Xã hội

Mở cánh cửa đại học bằng ngoại hình "đặc biệt"

PNO - Dù với ngoại hình “lạ”, quá khổ hay khuyết tật thì những thí sinh đặc biệt vẫn cố gắng vượt quá mặc cảm khiếm khuyết để mở cánh cửa ước mơ vào đại học như những bạn bè khỏe mạnh đồng trang lứa.

Cậu học trò khiếm thị mê Vật lý

Thí sinh Nguyễn Lê Gia Hỷ được hưởng chế độ tuyển thẳng vào ngành Ngôn ngữ Anh Trường ĐH Khoa học Xã hội- Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhờ tốt nghiệp THPT loại giỏi. Nhưng Gia Hỷ muốn dự thi và làm bài đầy đủ như những thí sinh bình thường khác nên đăng ký dự thi vào ngành Vật lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.

Hỷ muốn chinh phục giấc mơ trở thành giáo viên giảng dạy và nghiên cứu vật lý bằng chính năng lực và trí tuệ của bản thân. Khi dự thi, Hỷ được hội đồng tuyển sinh trường bố trí thi ngay trong phòng hội đồng có giám thị hỗ trợ đọc đề để Hỷ làm bài. Hỷ được sinh ra khỏe mạnh bình thường như các bạn khác, thậm chí là một cậu bé hiếu động. Nhưng không may, tai nạn té cầu thang lúc 5 tuổi đã khiến cậu bé Hỷ không còn nhìn thấy ánh sáng nữa. Bác sĩ cho biết vì võng mạc mắt của Hỷ mỏng hơn người khác nên khi va đập mạnh đã bị chấn thương.

Hậu qủa của tai nạn đó khiến đôi mắt em ngày càng mờ đục và mất đi ánh sáng. “Nếu có ai đến gần thì em chỉ nhìn thấy bóng mờ. Lúc đó tuy còn nhỏ nhưng em rất sốc vì đột nhiên không còn nhìn thấy gì. Nhưng tập dần thì em cũng thích nghi trở lại với mọi sinh hoạt thường nhật”, Hỷ nhớ lại. Nhưng cậu bé Hỷ không để sự khiếm khuyết cơ thể làm ảnh hưởng đến cuộc sống, em vẫn tự tin đến lớp. Cố gắng nhiều hơn bạn bè để học tập, sau khi học xong THCS, Hỷ được xét tuyển thẳng vào học ở trường THPT Nguyễn An Ninh (Q.Tân Bình). Hỷ dí dỏm nói: “Em vẫn học cùng các bạn bình thường mỗi khi đến lớp, chỉ lúc thi là đươc ưu ái hơn khi có người đọc đề cho em làm bài”.

Nguyễn Lê Gia Hỷ

Sở thích của Hỷ là đọc sách và học các môn khoa học tự nhiên, khoái nhất là môn Vật lý. Hằng ngày, em thích “lê la” trên mạng đọc sách vì trên đó mới có phần mềm đọc sách cho người khiếm thị. “Em mê nhất là sách về kiến thức và các nhà khoa học vật lý vì vậy em quyết tâm thi vào ngành Sư phạm Vật lý cho bằng được”, Hỷ tự tin bộc bạch. Sự cố gắng của Hỷ được đền bù xứng đáng bằng kết quả các năm học phổ thông đạt loại giỏi và kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua em lập luôn cú đúp tốt nghiệp loại giỏi.

Khi đăng ký dự thi vào ngành Sư phạm Lý, Hỷ cũng bắt đầu lê la, hỏi thăm tin tức từ các đàn anh đi trước để nắm thông tin ngành học tương lai. Câu trả lời của họ thường là: Không nên. “Nhiều đàn anh ở trường sư phạm nói rằng nếu học ngành Vật lý thì khó phù hợp với em nhưng em muốn thử sức mình. Trước khi đăng ký thi ngành này, em cũng được các thầy cô tư vấn rằng nên chọn vào học ngành Sư phạm đặc biệt hoặc Sư phạm tâm lý. Thậm chí, em có thể được xét tuyển thẳng mà không phải thi. Em cũng phân vân nhưng em vẫn muốn thi để xác định lại kiến thức mình ở mức nào”, Hỷ bộc bạch.

Trong buổi thi môn Toán, Hỷ được một giám thị ở bên cạnh hỗ trợ phần đọc đề để em viết bài trên giấy thi chữ nổi. Ở hai môn trắc nghiệm Vật lý và Hóa học thì giám thị đọc từng câu để Hỷ chọn đáp án. Tất cả các bài thi của em đều được chuyển sang trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu để dịch sang ngôn ngữ bình thường để được chấm thi như thí sinh bình thường.

Những sĩ tử có thân hình ngoại khổ

Sở hữu chiều cao 1,28m và khuôn mặt bầu bĩnh như trẻ con, thí sinh Nguyễn Trung Hiếu (dự thi vào trường ĐH Công nghệ TP.HCM) thậm chí còn bị sinh viên tình nguyện nhầm tưởng thành… em của thí sinh. Bị khuyết tật bẩm sinh nên cơ thể Hiếu mãi dừng lại như một đứa trẻ 7 - 8 tuổi. Thế nhưng, Hiếu vẫn rất lạc quan, năng động và cố gắng học tập.

Nguyễn Trung Hiếu

Giấc mơ ngày bé của Hiếu là trở thành chuyên gia trong lĩnh vực CNTT. Bởi “ngay từ nhỏ, em đã thần tượng hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng và mong ước trở thành một người như anh ấy. Ngoài việc học ở trường, em mê nhất chiếc máy tính ở nhà. Với người bạn này em có thể vừa học, vừa tìm hiểu thông tin”, Hiếu cho biết.

Chính vì niềm đam mê đó, Hiếu mạnh dạn ghi danh dự thi vào ngành CNTT của trường ĐH Công nghệ TPHCM. Trải qua 3 môn thi, Hiếu cho biết mình chỉ làm tốt khoảng 50 – 60% bài thi. “Vì đề hơi khó nên kết quả không như mong muốn. Nếu có lỡ không đậu thì năm sau em vẫn sẽ thi tiếp ngành này để trở thành kỹ sư CNTT. Em quyết thực hiện ước mơ cho bằng được”, Hiếu thật thà chia sẻ.

Nguyễn Thị Quỳnh Như

Cũng sở hữu thân hình tí hon, thí sinh Nguyễn Thị Quỳnh Như dự thi vào ngành Xã hội học Trường ĐH Khoa học Xã hội - Nhân văn. Từ khi sinh ra, bác sĩ đã xác định Như bị mắc bệnh lùn tuyến yên khiến tay chân phát triển không lành lặn và chỉ cao chừng 1,2m khi trưởng thành.

Với thân hình nhỏ bé nhưng Như lại ấm ủ một ước mơ không hề nhỏ đó là mong muốn trở thành nhà hoạt động xã hội. Để sau này có thể giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn, những bạn cùng cảnh ngộ. Với Quỳnh Như, việc trở thành nhà hoạt động xã hội vừa giúp ích được người khác vừa rèn sự tự tin, năng động cho bản thân.

Đoàn Nhựt Nam

Thí sinh Đoàn Nhựt Nam (Tiền Giang) dự thi vào trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM lại có một chiều cao ngoại cỡ. Khi Nam hoàn thành xong bài thi môn thứ 3 đã hồ hởi ra chỗ mẹ, mọi ánh mắt trước cổng trường ĐH đều đổ dồn vào Nam bởi chiều cao khủng hơn 2m.

Từ nhỏ, Nam bị bệnh về tuyến yên, trải qua 2 lần phẫu thuật trị bệnh nên thân hình em bất thường như vậy. Nhưng không vì thế mà Nam tỏ ra tự ti hay mặc cảm. Nam nỗ lực học tập trong suốt 12 năm và cố gắng ôn tập để quyết tâm vào ĐH.

Tạm biệt chúng tôi, tạm biệt trường thi, họ tất tả quay trở lại quê nhà. Những thí sinh “đặc biệt” này đã hoàn thành kỳ thi của mình và quay trở về về cuộc sống thường nhật. Dù kết quả kỳ thi có ra sao thì đó cũng là chuyện của tương lai. Nhưng chí ít họ đã và đang có những bước đi mạnh mẽ đầy cố gắng để tiến đến đích của ước mơ.

Tiêu Hà

www.phunuonline.com.vn

Mở cánh cửa đại học, ngoại hình đặc biệt


      © 2021 FAP
        812,660       686