Xã hội

Giáo viên uất ức vì bị 'đẩy' khỏi trường không lý do

PN - Năm học mới đã bắt đầu, những quyết định điều chuyển công tác không minh bạch đang khiến nhiều giáo viên một số trường ở TP.HCM không thể an tâm đứng trên bục giảng.

Hàng loạt đơn kêu cứu của những giáo viên bị điều chuyển công tác bất hợp lý

Những lời biện bạch vô lý

Trong đơn khiếu nại gửi Báo Phụ Nữ, cô Tô Thị Kiều Ngân - giáo viên (GV) Trường THCS Đào Duy Anh (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) kể: Chiều tối ngày 6/8, ông Võ Cao Long - Trưởng phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận và cô Nghiêm Thị Huệ - cán bộ phụ trách nhân sự, đã mời cô lên để trao đổi về việc thuyên chuyển công tác. Ông Long cho biết: Trường THCS Độc Lập (cùng quận) đang thiếu một GV dạy toán và trường này cần một GV có kinh nghiệm để bồi dưỡng học sinh (HS) giỏi toán, nâng cao hiệu quả giảng dạy toán lớp 9. Sau khi sàng lọc GV trong quận, ông đã chọn cô. Vì nghĩ Trường Độc Lập cần mình về để “bồi dưỡng HS giỏi toán và nâng cao hiệu quả giảng dạy môn toán lớp 9” nên cô Ngân đã đồng ý vào sáng hôm sau. Thế nhưng, sau khi tìm hiểu, cô Ngân được biết việc chuyển cô đi là không đúng với tinh thần mà ông Long đã trao đổi, vì Trường Độc Lập đã có GV đảm nhiệm công việc cần thiết nói trên. Sáng 10/8, cô gọi điện cho ông Long thông báo thay đổi quyết định: không đồng ý về trường THCS Độc Lập.

Sáng 11/8, ông Long lại mời cô lên Phòng GD-ĐT để thuyết phục, vẫn với tinh thần “không bắt ép”, Phòng GD-ĐT chưa ra văn bản gửi Phòng Nội vụ để ra quyết định điều động. Cô Ngân khẳng định là không chuyển đi. Nhưng đến sáng hôm sau, 12/8, hiệu trưởng Trường THCS Đào Duy Anh - nơi cô đang công tác, không cho cô dạy nữa. Các lớp cô đang giảng dạy đã có GV mới dạy thay. Đến ngày 13/8, hiệu trưởng thông báo với cô là đã nhận được quyết định điều động cô về Trường THCS Độc Lập(!).

Cô Kiều Ngân cho rằng, việc điều động công tác đối với cô “có nhiều khuất tất và có một sự sắp đặt sẵn nhằm “đẩy” cô đi khỏi trường”. Điều này cũng được thể hiện trong quyết định số 26/QĐ-UBND-ĐĐ ngày 11/8 của UBND Q.Phú Nhuận về việc điều động cô Tô Thị Kiều Ngân từ trường THCS Đào Duy Anh sang trường THCS Độc Lập. Theo đó, dựa trên đề nghị của trưởng phòng GD-ĐT ngày 7/8/2014 và tờ trình ngày 8/8/2014 của trưởng phòng Nội vụ, ngày 11/8, Chủ tịch Q.Phú Nhuận Phạm Công Nghĩa đã ký quyết định điều động nói trên. Nhưng điều khó hiểu là quyết định ký ngày 11, nhưng lại có “hiệu lực thi hành” từ ngày 8/8(!?). Sự “khó hiểu” này, ông Nghĩa nói “chỉ là tiểu tiết. Mục đích chính của việc điều động cô Kiều Ngân là từ yêu cầu củng cố các trường”.

Trường hợp chuyển đổi nhân sự khác tại trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1) cũng đã và đang gây tâm tư cho các GV. Cô Nguyễn Thị Kim Phượng - một trong ba GV bị Trường tiểu học Lê Ngọc Hân trả về Phòng GD-ĐT Q.1 - bức xúc: “Theo lời mời, sáng 4/8, tôi vô trường được hiệu trưởng thông báo trả tôi và hai GV khác về Phòng GD-ĐT. Sự việc này là quá bất ngờ, bởi trước đó chúng tôi không hề được thông báo, hỏi ý kiến, hoặc làm công tác tư tưởng. Tôi hỏi lý do chuyển tôi đi thì hiệu trưởng trả lời: “Dư người thì trả thôi, có gì đâu!”. Nhưng tại sao lại chọn tôi trong số hơn 60 GV thì cô ấy bảo là “không nói được”. Điều này cho thấy, Ban giám hiệu đã không đếm xỉa đến tâm tư nguyện vọng của GV chúng tôi mà chỉ làm theo ý họ. Đau đớn hơn là sau khi “đẩy” được chúng tôi đi, chỉ vài ngày sau, họ ký hợp đồng với ba GV khác”.

Tại sao lại đột ngột trả ba GV về Phòng GD-ĐT? Bà Nguyễn Trần Diễm Linh - hiệu trưởng lý giải: “Vì Phòng GD-ĐT không cho báo trước. Cho đến 1/8 (thứ Sáu) Phòng mới phát lệnh, nên đến ngày 4/8 (thứ Hai) mới thông báo với GV”. Tuy nhiên, trả lời chúng tôi, ông Đinh Thiện Căn, Trưởng phòng GD-ĐT Q.1 quả quyết: “Chúng tôi đã chỉ đạo hiệu trưởng phải làm công tác tư tưởng đối với GV”.

Sự thật ở đâu?

Sáng 9/9, làm việc với chúng tôi, bà Diễm Linh cho rằng: do năm nay một cơ sở của trường quá xuống cấp, không thể sử dụng, trường giảm bốn lớp học (từ 41 lớp còn 37 lớp), dư GV, nên trường phải trả về Phòng GD-ĐT. Việc chọn trả ba GV trên là vì trường hiện có năm GV sắp về hưu, một GV bị ung thư, một GV bị máu không đông, một GV mang thai sắp sinh.

Nhưng, có thật là trường Lê Ngọc Hân dư GV? Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi “tiễn” ba GV cũ đi, trường đã tuyển ba GV mới vào. Về sự vô lý này, bà Diễm Linh lý giải: “Sau khi trả ba GV đi và phân lớp xong thì một GV xin nghỉ dạy một năm vì chồng bị té xe, nên trường phải hợp đồng với một GV mới. Trường hợp thứ hai là cô giáo mang thai (sinh trong tháng Chín) cũng xin nghỉ sáu tháng, nên trường phải hợp đồng với một GV khác. Trường hợp thứ ba là một cô giáo nguyên là GV biên chế của trường, đã xin nghỉ từ nhiều năm nay nhưng còn dạy thỉnh giảng, nên trường vẫn để dạy thỉnh giảng”.

Những tình huống và lý do trường đưa ra là thiếu thuyết phục. Đó là chưa kể trường này cũng đã “tạo điều kiện” để một GV dạy kỹ thuật vừa tốt nghiệp GV tiểu học được đứng lớp.

Trở lại vụ việc điều động cô Tô Thị Kiều Ngân - GV Trường THCS Đào Duy Anh, chúng tôi đã liên lạc với ông Võ Cao Long - Trưởng phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận, nhưng ông từ chối trả lời mọi câu hỏi. Tuy nhiên, cùng với đơn khiếu nại gửi Báo Phụ Nữ, cô Kiều Ngân có gửi kèm theo “đơn xin điều tra việc sử dụng tài chính của trường THCS Đào Duy Anh (nơi cô đang giảng dạy) năm học 2013-2014”. Theo đó, cô Kiều Ngân cho biết, trong đợt Tết vừa qua, ông Nguyễn Hữu Chương, Hiệu trưởng Trường THCS Đào Duy Anh đã thông báo là không phát tiền Tết vì… hết tiền. Với vai trò chủ tịch công đoàn nhà trường, cô Kiều Ngân đã phân tích và chứng minh là tiền không hết và đã đấu tranh về việc này. Kết quả là cả tập thể nhà trường đều được thưởng Tết hai đợt với mức từ tám triệu đến 13 triệu đồng/người.

Chưa hết, khiếu nại của cô Kiều Ngân còn phác họa một bầu không khí mất dân chủ tại ngôi trường mình làm việc. Cụ thể, hiệu trưởng và kế toán nhà trường đã tự ý xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ (QCCTNB) mà không hề thông qua liên tịch và GV. Bản thân cô là chủ tịch công đoàn cũng không được biết. Bản quy chế này không được công khai trước tập thể. Sau nhiều lần yêu cầu, Ban giám hiệu trường đã công khai một bản quy chế “không có nội dung nào cụ thể” khiến không ai hiểu gì. GV tiếp tục đấu tranh, Ban giám hiệu trường buộc phải công khai bản quy chế khác, nhưng số liệu rất nhập nhèm và không trùng khớp. Chẳng hạn tiền điện ghi 12 triệu đồng/tháng, nhưng cộng tiền điện từ các mục khác nhau lại ra 22 triệu đồng, chênh lệch mười triệu đồng; tiền chi cho bộ phận gián tiếp ghi hơn 520 triệu đồng nhưng thực tế chi chỉ hết hơn 406 triệu đồng, chênh lệch hơn 114 triệu đồng; mục tiền công ghi tổng chi là hơn 172 triệu đồng nhưng trong phần thuyết minh lại ghi gần 300 triệu đồng, chênh lệch gần 127 triệu đồng… Đặc biệt, thứ tự trình bày các mục trong bản QCCTNB mà trường “công khai” cho tập thể GV lại... không có thứ tự. Ví dụ: ở trang 2 qua trang 3: hết mục 2.1 thì đến mục 2.3; trang 8 qua 9: hết mục 1.11 đến mục 1.13; trang 10: hết mục 3.8 thì đến mục 4, hết mục 4 là đến mục 4.4; trang 10 qua trang 11: hết mục 4.4 và 4.1; trang 11: hết mục 4.8 là đến mục 5, hết mục 5 là mục 5.5…

Những điều trên cho thấy, hoặc đây không phải là bản QCCTNB thật, hoặc đã bị cắt xén nhằm giấu diếm một sự thật nào đó.

Phải chăng chỉ vì những lý do cá nhân, thậm chí là vì muốn che giấu một sự thật nào đó mà lãnh đạo nhà trường, thậm chí là lãnh đạo phòng GD-ĐT đã tìm cách “tiễn” những GV mình không thích.

 Minh Nhật

www.phunuonline.com.vn

Giáo viên uất ức, bị đẩy khỏi trường, điều chuyển giáo viên, năm học mới


      © 2021 FAP
        864,027       148