PN - Sinh thời, Bác Hồ luôn dành tình yêu thương và sự quan tâm đặc biệt cho phụ nữ và trẻ thơ: “Sữa để em thơ, lụa tặng già”. Đã có nhiều câu chuyện về những ưu ái mà Bác dành cho nữ giới.
Một lần tôi may mắn được dì Bảy Huệ (Ngô Thị Huệ, phu nhân cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh) kể lại lần gặp Bác năm 1959, ngay khi dì cùng ba con nhỏ từ miền Nam ra Bắc: “Khi tôi báo với Bác hoạt động của Ban Phụ vận Xứ ủy gồm chị Nguyễn Thị Thanh, chị Nguyễn Thị Chơn, Lê Thị Riêng, Đỗ Duy Liên, Nguyễn Thị Loan… hầu hết các chị đều phải mang con đi gửi cho cơ sở mật nuôi nấng để dễ bề hoạt động, gầy dựng phong trào, Bác ân cần: “Con còn nhỏ mà phải mang đi gửi quả là một hy sinh lớn. Các cháu được chăm sóc ra sao? Có đảm bảo được sự an toàn tuyệt đối không? Trong điều kiện khó khăn ấy, thì hoạt động thế nào?...”.
Bác Hồ với đại biểu phụ nữ dân tộc ít người tại Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ III, tháng 3/1961. Ảnh tư liệu. |
Trong di chúc Bác viết năm 1968, phần dành cho nữ giới: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.
Trong những năm nước nhà còn chia cắt, với cương vị chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Bác luôn chăm lo, tạo điều kiện để chị em công tác tốt; đào tạo bồi dưỡng, quy hoạch, xây dựng các chính sách đưa chị em phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hoạt động xã hội; sánh vai cùng nam giới giữ các vị trí lãnh đạo điều hành cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức đoàn thể xã hội, nghề nghiệp… Bác còn kêu gọi chị em phải tự giải phóng những tư duy lạc hậu, hạ thấp vị trí. Chính chị em phải xóa bỏ mặc cảm tự ti của phái yếu, phải tự làm cuộc cách mạng xóa bỏ những tàn dư phong kiến coi khinh và xem nhẹ vai trò của nữ giới.
45 năm thực hiện di chúc của Bác, những thành tựu trong tạo lập và xác định nữ quyền và bình đẳng giới ngày được hoàn thiện, phản ảnh rõ trong hệ thống pháp luật của nhà nước Việt Nam. Bình đẳng nam nữ luôn là nguyên tắc hiến định xuyên suốt. Nhiều chỉ số cho thấy sự có mặt của nữ giới ở những vị trí then chốt trong quản lý, điều hành cơ quan, tổ chức ở các cấp cùng sự phát triển lớn mạnh, những đóng góp có ý nghĩa, giá trị của đội ngũ nữ trí thức trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội nhiệm kỳ 2011-2016 là 24,4% (cao thứ hai trong khu vực và thứ 43 trên thế giới), đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh 25,2%, cấp huyện 24,6%, cấp xã 21,7%. Hơn 20% nữ tham gia quản lý điều hành doanh nghiệp. Hội Nữ trí thức Việt Nam, một tổ chức xã hội nghề nghiệp thành lập năm 2011, quy tụ hơn 500 nữ trí thức trong cả nước với mục tiêu tập hợp, đoàn kết, phát huy tài năng, trí tuệ nữ trí thức vì sự bình đẳng và phát triển của phụ nữ Việt Nam, góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Các giải thưởng dành cho nữ giới như Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam hàng năm, giải thưởng Kovalevskaia, Quỹ giải thưởng tài năng nữ… góp phần khích lệ những cống hiến của chị em nữ trí thức.
Tuy vậy, những thành tựu trên dường như vẫn chưa tương xứng với yêu cầu mà Bác mong muốn: “Cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”. Quyền bình đẳng thật sự không thể chỉ thông qua công tác quy hoạch, xếp đặt chị em ở vị trí này, vị trí nọ, mà còn cần quan tâm để giải tỏa những áp lực gia đình với thiên chức làm vợ, làm mẹ mà chị em đang phải gánh.
Muốn vậy, cần có nhiều hơn nữa các chính sách tạo điều kiện cho chị em có thời gian nuôi dạy con cái, “giữ lửa” hạnh phúc cho mái ấm của mình: chặt chẽ trong các quy định bảo vệ quyền lợi và sức khỏe phụ nữ, chăm lo xây dựng phát triển và giám sát hệ thống các nhà trẻ, mẫu giáo an toàn trong nuôi và dạy trẻ… Nhiều chị em ở các vị trí lãnh đạo, quản lý, giảng dạy, nghiên cứu… sau nghỉ hưu dường như vẫn còn sung sức hơn, vẫn xông pha trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Do đó, sẽ là một sự lãng phí tài nguyên chất xám, nếu tổ chức Hội Phụ nữ, các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp không thu hút, chiêu mộ họ để tận dụng những kinh nghiệm nghề nghiệp, những mối quan hệ… để họ tiếp tục góp sức trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục…, tiếp tục cùng chung tay xây dựng và đấu tranh, tạo dựng quyền bình đẳng cho nữ giới rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc…
TS Quách Thu Nguyệt
di chúc Bác Hồ, quyền bình đẳng, bình đẳng giới, bình đẳng nam nữ