Xã hội

Muối trải bạt - Mô hình nhiều triển vọng

PN - Đến ấp đảo Thiềng Liềng những ngày giữa tháng Năm, tôi được chị Bùi Thị Giạ - Chi hội trưởng Chi hội PN tổ 37 ấp Thiềng Liềng đón tôi ở bến đò bằng nụ cười tươi.

Chị bảo, ở đây giờ có nhiều thay đổi, điện nước được trợ giá, nhà nào cũng sắm được ti vi; phụ nữ được học nhiều nghề như may, thêu, kết cườm… Hỏi chị, nghề muối có gì mới? Mắt chị lấp lánh: “Mô hình muối trải bạt vừa được giới thiệu với diêm dân hồi đầu năm nay nhưng đã có nhiều tín hiệu vui. Hội PN đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, đồng thời hỗ trợ những kỹ thuật cần thiết cho diêm dân”.

Tôi theo chân chị Giạ ra thăm ruộng muối trải bạt rộng 3,5ha của gia đình chị Nguyễn Thị Bích (34 tuổi). Phe phẩy chiếc nón lá, chị Bích cho biết đã theo nghề muối được 10 năm nhưng chưa năm nào vui như lúc này. Chị bộc bạch: “Quy trình sản xuất muối trên sân trải bạt mang lại hiệu quả cao không ngờ, thời gian thu hoạch rút ngắn đáng kể. Cụ thể, chỉ khoảng bảy ngày là có muối cào do nhiệt độ ở sân trải bạt tăng cao, còn sân đất phải mất từ 10-15 ngày. Nếu làm muối trên sân đất, khi xảy ra cơn mưa trái mùa hay làm lại vụ mới thì phải mất từ hai - ba ngày mới cải tạo xong đồng muối (làm sân, đắp bờ…). Làm muối trên sân trải bạt thì chỉ cần sáng cào muối, chiều có thể đưa nước vào để làm vụ tiếp, nhờ đó giảm chi phí đầu tư. Một ưu điểm khác là sản xuất muối trên sân trải bạt nước ít bị rò rỉ nên hiệu suất cao”.

Chị Bích đã đầu tư 70 triệu đồng chi phí mua bạt, trong đó Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vay 50 triệu đồng. Tuy chi phí cao nhưng bù lại, muối làm ra có chất lượng tốt nên bán được giá hơn, thương lái đến tận nơi thu mua. Bạt có thể sử dụng được ba - năm vụ.

Phụ nữ làng muối ấp Thiềng Liềng sản xuất muối trải bạt

Tranh thủ nắng dịu cuối ngày, chị Nguyễn Thị Dân cùng người nhà kéo bạt, đóng cọc. Chị xởi lởi khoe mình tiếp cận được cách làm mới này là nhờ Hội PN. Ngoài việc tuyên truyền các chủ trương của Hội, Hội PN ấp còn thường xuyên giới thiệu những cách làm hay, những mô hình mới, cách áp dụng kỹ thuật mới trong sản xuất cho hội viên.

Lúc đầu, chị rất lúng túng, nhưng chỉ sau một ngày được chị em trong Hội “cầm tay chỉ việc”, chị đã biết cách đóng cọc, dán mép bạt thuần thục. Chị nêu kinh nghiệm: “Mô hình sản xuất muối sạch vẫn đảm bảo các quy trình như sản xuất muối truyền thống. Tuy nhiên, khi phơi nước để kết tinh thành muối, thay vì phơi trực tiếp trên các ô nề như trước thì nay phơi trên bạt. Bạt HDPE dày 0,5mm có độ bền cao, chịu được nắng nóng, khả năng hấp thụ nhiệt lượng mặt trời tốt giúp cho quá trình bay hơi nước nhanh”.

Chị Giạ nói: “Lúc đầu, khi chúng tôi phối hợp với Hợp tác xã muối ấp Thiềng Liềng giới thiệu diêm dân công nghệ mới này, nhiều người tỏ ra dè dặt. Nhưng sau khi được tập huấn kỹ thuật và nhất là khi đưa vào sử dụng, thấy cách làm muối trải bạt có nhiều ưu thế hơn cách làm muối truyền thống như rút ngắn chu kỳ sản xuất, hạt muối trắng sáng không lẫn tạp chất… nên bà con rất đồng tình ủng hộ”. Hiện, ngành nông nghiệp huyện Cần Giờ đang khuyến khích diêm dân chuyển đổi hình thức sản xuất muối truyền thống sang muối trải bạt. Để phát triển mô hình này, các hộ làm muối sẽ được ngân hàng, Hội PN hỗ trợ cho vay vốn mua bạt. Tùy theo diện tích sản xuất muối mà diêm dân được hỗ trợ các mức vay vốn khác nhau, giúp bà con yên tâm đầu tư.

Niềm vui đọng lại trên cánh đồng muối ở ấp Thiềng Liềng giờ đây không phải là năng suất cao, hạt muối chất lượng hơn… mà còn là sự sẻ chia của diêm dân khi họ cùng hướng dẫn nhau thực hành sản xuất, cùng giúp nhau thoát nghèo.

 Phương Vy

Sản xuất muối trên bạt (muối trải bạt) vừa được người dân ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM áp dụng từ đầu năm 2014. Đến nay, đã có hơn chục hộ chuyển đổi theo cách làm mới này.
www.phunuonline.com.vn

Muối trải bạt, Lý Nhơn, Thạnh An, Cần Giờ


      © 2021 FAP
        813,991       1,083