PN - Hôm qua, 2/10, Hội LHPN TP.HCM tổ chức vòng chung kết hội thi kể chuyện Gương sáng phụ nữ quanh tôi. 26 tấm gương đã được các đơn vị chọn để giới thiệu.
1. Năm 1994, khi công việc buôn bán đang hanh thông, con đầu lên ba, đứa thứ hai tròn một tuổi, thì chồng chị Lê Thị Hà đột ngột ngã bệnh, liệt nửa người. Kể từ đó, tài sản trong gia đình lần lượt ra đi. Mỗi tờ mờ sáng, chị Hà đạp xe ra chợ Cầu Muối để lấy rau củ quả về bán kiếm sống.
Năm 2007, chồng mất, chị Hà xin vào làm bảo vệ tổ dân phố và trở thành nữ bảo vệ dân phố duy nhất của P.Cầu Kho, Q.1, TP.HCM. Bất kể nắng mưa, 1-2 giờ sáng, người ta vẫn thấy chị đi tuần tra từng con đường, ngõ hẻm. Rồi chị tham gia tổ cán sự xã hội tình nguyện phường với nhiệm vụ quản lý, giáo dục, giúp đỡ người sau cai tái hòa nhập cộng đồng. Năm 2009, chị được nhận giấy khen của Hội Khuyến học công nhận gia đình hiếu học cấp thành phố. Năm 2010 và 2011, chị Lê Thị Hà nhận được bằng khen của thành phố. Năm 2012, chị được giấy khen của UBND Q.1…
Ông Huỳnh Văn Riều, Ủy viên Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh Q.1, nhận xét: “Mặc dù gia đình rất khó khăn, phải nuôi hai con và gánh vác rất nhiều nhiệm vụ xã hội, nhưng việc nước việc nhà cô Hà đều hoàn thành xuất sắc".
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Phó chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP và bà Nguyễn Thị Thu Hoài - Trưởng phòng Khoa giáo, Ban Tuyên giáo Thành ủy trao giải cho các đội đạt giải nhất, nhì, ba.
2. Chị Nguyễn Thị Hồng Hoa là một nữ tu dòng Mến thánh giá Cái Mơn, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, có chi nhánh tại Q.Phú Nhuận. Chị Hoa được hội dòng phân công công việc mà chị khao khát dấn thân: chăm sóc bệnh nhân phong. Mỗi ngày, trên chiếc xe gắn máy cà tàng, chị một mình băng qua những quãng đường ngoằn ngoèo, vắng vẻ để đến với những người đang cần giúp đỡ.
Đa phần các bệnh nhân phong là những người nghèo, làm nghề nông. Một số không ruộng đất, không nhà cửa phải tá túc dưới mái đình, hiên chùa và sống nhờ vào sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Chị Hồng Hoa đến tận nơi thăm viếng, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ với cả tấm lòng. Ngoài công việc chăm sóc bệnh nhân phong, chị Hồng Hoa còn vận động sự trợ giúp của nhiều người để gây quỹ hỗ trợ các gia đình nghèo và quỹ học bổng cho các em học sinh khó khăn.
3. Bị nhiễm chất độc da cam dioxin, sinh ra không có hai bàn tay và hai bàn chân, tuổi thơ của chị Trần Thị Mỹ Duyên - người đại diện tổ chức Vietnam Les Enfants de la Deoxine tại Việt Nam (Q.12) - là những tháng ngày đói nghèo và vất vả, đôi khi đến ngày cuối năm cả gia đình chỉ có rổ khoai lang. Những ngày mưa, nhìn cô bé khuyết tật vượt đoạn trường dài ngập ngụa bùn đất đến trường, ai cũng lắc đầu ái ngại, nhưng Mỹ Duyên vẫn nuôi khát vọng “phải học thật giỏi để thoát nghèo”.
Chị đã thi đậu khoa tiếng Pháp - Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Sau khi tốt nghiệp, chị nhận được nhiều lời mời về làm việc ở những nơi có điều kiện tốt, lương bổng cao nhưng chị lại chọn nghề dạy học cho trẻ khuyết tật tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Q.4. Đến năm 2003, chị Mỹ Duyên chuyển về Trường ĐH Hoa Sen, giữ chức Phó phòng Đào tạo. Năm 2004, chị là một trong những thành viên của đoàn đại biểu đến Pháp vận động cho vụ kiện của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
***
Bà Nguyễn Thị Thu Hoài - Trưởng phòng Khoa giáo, Ban Tuyên giáo Thành ủy, đại diện Ban Giám khảo hội thi nhận định: “Các tấm gương đều rất tiêu biểu, họ là những người có tấm lòng nhân ái, chịu thương chịu khó, năng động sáng tạo và biết vươn lên trong nghịch cảnh. Điểm chung ở họ là sự tận tâm, tận lực chăm lo cho hội viên, phát triển các phong trào, hoạt động của Hội".
HẠNH CHI - HOA LÀI
hội thi, gương sáng phụ nữ, hoạt động Hội