Xã hội

Thanh Hóa: Học viên dài cổ chờ tiền hỗ trợ học nghề

PNO - Đã xong khóa đào tạo may công nghiệp được hơn 3 tháng nay, nhưng gần 100 học viên nông dân vẫn chưa nhận được tiền ăn và tiền chi phí đi lại theo đề án 1956/QĐ-TTg Chính phủ.

Trường Trung cấp nghề Miền núi Thanh Hóa

Dài cổ chờ tiền hỗ trợ

Năm 2013 - 2014, UBND huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa (trong đó phòng LĐ-TBXH là thường trực của ban chỉ đạo) rà soát các đối tượng học nghề theo đề án 1956 của Thủ tướng chính phủ để đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Huyện Ngọc Lặc đã mở 3 lớp học nghề may công nghiệp với con số 100 học viên. Đơn vị đào tạo là Trường trung cấp nghề Miền núi Thanh Hóa, đào tạo một khóa học 3 tháng. Trong đó, hỗ trợ tiền ăn với mức 15.000đ/ngày thực học/người; hỗ trợ tiền đi lại theo giá vé giao thông công cộng với mức tối đa không quá 200.000đ/người/khóa học đối với người học nghề xa nơi cư trú 15km trở lên.

Tuy nhiên, theo phản ánh của học viên tham gia lớp học nghề nơi đây, họ đã hoàn thành khóa học đến nay đã được hơn 3 tháng nhưng không thấy nhà trường hay phòng LĐ-TBXH trả tiền ăn và tiền đi lại cho họ.

Chị Lành Thị Lợi (SN 1988), thôn Minh Thọ, xã Minh Sơn cho biết, trước đây cán bộ xã, thôn đến tận nhà vận động chị đi học lớp may công nghiệp để sau này có việc ổn định. Ban đầu, chị Lợi không muốn đi vì nghĩ nhà khó khăn không có tiền theo học, hơn nữa học xong cũng chẳng biết làm gì, ở đâu. Nhưng khi được cán bộ vận động đi học “được nhà nước hỗ trợ tiền ăn và tiền đi lại”, chị cũng hào hứng theo học.

“Để hoàn thành được khóa học 3 tháng, gia đình tôi đã phải chạy đôn đáo lo vài chục ngàn đồng mỗi ngày để tôi theo học. Tưởng đi học là có tiền ăn luôn, ai ngờ chờ mãi chẳng thấy, học xong cũng mất hút luôn. Biết thế này thì tôi đã ở nhà đi chăn dê từ ban đầu, đỡ tốn kém, lại khỏi mất công”, chị Lợi bức xúc.

Cũng như chị Lợi, chị Phạm Thị Xuân (xã Minh Sơn) cho biết, trong thời gian học may, các chị được thực hành ở một xưởng may ngay tại trường. Đến khi hoàn thành khóa học, chị cố bám trụ hơn 2 tháng tại cơ sở may này làm việc với hi vọng nhà trường sẽ trả tiền ăn trưa và đi lại cho học viên. Tuy nhiên, tiền trường trả chưa thấy đâu, còn tiền công hơn 2 tháng làm công nhân chỉ được chủ doanh nghiệp trả tổng cộng không đầy một triệu đồng.

Chị Lành Thị Lợi bức xúc vì không nhận được tiền hỗ trợ

Trách nhiệm do trường

Có hay không ăn chặn tiền hỗ trợ của học viên? Trao đổi với phóng viên, ông Trương Ngọc Tiến, Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Miền núi Thanh Hóa thừa nhận việc chưa thanh toán tiền hỗ trợ cho các học viên là lỗi ở nhà trường.

Sở dĩ có việc chậm trên, ông Tiến lý giải: Nhà trường đào tạo là theo hợp đồng. Do đó, nhà trường không phải là người được trực tiếp dùng kinh phí để đào tạo mà phải qua một đơn vị là UBND huyện. Hiện tại nhà trường mới đạt được 70% trong hợp đồng nên chưa thanh lý được, vì vậy nhà trường vẫn chưa chuyển tiền cho các học viên.

Ông Tiến cho biết thêm: “Đáng lẽ tiền hỗ trợ phải được chuyển liền cho học viên, do còn vướng vào một số thủ tục về chuyên môn nên dẫn đến việc chậm trễ”.

Ông Quách Văn Thọ, Trưởng phòng LĐ-TBXH huyện Ngọc Lặc lý giải, theo nguyên tắc, sau khi đào tạo xong khóa học thì nhà trường phải cấp tiền hỗ trợ ngay cho học viên, trường để đến thời điểm này là quá chậm. “Sau khi nắm bắt được sự việc, tôi đã gọi điện xuống trường xác minh lại, các học viên chưa được nhận tiền là đúng vì đến nay nhà trường chưa tổng kết, tôi sẽ chỉ đạo liền”.

Ông Thọ cho biết thêm, huyện đã ứng trước cho nhà trường kinh phí 200 triệu đồng, sau khi tổng kết, thừa thiếu như thế nào mới quyết toán tiếp.

Người dân cho rằng, họ không được nhận tiền hỗ trợ theo chủ trương của nhà nước là do huyện, trường đã ăn chặn. Ông Thọ lý giải, sở dĩ người dân nói như vậy cũng có cái lý, vì thực tế đến nay trường chưa chi trả cho họ. Cái này là lỗi của nhà trường.

“Về phía phòng, chúng tôi cũng nhận trách nhiệm, là đơn vị quản lý nhưng việc kiểm tra, đôn đốc còn hạn chế. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm và chỉ đạo trường hoàn tất thủ tục sớm để chi trả cho học viên”, ông Thọ nói.

Lâm Nguyên

www.phunuonline.com.vn

Thanh Hóa, lao động nông thôn, đào tạo nghề, Học viên, tiền hỗ trợ học nghề


      © 2021 FAP
        814,730       2,001