Xã hội

Bóng đá nữ Việt Nam: Giới hạn cuối cùng

PN - Giấc mơ đến với vòng chung kết (VCK) World Cup đầu tiên của bóng đá nữ Việt Nam đã chấm dứt tối 21/5 trên sân Thống Nhất (TP.HCM), sau trận thua trước tuyển Thái.

Trách thế nào được, khi những cô gái của bóng đá Việt Nam đã vượt qua giới hạn của bản thân để chiến đấu cho mục tiêu vời vợi ấy.

Nước mắt đã rơi trên khuôn mặt các tuyển thủ nữ - ảnh: Độc Lập

Có xót xa không, khi một đồng nghiệp người Thái Lan tiết lộ, mỗi cầu thủ của họ, nếu có vé vào VCK World Cup diễn ra vào mùa hè năm tới sẽ không phải lo mưu sinh khi giải nghệ, tất cả đã có FAT (LĐBĐ Thái Lan) lo. Còn với những nữ cầu thủ Việt? May mắn lắm, cũng như khéo lắm tới giải nghệ sẽ có một công việc đúng chuyên môn, còn không thì cũng lại vất vả mưu sinh như bao đàn chị đi trước. Đầu tư như thế, Thái Lan không thắng mới là chuyện lạ.

Nói những điều đó ra, chẳng phải kể khổ, dù phần đông các tuyển thủ nữ… khổ thật. Ở cấp CLB, cỡ ngôi sao như Hải Hòa ở Thái Nguyên, một tháng cả lương lẫn tiền chế độ cũng không quá vài triệu đồng. Tiền ăn thì... 60.000đ/ngày. Thu nhập thấp đến mức, nhiều cô gái xuề xòa bảo: "Lương bọn em có khi chẳng bằng công nhân, dù mang mác tuyển thủ này nọ". Họ nói vậy, nhưng bởi đam mê, bởi cái nghiệp nên khổ riết cũng thành quen. Cho nên, mỗi khi tập trung đội tuyển quốc gia (ĐTQG), thu nhập thêm từ tiền chế độ là phải dành dụm. Bởi ai cũng hiểu, sau này giải nghệ là khó khăn, là vất vả. Và cứ thế, ngoài chế độ được đặt sẵn, ăn uống tẩm bổ cũng chỉ là mì gói, là trà đá cho tiết kiệm… Kham khổ thế, nhưng khi vào trận thì khác, tất cả cho chiến thắng, cho giấc mơ World Cup. Chỉ tiếc là mọi thứ đã không thành…

Thất bại cay đắng trước Thái Lan đã khiến nhiều cầu thủ trụ cột như đội trưởng Lê Thị Thương (16), Nguyễn Thị Muôn (13) phải bật khóc

Chưa đến tuổi đôi mươi, Kim Hồng đã có mặt trong ĐTQG, đến nay cô gái TP.HCM này ăn cơm tuyển vài năm. Với các tuyển thủ nữ, lên tuyển đi đá giải là cơ hội đổi đời. Chẳng biết đổi được đến đâu, nhưng khi chấn thương, hậu vệ chủ lực của ĐTVN không có tiền để đi phẫu thuật. Phải tới khi một doanh nhân người Singapore gốc Việt hay tin, chấn thương đơn giản ấy của Hồng mới được giải quyết.

Mà đâu chỉ Hồng khổ. Ở đội tuyển, hoàn cảnh của tuyển thủ người TP.HCM so ra còn khá hơn nhiều đồng đội ở địa phương khác. Nguyễn Thị Hòa là một ví dụ, gia cảnh khó khăn khiến gần như toàn bộ thu nhập của tuyển thủ này ở CLB lẫn ĐTQG đều được dồn về phụ giúp gia đình. Hoặc như Chương Thị Kiều, cô gái người dân tộc Khmer, đã phải rời quê nhà Trà Vinh lên thành phố đá bóng với chỉ một khát vọng là làm sao cho gia đình bớt khổ.

Khó khăn thế, nên mỗi lần được lên tuyển là một cơ hội để cải thiện thu nhập, từ tiền thưởng thắng giải, tiền thưởng của VFF hay các nhà tài trợ. Cũng vì thế, chẳng có gì khó hiểu khi ngay sau trận thua trước tuyển Thái, khách sạn Đệ Nhất nơi đội tuyển ở, không khí chẳng khác gì đám tang.

Buồn vì thất bại, vì không thể chạm vào World Cup - giải đấu mà cả đời cầu thủ Việt chẳng biết khi nào mới có cơ hội lần thứ hai. Và, một nỗi buồn khác, thực tế hơn, khi những món quà, những dự định cho gia đình, tổ ấm của mình đã bất thành… Đi đá bóng với một gánh nặng về kinh tế và luôn phải nỗ lực hơn giới hạn của bản thân, nỗi niềm ấy biết nói sao cho thành lời…

 Duy Anh

www.phunuonline.com.vn

bóng đá nữ Việt Nam, tuyển nữ Việt Nam, giấc mơ World Cup


      © 2021 FAP
        815,263       1,378