Xã hội

Đề văn vào ĐH được khen hay, gợi nhiều xúc cảm

PNO - Kết thúc 2 môn thi (văn, hóa) trong buổi thi cuối cùng sáng nay (10/7), nhiều GV và HS tại cụm thi TP.HCM đánh giá đề thi văn khối C, D rất hay và sâu sắc, khơi gợi nhiều điều.

Giám thị đang kiểm tra kỹ thông tin thí sinh.

Đề thi văn khối D sáng 10/7.

Nhận xét về đề thi văn khối D sáng nay, cô Triệu Thị Huệ - Tổ trưởng tổ văn Trường THPT Lê Hồng Phong nhận xét, đó là một đề thi hay. Cấu trúc và bố cục đề thi phù hợp với năng lực và kiến thức HS, xứng đáng là một đề cho thí sinh vào ĐH. Câu 1 đề đưa ra một đoạn thơ trong bài "Đất nước" của Nguyễn Đình Thi, một tác phẩm quen thuộc với HS, cho phép thí sinh vận dụng những kiến thức cơ bản của mình. Nhưng với 3 yêu cầu nhỏ (xác định các dạng phép điệp, ý nghĩa tu từ của từ rì rầm) trong một đơn vị câu hỏi, nó cũng đòi hỏi HS những yêu cầu về vốn ngữ pháp, kỹ năng phân tích và vốn kiến thức xã hội. Câu này là một câu hay, khơi gợi được tinh thần dân tộc, lòng yêu nước nơi các em trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều biến động.

Cô Huệ cũng đánh giá câu 2 của đề thi là một câu hỏi hay, bởi nó không chỉ giúp HS có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống, nhận rõ và ý thức hơn các giá trị nhân sinh, đạo đức, các giá trị cơ bản cần thiết chuẩn mực nhất của cuộc sống để từ đó hướng mình đến những giá trị và cách sống tốt đẹp. Câu hỏi không dễ nhưng nó khiến HS và GV thích thú bởi đã gợi mở được những điều rất thiết thực, sát sườn với cuộc sống hiện nay. “Nó thật sự gây cho tôi những cảm xúc hết sức mãnh liệt” – cô Huệ chia sẻ.

Câu 3 là một dạng văn quen thuộc, với bố cục, trích lược và yêu cầu trên tổng thể của tác phẩm “Đàn ghi ta của Lorca”. Theo cô Huệ, đây là câu hỏi khó, đòi hỏi nhiều kỹ năng, kỹ thức hành văn cần thiết mà thí sinh phải có như kỹ năng tư duy, kỹ năng bình luận, phân tích. Đề năm nay ra dưới một góc nhìn khá mới mẻ, sâu sắc nên đòi hỏi một chuẩn mực cần thiết nơi thí sinh trong việc phân tích, trình bày văn bản.

Thí sinh Phùng Quang Long tại hội đồng (HĐ) thi Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ của Trường ĐH Luật TP.HCM nhận xét, đề văn khối D năm nay ra theo hướng gợi mở. Tuy nhiên, do đã được thầy cô ôn luyện, cho tập làm quen với dạng đề này rồi nên không Long quá bất ngờ. Đề thi khối D nếu xét kỹ là khó. Câu 2 nhìn vào ai cũng có thể thấy đây là một câu hỏi rất hay vì nó gần gũi với chính tuổi thanh niên. "Tuy nhiên để hoàn thành được câu hỏi này, em nghĩ HS cần phải có được nền vốn sống xã hội và kỹ năng tổng hợp sắc sảo thì mới đạt điểm tuyệt đối câu này. Cá nhân em nghĩ, với đề thi hôm nay, em chỉ có thể đạt điểm 6,5” – Long tâm sự.

Thí sinh tập trung làm bài thi sáng 10/7 tại cụm thi TP.HCM.

Đề thi văn khối C.

Đánh giá và nhận xét về đề thi văn khối C, cô Nguyễn Thị Thuỳ Trang, Tổ trưởng văn Trường THPT Phạm Văn Sáng (Hóc Môn) cho rằng “rất hay, thể hiện sự mới mẻ và hơi thở cuộc sống”. Cô nói: “Đặc biệt, câu 2 của đề thi đã để lại trong tôi những cảm xúc tự hào rất khó tả”.

Câu 1, với trích đọan trong đoạn thơ của tác phẩm "Đò lèn" (Nguyễn Duy) cùng 3 yêu cầu nhỏ trong câu, nó không chỉ đòi hỏi HS phải có được kiến thức nền vững chắc, khả năng vận dụng các kỹ năng tổng hợp, khả năng tư duy mà còn phải thể hiện được quan điểm, lập luận của bản thân mình. Cô Trang cho rằng, với câu hỏi này, chỉ cần HS có ôn tập, nắm vững lượng kiến thức phổ thông, khả năng trình bày văn bản trên lớp là sẽ làm được.

Câu 2 của đề mới là điểm sáng nhất của đề văn khối C kỳ thi ĐH năm nay. Đề tuy chỉ trích dẫn một đoạn rất ngắn trong tác phẩm Đời thừa của nhà văn Nam Cao nhưng sự gợi mở, tính biểu tượng rất cao. Điều này cho phép HS có thể khai thác, thể hiện quan điểm, sự tư duy của mình về vấn đề rất thực của cuộc sống. “Câu hỏi này theo đánh giá của tôi nó rất gần với những điều đã và đang thu hút sự chú ý của các em HS. Điều đó, giúp cho các em có thể liên hệ, kết nối nhiều vấn đề thời sự hiện nay”, cô Thuỳ Trang nhận định.

Câu 3 không đòi hỏi nhiều nơi thí sinh bởi đây là một dạng đề thi quen thuộc. Tuy nhiên, với sự lồng ghép trong dạng thức hỏi, trong yêu cầu…để hoàn thành tốt bài thi văn khối C là không hề dễ. “Tôi đánh giá đề thi năm nay đã có những thay đổi tích cực. Nó không chỉ đòi hỏi HS có kiến thức vốn sống, mà đề thi còn mang tính gợi mở rất cao. Đề thi cả khối C, D năm nay rất sâu sắc” – cô Trang nhận xét.

Nhận xét về đề thi văn khối C sau giờ thi, em Nguyễn Phương Thanh, thi tại HĐ thi Trường THCS Colette của ĐH Mở TP.HCM cho rằng đề thi hay, ra theo hướng hoàn toàn mới, những câu hỏi ít nhiều đều có liên hệ, gắn với thực tế cuộc sống, cũng như đòi hỏi vốn kiến thức cuộc sống của HS. “Tuy nhiên, theo em, để hoàn thành trọn vẹn toàn bộ 3 câu hỏi, HS cần phải có một trình độ cảm nhận văn học và cuộc sống ở mức cao”., thí sinh này nói.

Tiến Nguyễn

www.phunuonline.com.vn

đề thi văn, kỳ thi ĐH-CĐ, thi vào đại học, tuyển sinh 2014


      © 2021 FAP
        812,266       725