Xã hội

Bệnh bại liệt có nguy cơ trở lại

PN - Sở Y tế TP.HCM vừa gửi văn bản đến các cơ sở y tế yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống bệnh bại liệt. Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO),

 Dễ lây

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, kết quả phân tích của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, 60% các trường hợp mắc bệnh bại liệt gần đây đã lây lan từ nước này sang nước khác tại Trung Á, Trung Đông và Trung Phi. WHO đánh giá đây là một nguy cơ đối với y tế cộng đồng và cần thiết phải có đối phó mang tính quốc tế, dù tại Việt Nam, bệnh bại liệt đã được công bố loại trừ vào năm 2000.

Theo PGS-TS-BS Cao Minh Nga, Trưởng bộ môn Vi sinh, Đại học Y Dược TP.HCM, bệnh bại liệt còn được gọi là bại liệt polio, sốt bại liệt; do vi-rút bại liệt - poliovirus, một dạng vi-rút đường ruột gây ra. Vi-rút này lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa giống cách lây của một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như bệnh tay-chân-miệng, bệnh tiêu chảy do vi-rút rota, bệnh viêm gan A. Ngoài ra, vi-rút có thể lây từ dịch tiết vùng hầu họng người bệnh. Khi xâm nhập cơ thể, vi-rút nhân lên ở ruột, vào máu và có thể gây tổn thương hoặc phá hủy tế bào thần kinh.

Vì bệnh rất dễ lây lan nên hầu như trẻ em sống cùng nhà với người mang mầm bệnh đều bị bệnh. Phần lớn người bị nhiễm vi-rút bại liệt (90-95%) không có biểu hiện bệnh, số ít còn lại có biểu hiện ở các mức độ khác nhau: thể nhẹ, thể không liệt và thể liệt. Ở thể nhẹ, khoảng 4-8% số trường hợp nhiễm vi-rút polio có biểu hiện giống cảm cúm như: sốt, đau cơ, ngầy ngật, nhức đầu, đau họng, buồn nôn, ói mửa…

Người bệnh sẽ hồi phục sau vài ngày. Ở thể không liệt: chiếm tỷ lệ 1% số ca bệnh; ngoài các biểu hiện nêu trên, người bệnh còn bị đau và co cứng các cơ vùng lưng, sau cổ; bệnh thường khỏi sau 2-10 ngày. Đáng lo nhất là thể liệt, chiếm 1% số ca bệnh. Ngoài biểu hiện sốt, người bệnh thường bị đau ở các chi và liệt chi. Một số trường hợp có thể bị liệt cơ hô hấp, gây suy hô hấp và có thể tử vong. Những trường hợp qua khỏi sẽ để lại di chứng liệt suốt đời.

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Linh, Phó khoa Nhi C, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM khuyến cáo: Bệnh bại liệt có ba týp khác nhau và không có miễn dịch chéo giữa các nhóm, nên về lý thuyết một người có thể mắc bệnh đến ba lần, nhưng thực tế thì y văn chưa ghi nhận trường hợp nào vì có hơn 90% ca là không có triệu chứng.

Các bác sĩ cho biết, bệnh bại liệt xảy ra ở mọi lứa tuổi; tuy nhiên, trẻ em thường gặp nhiều hơn người lớn. Khi vào cơ thể, thời gian vi-rút ủ bệnh thường từ 7 - 14 ngày, nhưng có thể thay đổi từ 7 - 35 ngày. Người bệnh đào thải vi-rút qua phân từ 10 ngày trước và 10 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên của bệnh. Những người lành mang mầm bệnh cũng là nguồn truyền bệnh. Vi-rút bại liệt tồn tại ở cổ họng, phân và máu của người bệnh. Chúng có tính đề kháng cao với môi trường bên ngoài, sống lâu hơn ở nhiệt độ âm 200, tồn tại trong phân và trong nước tiểu đến 14 ngày. Vi-rút bại liệt bị tiêu diệt khi ở nhiệt độ 550C trong 30 phút.

Trẻ em vùng sâu, vùng xa được huy động uống vắc xin ngừa bại liệt

Tăng cường giám sát sân bay, bến cảng

Theo bác sĩ Lê Thị Mỹ Linh, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh bại liệt. Việc điều trị chỉ dựa trên các triệu chứng của người bệnh và hồi sức trong thể nặng. Với những ca bị biến chứng gây liệt chỉ chiếm 1%, nhưng thời gian xuất hiện tình trạng liệt rất sớm, thường sau 48 - 72 giờ khởi bệnh. Để phòng ngừa bệnh, tốt nhất là uống vắc-xin. Hiện nay, trẻ được uống vắc-xin bại liệt vào lúc hai, ba, bốn tháng tuổi và được uống nhắc lại lúc 18 tháng tuổi. Kháng thể sẽ được tạo ra sau khoảng 15 ngày uống vắc-xin. Tại bệnh viện, để xác định bệnh nhân có mắc bệnh bại liệt hay không, phải dựa vào yếu tố dịch tễ kết hợp với khám bệnh và làm xét nghiệm chẩn đoán.

Bộ Y tế đang tiếp tục thực hiện các hoạt động giám sát chặt chẽ sự xâm nhập của vi-rút bại liệt vào Việt Nam. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì tỷ lệ uống đủ ba liều vắc-xin trên quy mô toàn quốc đạt trên 90%; đối với những tỉnh có nguy cơ cao phải đạt trên 95%. Để phòng ngừa việc xâm nhập vi-rút bại liệt từ các quốc gia hiện đang có dịch, Sở Y tế TP.HCM đã đề nghị các đơn vị liên quan tăng cường công tác phòng, chống bại liệt. Đơn cử như Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế sẽ giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh vào thành phố tại các cảng biển, cảng hàng không, đặc biệt đối với hành khách xuất phát hoặc đi qua các vùng đang có dịch bại liệt như Trung Á, Trung Đông và Trung Phi.

Khi phát hiện ca nghi ngờ, đề nghị xử trí cách ly, chuyển viện theo quy định hiện hành. Trung tâm Y tế dự phòng TP và các quận/huyện tăng cường giám sát các trường hợp nghi bại liệt tại cộng đồng và các cơ sở y tế; nhất là các trường hợp nghi liệt mềm cấp thì phải báo cáo và lấy mẫu bệnh phẩm đầy đủ. Tiếp tục duy trì tỷ lệ uống đủ ba liều vắc-xin bại liệt (OPV) trên 90% tại các quận/huyện và trên 95% ở các quận/huyện có nguy cơ cao. Ba bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Bệnh Nhiệt đới và các bệnh viện có khoa nhiễm phải phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế dự phòng trong việc báo cáo ca bệnh, điều tra ca bệnh, lấy mẫu bệnh phẩm, cung cấp thông tin, hồ sơ liên quan đến người bệnh để xác định chủng tác nhân gây bệnh.

 Văn Thanh

Không xác định kháng thể theo yêu cầu

Một bác sĩ của chương trình tiêm chủng mở rộng (CTTCMR) quốc gia cho biết, để xác định kháng thể của một người sau khi uống vắc-xin bại liệt hoặc sau một thời gian dài uống vắc-xin có còn kháng thể hay không, Việt Nam vẫn làm được nhưng chỉ phục vụ cho công tác nghiên cứu. Việc này hiện không thực hiện theo yêu cầu của người bệnh. CTTCMR đang theo dõi, giám sát chặt chẽ các ca bệnh trong cộng đồng và thường xuyên cho trẻ có nguy cơ mắc bệnh, nhất là trẻ sống ở vùng biên giới uống bổ sung vắc-xin bại liệt. Để phòng bệnh, người dân chỉ cần uống vắc-xin đầy đủ theo lịch. Hiện, CTTCMR mới có vắc-xin bại liệt riêng lẻ, dạng uống. Vắc-xin dịch vụ ở dạng tiêm, một mũi vắc-xin ngừa nhiều bệnh, trong đó có vắc-xin bại liệt.

www.phunuonline.com.vn

Bệnh bại liệt, có nguy cơ trở lại, phòng chống bại liệt


      © 2021 FAP
        814,933       800