Xã hội

Đề nghị tăng thuế tiêu thụ rượu, bia, thuốc lá

PN - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Việt Nam hiện thuộc nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới. Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là cần thiết

Ngày 25/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Theo tờ trình của Chính phủ, có ba nhóm hàng hóa là thuốc lá, bia và rượu, cần điều chỉnh tăng thuế suất. Cụ thể, đối với thuốc lá, từ ngày 1/1/2016, sẽ tăng thuế suất thuế TTĐB từ 65% lên 70%; từ ngày 1/1/2019 tăng từ 70% lên 75%.

Việt Nam là một trong những quốc gia tiêu thụ nhiều bia nhất thế giới.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Việt Nam hiện thuộc nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới. Việc tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá là cần thiết để giảm tỷ lệ người hút thuốc lá và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Với mặt hàng bia, từ ngày 1/7/2015, thuế suất sẽ tăng từ 50 lên 55%; từ ngày 1/1/2017 tăng lên 60% và từ ngày 1/1/2018 tăng lên 65%. Chính phủ đánh giá, việc lạm dụng bia đã gây tác hại đến sức khỏe người dân, là căn nguyên của tình trạng mất trật tự an toàn xã hội, gia tăng tội phạm và tai nạn giao thông.

Tương tự, với mặt hàng rượu từ 200 trở lên, Chính phủ đề xuất tăng từ mức 50 lên 65% (áp dụng thuế suất như rượu từ 400 trở lên đã thực hiện trước ngày 1/1/2010); rượu dưới 200 áp dụng thuế suất 35% (tăng 10%). Đồng tình với kiến nghị tăng thuế, một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách còn đề nghị nâng thuế suất ở mức cao hơn nhằm phòng chống hiệu quả hơn tác hại của rượu, bia, thuốc lá.

Cùng ngày, tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Về các vấn đề xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình con số tỷ lệ thất nghiệp 1,84% do Bộ LĐ-TB-XH vừa công bố. Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi đề nghị Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH làm rõ vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền trả lời, con số này dựa trên cơ sở số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê. Bộ trưởng nói: “Nhiều năm nay chúng ta vẫn tính như thế. Chỉ số đánh giá thất nghiệp ở các nước đang phát triển không đồng thuận với chỉ số của các nước phát triển”.

Đại diện Bộ KH-ĐT giải thích thêm, con số này được tính theo cách tính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Cụ thể, một người lao động trong một tuần có làm việc trong một giờ tạo thu nhập chính đáng thì không coi là thất nghiệp.

Không đồng tình, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, căn cứ theo tiêu chuẩn của ILO liệu có phù hợp với Việt Nam? Ở nước ta, nhiều lao động làm việc trong khu vực phi chính thức, nếu áp dụng một cách máy móc, xã hội sẽ phản ứng. Bà Trương Thị Mai đề nghị cân nhắc thêm về con số thất nghiệp bởi “một con số công bố mà xã hội phản ứng, chưa chấp nhận” thì phải xem xét lại.

P.Mai

www.phunuonline.com.vn

Quốc hội, thuế tiêu thụ đặc biệt, rượu bia thuốc lá


      © 2021 FAP
        858,773       145