PNO - Hạ nguồn sông Ba, đoạn chảy qua xã Hòa Thành, huyện Đông Hoà (Phú Yên), từ tháng giêng đến tháng 9 dòng sông mùa cạn để lộ bãi bồi rộng mênh mông. Nơi đây hình thành xóm chòi, người dân ăn nên làm ra từ những căn chòi này.
Đi trên cầu Đà Rằng (mới) nhìn xuống sông Ba, trên những doi đất nằm cạnh các nhánh nhỏ của dòng chảy sông Ba đầy ắp phù sa, thấy người dân thôn Phú Lễ (xã Hòa Thành) cất chòi trồng bí, mướp, cà, trồng cỏ nuôi bò và dựng chòi chăn vịt.
Những căn chòi phủ bạt nhỏ bé xung quanh che tạm bợ cây lau sậy, thế nhưng người dân quanh vùng “ăn nên làm ra” từ những căn chòi này.
Chị Nguyễn Thị Sáng (41 tuổi), ở thôn Phú Lễ cho hay: “Người dân sống trong căn chòi nhỏ bé nhưng sở hữu hơn nửa mẫu đất bãi bồi trồng bí, mướp, cà bán chợ. Mỗi ngày hái trung bình từ 150 - 200kg mướp, cà bán với giá 5.000 đồng/kg, bỏ túi 1 triệu đồng".
Cạnh đó, chị Cao Thị Ái Loan (33 tuổi), ngoài việc trồng bí, mướp, cà… tài sản của vợ chồng chị còn có 6 con bò đang nhốt trong chuồng trên vùng bãi bồi. Ngoài 3 con bò cái sinh sản, mỗi năm chị xuất chuồng bán 3 con với giá 30 triệu đồng/con, nắm chắc trong tay 90 triệu đồng. Chị Loan cho hay, trồng mướp, cà bán hằng ngày trang trải cuộc sống gia đình nuôi con ăn học, còn nuôi bò lấy đó làm “của để dành”.
Nuôi bò ở đây rất thuận lợi, cỏ voi trồng dọc bờ sông và cỏ chân vịt, giọng vó mọc hoang dại dọc triền soi cắt về cho bò ăn xen với rơm. Nguồn thức ăn dồi dào. Bò lùa ra sông tắm mát thường xuyên nên mướt lông, mau mập đối với bò cái; còn bò đực mau bung đùi, nổi ụ.
“Hồi mới lập gia đình ra riêng, cha mẹ cho con bò làm vốn, vợ chồng tôi lùa thẳng ra ngoài này. Vợ chồng vay mượn thêm mua tiếp con bò cho đủ cặp để hùa ăn. Mấy năm sau bò sinh sản, từ 2 năm nay mỗi năm tôi đều bán 3 con bò ”- chị Loan kể.
Gắn bó với vùng đất bãi bồi mưu sinh mang lại nguồn thu nhập cao, có người xây nhà với đầy tủ tiện nghi, máy lạnh, tủ lạnh, ti vi…Tuy nhiên, nhiều người ở chòi rách nát nhiều hơn ở nhà.
Ông Bảy Hà, một người sống ở bãi bồi cho hay: “Nhiều năm qua tôi sống ở đây làm lụng tích lũy sắm sửa trong nhà trong cửa đầy đủ tiện nghi. Thế nhưng chỉ mấy đứa con nó ở nhà, còn tôi 9 tháng ròng rã ở chòi. Ban ngày chăm sóc dưa, cà còn tối giữ chòi, trong đó có đàn bò. Ba tháng mùa mưa lũ (10-12) “trả đất” cho dòng sông bị ngập lụt nên mới về nhà”.
Kề bên con lạch, căn chòi của ông Trần Văn Hoàng nhìn “thảm” hơn. Căn chòi thấp lè tè, dây mướp, bí bò leo phủ mái chòi, trong chòi kê cái bếp nấu. Chòi tạm bợ thế nhưng nhiều người vào ở “ké”. “Mấy người lái xe bò hốt cát về xây nhà, trưa tranh thủ thả bò trên bãi bồi ăn cỏ để lấy sức chiều kéo xe, họ vào chòi tôi ở “ké”, xế tiếp tục đi kéo cát” - ông Hoàng nói.
Sống ở bãi bồi mưu sinh, có lần ông Hoàng bị chết hụt. Cách đây vài năm, dòng sông đang mùa cạn, thủy điện đầu nguồn xả lũ đột xuất nên nước dồn về hạ nguồn lênh láng. Nửa đêm ông vội lùa bò chạy vô xóm nhà, đến chỗ nước sâu dòng sông lại rộng, không tài nào bơi nổi nên ông đu đuôi bò mới thoát qua được đến bờ.
Hơn 2 năm nay, trên vùng bãi bồi xóm chòi đông hơn vì có nhiều người đến cất chòi trên doi cát, rào lưới dưới con lạch nước cạn nuôi vịt. Ông Nguyễn Văn Toàn, một người chăn nuôi vịt cho hay: Nghề chăn vịt bám trụ vùng đất bãi bồi này, chỉ có tháng 4 mùa thu hoạch lúa gối đầu vụ đông xuân và hè thu mới chạy đồng 1 tháng rồi cũng về lại nơi này.
Mưu sinh ở bãi bồi hơn 10 năm nhiều người vẫn ở chòi, vì từ tháng 10 đến tháng 12 mùa mưa, vùng đất bãi bồi chìm trong nước lũ. Hết mùa mưa người dân lại ra cất chòi mới tạm bợ trên nền đất cũ.
Mạnh Hoài Nam
sông Ba, bãi bồi, xả lũ, cầu Đà Rằng, Phú Yên