Xã hội

Nhiều mô hình sản xuất thiếu nơi tiêu thụ: Hội viên… đuối!

PN - Vận động hội viên, phụ nữ tham gia sản xuất, xây dựng các tổ hợp tác để giảm nghèo… là việc làm hay, thiết thực của Hội LHPN các cấp. Tuy nhiên, vẫn còn những mô hình luẩn quẩn bởi không có hướng ra…

Rau an toàn bán giá "bèo"

Cuộc sống gia đình khó khăn, chị Đỗ Thị Ngọc Hương (tổ 1, ấp Trảng Lắm, xã Trung Lập Hạ, H.Củ Chi) thuê 2.300m2 trồng rau ăn lá (cải xanh, cải ngọt, rau dền, mồng tơi...). Chị kể, trước đó chị vẫn trồng rau theo quy trình bình thường, nhưng trong những lần đi họp, được Hội PN xã cùng Hội Nông dân phân tích trồng rau an toàn (RAT) giúp bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người sử dụng, chị quyết định chuyển hướng trồng RAT.

Trước khi bắt đầu, chị bỏ cả tháng trời để tham gia các lớp tập huấn ở xã, học hỏi kinh nghiệm những hộ trồng rau. Chị Hương kể, khi huyện xuống kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn RAT, chị phấn khởi lắm. Nhưng khi chào hàng thì nhiều nơi thu mua với giá không tương xứng công sức chị bỏ ra. Lân la tìm mối, chị được Công ty Hiệp Nông (Q.12) nhận thu mua với giá cả phù hợp, nhưng họ chỉ lấy số lượng có hạn. Số rau còn lại chị đành đưa ra chợ Củ Chi bán với giá bằng, thậm chí thấp hơn rau trồng theo cách thông thường.

May mắn hơn chị Hương, chị Bùi Thị Ngọc Sương (xã Nhuận Đức, H.Củ Chi) được HTX RAT xã Nhuận Đức giúp đỡ tìm đầu ra. Tuy nhiên, với diện tích 15.000m2 rau ăn quả (dưa leo, bầu, bí, khổ qua...) của chị Sương, HTX chỉ thu mua 10%, số còn lại chị bỏ mối ở chợ Hóc Môn. Có khi rau già do không tìm được nơi tiêu thụ, chị phải “bán tháo” với giá 500 - 1.000 đ/kg.

Những khi không bán được giá, chị Đỗ Thị Ngọc Hương nhổ rau đem cho từ thiện. Ảnh: Hoa Lài

Nguyên tắc để sản xuất RAT là không trồng trên đất ô nhiễm, không dùng phân, thuốc hóa học bảo vệ thực vật... Đó là chưa kể, người trồng phải bón phân nhiều lần, kết hợp với sử dụng bẫy sinh học để bẫy sâu rầy...

Tháng 4/2014, tổ hợp tác (THT) chế biến mắm Tuyết Ngọc 2 (ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh An, H.Cần Giờ) ra đời, tập hợp chín HV PN. Đây là THT thứ hai do Thành Hội PN lập trên địa bàn xã Thạnh An. Theo kế hoạch, mô hình này sẽ giúp 17 hộ HV PN có công ăn việc làm ổn định. Thế nhưng hơn ba tháng sau khi các THT này ra đời, Hội PN cấp xã, huyện đều lúng túng, không biết cách thức nào gỡ rối giúp HV.

Mắm sản xuất đảm bảo chất lượng, thơm ngon, hợp vệ sinh, nhưng nơi tiêu thụ… chưa có. Trung bình mỗi tháng, mỗi tổ bán được 100 hũ mắm (giá 100.000đ/hũ), trong khi khả năng sản xuất của THT cao hơn gấp nhiều lần. Đáng nói, để tham gia vào THT, mỗi HV phải hùn 2.000.000đ vốn để mua các dụng cụ cần thiết.

Chị Nguyễn Tuyết Dung - Tổ trưởng THT Tuyết Ngọc 2 nói: “Bắt tay vào làm rồi mới thấy đầu ra cho sản phẩm vô cùng nan giải. Nguyên liệu chúng tôi phải lựa chọn kỹ, tất nhiên giá bán phải cao hơn so với các loại mắm thông thường. Nhưng nếu bán giá cao hơn, chẳng ai chịu mua. Thế nên, dù quy trình sản xuất nghiêm ngặt, đảm bảo chất lượng, THT vẫn bán sản phẩm với giá bằng mức giá của sản phẩm thông thường. Thật sự sau ba tháng hoạt động, chúng tôi thấy… đuối”.

Hội cần nhanh tay tháo gỡ

Khi nắm được thông tin các HV, PN trong THT mắm tôm chua ở Thạnh An lúng túng tìm đầu ra, cán bộ Hội từ xã đến huyện cũng… lúng túng theo. Bà Hồ Thị Ái, Chủ tịch Hội LHPN H.Cần Giờ nói: “Nhìn cảnh các chị dù chưa tìm được đầu ra, vẫn vui vẻ, chăm chỉ làm tiếp, không chút nản lòng, chúng tôi cũng mất ăn, mất ngủ. Thật đáng mừng khi HV PN chịu tham gia cuộc vận động sản xuất theo quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm do Hội đề xuất, nhưng chúng tôi chưa dự liệu được nhiều vấn đề khác”.

Trước tình cảnh đó, Hội LHPN H.Cần Giờ đã hỗ trợ THT quảng bá sản phẩm ở một vài… hội nghị. Tháng 8/2014, Hội LHPN huyện đã báo cáo tình hình và cầu viện Ban Kinh tế Hội LHPN TP.HCM trợ giúp. Bà Lê Thị Thu Hiền, Trưởng ban Kinh tế Thành Hội đã đích thân khảo sát quy trình sản xuất và bàn hướng giúp đưa sản phẩm của THT đến tay người tiêu dùng. Chị Hoàng Yến Phượng, tổ 10, ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh An nói: “Nếu được trợ giúp tìm đầu ra, chúng tôi mới yên tâm sản xuất”. Tuy nhiên, theo bà Hồ Thị Ái, mọi thứ đều chỉ mới bắt đầu.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Nhiện - Chủ tịch Hội LHPN H.Củ Chi “thú nhận”: “Việc các HV, PN tham gia sản xuất RAT theo mô hình của Hội thiếu nơi tiêu thụ thật sự làm chúng tôi đau đầu. Trong những phiên hội chợ tổ chức trên địa bàn hoặc trong những ngày hội việc làm do Thành Hội PN tổ chức, chúng tôi đều kết nối, tạo điều kiện để chị em đặt gian hàng, quảng bá RAT đến người tiêu dùng nhưng vẫn chưa tìm được nhiều nơi thu mua sản phẩm”.

Việc hình thành các mô hình sản xuất kinh doanh, giúp HV, PN có việc làm ổn định, thoát nghèo là chủ trương đúng. Tính từ năm 1998 đến nay đã có hơn 560.000 HV, PN nhờ nguồn vốn của Hội phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, không phải mô hình nào cũng thành công, hiệu quả. Nói như bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội LHPN VN trong chuyến khảo sát thực trạng hoạt động Hội ở TP.HCM tháng 8/2014 vừa qua: “Cơ sở Hội đầu tư, xây dựng các mô hình, phong trào là điều tốt, nhưng phải hiệu quả, bền vững, đừng làm kiểu bề nổi”.

 Nghi Anh - Hoa lài

www.phunuonline.com.vn

mô hình sản xuất, phong trào, Hội phụ nữ


      © 2021 FAP
        811,271       300