Xã hội

Khói, cháo và tai nạn

PN - Không phải ngẫu nhiên mà phần lớn các vụ tai nạn hay bạo hành thường xảy ra tại những cơ sở nuôi dạy trẻ ở ngoại thành, ở các khu công nghiệp, khu dân cư tự phát.

Ngày 3/6, kho phế liệu trong hẻm 551 đường Lê Văn Khương, P.Hiệp Thành, Q.12, TP.HCM cháy dữ dội, hàng chục trẻ nhỏ ở trường mầm non gần đó phải di tản khẩn cấp. Ảnh: Ngọc Thúy.

Mừng một nhưng lo tới bảy tám, vì nhìn lại những nơi gửi trẻ, sẽ thấy biết bao tai họa chờ chực: cây xăng, chợ, nhà máy, cơ sở sản xuất, thậm chí nhà dân… đều có thể là mầm mống tai ương, là những lưỡi dao treo lơ lửng trên đầu. Không chỉ vòng ngoài mà tai nạn còn sờ sờ ở vòng trong: một cháu bé 15 tháng tuổi vừa tử vong khi đang ăn tại một điểm giữ trẻ tư nhân ở thị xã Hà Tiên (Kiên Giang). Càng nghĩ càng thấy chẳng nơi nào có thể yên tâm được.

Không phải ngẫu nhiên mà phần lớn các vụ tai nạn hay bạo hành thường xảy ra tại những cơ sở nuôi dạy trẻ ở ngoại thành, ở các khu công nghiệp, khu dân cư tự phát. Môi trường quanh những cơ sở này còn phức tạp, cha mẹ của trẻ cũng chưa quan tâm lắm đến các rủi ro, chỉ mong có một chỗ gửi con tiện đường đi làm, giờ giấc phù hợp và chi phí phải chăng. Đã có khá hơn khi gần đây, họ còn phải cân nhắc thêm việc cô giữ trẻ có hiền không, mỗi ngày đón con về thì kiểm tra xem có ai đánh mắng con ở lớp không…

Làm sao họ lường được có ngày luồng khói lửa bốc lên mù mịt từ cái vựa phế liệu gần đấy có thể sẽ giết chết con mình. Mà nếu có nghĩ đến chuyện đó, liệu họ có khả năng chọn lựa như đổi nhà trẻ, gửi con ở nơi khác xa hơn, đắt hơn? Tìm một nơi không có những rủi ro đó ư? Không dễ! Khi chuyện xảy ra, ai cũng bảo cái vựa phế liệu đó sao ở gần nhà trẻ quá, hay trường mầm non sao ở gần vựa phế liệu quá, lẽ ra không được gần như vậy, luật phải cấm, phải chế tài, phải đảm bảo sản xuất không gây tai nạn… Nhưng, lại là chuyện đã rồi!

Có người phân tích: đó là việc xảy ra ngoài ý muốn, là chuyện bất khả kháng, không phải như chuyện bảo mẫu hành hạ trẻ em. Khói bốc từ đám cháy khác lan sang nhà trẻ, hay trẻ sặc cháo tử vong là tai nạn, cũng đã được ghi nhận nhiều, biết làm sao được! Sẽ rút kinh nghiệm, sẽ nghiên cứu, sẽ điều chỉnh quy định, sẽ kiên quyết… Không ai nghĩ những tai nạn - tội ác ấy lẽ ra không được phép xảy ra trong một xã hội an toàn. Công ước quốc tế về quyền trẻ em đã được nhiều nước ký kết, Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới và nước đầu tiên ở châu Á phê chuẩn Công ước từ năm 1990, nhưng những cam kết giữa những cấu phần nhỏ hơn - những thành tố tạo nên môi trường sống của cộng đồng - nơi những đứa trẻ ngày ngày được nuôi dưỡng và lớn lên, thì vẫn còn lỏng lẻo, thậm chí có khi bất chấp những quy định đã ban hành.

Việc chăm lo nuôi dạy cho trẻ khôn lớn nên người vẫn đang là việc của mỗi gia đình - đây là điều đáng quý, nhưng chưa đủ. Đứa trẻ không thể bị nhốt trong cái lồng kính gia đình, cho dù giả sử đó là một môi trường cực kỳ tốt. Đứa trẻ phải được hòa mình vào xã hội, học tập, rèn luyện để trưởng thành. “Xã hội” không chỉ là trường học, là lớp mầm non, là cô bảo mẫu, mà còn là môi trường rộng lớn chung quanh, còn là thực phẩm, là chăm sóc y tế, an toàn giao thông…

Khói và cháo không phải là thiên tai, mà đến từ sự bất cẩn nhiều khi đến vô ý thức, nếu không nói là vô cảm của người lớn. Trẻ em non nớt, tự thân khó mà chạy thoát khỏi tai nạn, vậy nên, xin hãy giữ ý thức về an toàn môi trường sống bắt đầu từ sự an toàn của trẻ em. Xin hãy đặt trẻ - những con người bé bỏng ấy - làm trung tâm của những tiêu chuẩn xây dựng ngôi nhà xã hội, sao cho những con người ấy có thể được bình an, lớn lên lành lặn, thông minh sáng láng. Đó cũng là thiết thực giữ gìn nòi giống để làm chủ tương lai…

 HOÀNG MAI

www.phunuonline.com.vn

Khói, cháo và tai nạn, suy nghĩ cuối tuần, tai nạn trẻ em


      © 2021 FAP
        814,100       583