PN - Sau những cố gắng của báo chí, sự quan tâm của công luận, sẽ có chấn chỉnh, sẽ có kiểm tra kịp thời. Nhưng rồi sau đó thì sao? Có ai trả lại nhà không? Có ai bị phải ra khỏi nhà không?
Dù Nhà nước quy định rõ NƠXH không được cho thuê mướn, ai vi phạm sẽ bị thu hồi, nhưng họ có muôn vàn cách để lách luật cho thuê, ngang nhiên hay lén lút. Trong những căn hộ dành để làm chính sách xã hội, một kiểu “chính sách” khác đã được thiết lập, giữa chủ nhà và người cho thuê nhà, lắm khi có thêm nhiều người liên quan cùng giúp sức tạo thành hệ thống, nhằm một mục tiêu: đối phó sự quản lý của Nhà nước.
Chung cư Tô Hiến Thành, nơi đang có những suất nhà ở xã hội bỏ trống hoặc cho thuê. Ảnh: Phùng Huy
Người ta phẫn nộ và có thể nói ngay: sai rồi, hỏng rồi, sai ở khâu xét duyệt, sai ở khâu kiểm tra người đứng tên mua, sai ở khâu nào đó nữa, chắc chắn là có tham nhũng, có tranh mua gì đây, bởi người ta biết dễ gì mua được NƠXH, khó như hái sao trên trời. Qua thực tế mua rồi để… cho thuê này, thấy ngay là người mua nhà đâu có cần chỗ ở, họ đều có chỗ ở cả rồi, và chắc là họ không nghèo hay khó khăn đến mức cần NƠXH! Vậy thì cần phải tăng cường kiểm tra, cần phải rà soát.
Tất nhiên, sau những cố gắng của báo chí, sự quan tâm của công luận, sẽ có chấn chỉnh, sẽ có kiểm tra kịp thời. Nhưng rồi sau đó thì sao? Có ai trả lại nhà không? Có ai bị phải ra khỏi nhà không? Có lẽ chỉ một số ít nào đó. Có ai bắt buộc vào ở trong nhà đó không? Chắc cũng một số ít nào đó. Có khi, đợt kiểm tra chấn chỉnh sẽ là dịp để một số chủ nhà hợp thức hóa hồ sơ cho chặt chẽ hơn.
Một điều ít được chú ý: những ai thuê căn hộ NƠXH? Đó đa phần cũng là những người chưa có nhà, thu nhập không cao. Điều kiện sống, diện tích sinh hoạt của các khu NƠXH không hẳn là cao cấp, nên khách thuê cũng thuộc loại có mức thu nhập trung bình. Nói cách khác, đây cũng là một cách làm “chính sách xã hội”! Chỉ có điều, khi chính sách được thực thi, nguồn lợi từ chính sách này rõ ràng đã được phân bố lại, một phần chênh lệch tiền thuê chảy vào túi tư nhân; đối tượng thụ hưởng từ chính sách, chủ trương của Nhà nước đã bị làm lệch đi.
Với mức lương công chức hiện nay, mua được nhà là cả một ước mơ vĩ đại. Vì vậy, trước cơ hội như mua NƠXH, mọi người đều cố gắng chen vào danh sách xét mua, cho dù có thể điều kiện trả nợ vay của mình chưa chắc được. Cũng có người mua được nhà rồi, nhưng phải cho thuê căn hộ, còn bản thân thì thuê nhà bên ngoài ít tiền hơn, để dành dụm chênh lệch nhằm trả nợ mua nhà và sinh sống. Mức trả nợ hằng tháng đối với căn NƠXH liệu có phải đang cao hơn khả năng thực của cán bộ viên chức, dẫn đến việc phải chấp nhận tiêu cực, chấp nhận lách luật để có nhà và có tiền trả nợ nhà?
Ai chẳng muốn ở trong chính ngôi nhà của mình, nhưng cuộc sống muôn vàn cái ràng buộc thắt ngặt, nhất là đối với những người đã thuộc vào diện cần đến chính sách xã hội. Do vậy, những ràng buộc như “không được chuyển nhượng”, “không được cho thuê” vốn xuất phát từ những cơ sở rất chặt chẽ, muốn sản phẩm của chính sách phải thực hiện đúng chức năng mà chính sách quy định.
Tuy vậy có ý kiến cho rằng khi đi vào cuộc sống, những ràng buộc này đôi khi lại là những trở ngại đối với chủ nhà, rằng nếu chủ nhà đã nghèo, chỉ có căn nhà ấy là nguồn tài sản lớn nhất, thì lẽ ra chính sách phải động viên chủ nhà có cách làm cho nguồn tài sản ấy sinh lợi. Nhưng, điều này liệu có công bằng với biết bao trường hợp khác bức thiết đến mức chỉ khát khao có được mái ấm “chui ra chui vào”? Liệu người ta có cảm thấy ngại ngùng khi tình trạng kinh tế, điều kiện sống ra sao, thiên hạ biết cả, nhưng lại tranh suất của những người ngặt nghèo hơn mình?
Tôi nhớ một câu của giáo sư Huỳnh Như Phương viết trong cuốn tạp văn của ông: “Ai cũng biết rằng người ta có thể sắm nhà chứ không thể sắm người, sửa nhà thì dễ chứ sửa người thật khó. Có một ngôi nhà thật đàng hoàng tử tế rất cần, nhưng việc còn cần hơn là làm thế nào để đặt vào ngôi nhà đó những con người đàng hoàng tử tế…”(*).
Lập Phương
(*) Ngôi nhà và con người - Huỳnh Như Phương, NXB Văn nghệ 2006.
nhà ở xã hội, chung cư, căn hộ, thu nhập thấp, công chức