀ CHO 200 NGƯỜI CAO TUỔI Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế người cao tuổi (1/10), Hội LHPN H.Hóc Môn và Hội Chữ thập đỏ huyện vừa tổ chức khám bệnh, phát thuốc cho 200 người già neo đơn, khó khăn ở các xã Đông Thạnh, Nhị Bình và Thới Tam Thôn. Dịp này, Hội LHPN huyện đã trao tặng mỗi cụ một phần quà gồm bánh, đường, sữa. HẠNH CHI Q.TÂN BÌNH: NỮ THANH VỚI AN TOÀN GIAO THÔNG “Nữ thanh với an toàn giao thông” là chủ đề của hội thi về an toàn giao thông do Hội LHPN Q.Tân Bình vừa tổ chức với sự tham gia của 15 đội (thành viên CLB Nữ thanh) trực thuộc 15 phường trên địa bàn quận. Mỗi đội trải qua bốn vòng thi với các hình thức: trắc nghiệm, rung chuông, xử lý tình huống và trò chơi âm nhạc. Nội dung câu hỏi xoay quanh Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành; Nghị định 171/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Kết quả, đội P.10 giành giải nhất. NGUYỄN VIỆT Q.3: HỘI THI “GIA ĐÌNH NUÔI, DẠY CON TỐT” Hội LHPN TP vừa phối hợp Hội LHPN Q.3 tổ chức hội thi “Gia đình nuôi, dạy con tốt” với 28 gia đình dự thi. Hội thi còn là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong việc nuôi, dạy con cái; giúp thắt chặt tình đoàn kết, yêu thương giữa các thành viên với nhau. Kết quả, giải nhất thuộc về P.13. PHƯƠNG HOA |
nuôi dạy con, phòng chống tệ nạn, ma túy, hội phụ nữ