Xã hội

Mẹ chọn vùng tâm bão để sinh con

PN - Trong hai ngày 19 và 20/5, Báo Phụ Nữ tiếp tục chuyển tiền hỗ trợ, động viên đến các ngư dân tại Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc tấn công, phá hoại tài sản, đánh trọng thương,

Ngư dân Nguyễn Hiền Lê Anh (20 tuổi) vẫn chưa tự đi được. Anh nói trong hơi thở mệt mỏi: “Họ đánh dã man lắm anh. Toàn những người mặc đồ rằn ri, xông đến chích roi điện vào đùi, làm em ngã liền, rồi đá liên tục vào đầu, lưng. Chỉ vài phút sau là em không còn biết gì nữa”. Lê Anh cùng với ngư dân Nguyễn Tấn Hải, ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, đi tàu QNg 90205 TS, bị nhóm người trên tàu ngư chính của Trung Quốc đánh trọng thương, đập phá toàn bộ tài sản vào đêm 16/5 khi tàu QNg 90205 TS đang khai thác hải sản gần đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Trưa 18/5, con tàu đã về đến cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi) trong tình trạng tả tơi. Hai anh được đưa đến BVĐK Quảng Ngãi cấp cứu. Hình ảnh những ngư dân can trường trên biển, giờ bất động trên băng ca đã khiến dư luận phẫn nộ. “Ba mẹ của anh đâu?”. Lê Anh đáp: “Dạ, ba mẹ xa em từ nhỏ, em ở với cậu, đi biển đã được hai phiên”. Ngồi cạnh chồng, chị Nguyễn Thị Dư (19 tuổi, vợ anh Lê Anh) im lặng giấu âu lo trong đôi mắt. Anh gượng ngồi dậy. Nhìn vào mắt anh, tôi biết câu nói đó thay cho lời khẳng định: sẽ trở lại biển! “Anh có bảo hiểm thân thể, bảo hiểm y tế không?”. “Dạ không. Nhưng tụi em nằm đây , bệnh viện lo hết”.

Vợ chồng Thượng úy Hoàng Mạnh Thắng 

Ở giường bên cạnh, ngư dân Nguyễn Tấn Hải chen vào: “Lúc đó tối quá, mình không ngờ họ lén chơi ác”. 24 tuổi, Hải đã có kinh nghiệm bảy năm đi biển, là thuyền trưởng tàu QNg 90205. Tai, mắt, đầu của anh vẫn còn thâm tím. “Rượt đuổi tàu mình, em có lạ chi, nhưng họ thường đuổi ban ngày. Thực ra, nếu lúc đó trên tàu đông đủ anh em, chắc họ không chạy kịp tàu em đâu. Em và Lê Anh ở lại nấu nướng, lái tàu, còn anh em xuống xuồng đánh cá gần đó”. “Họ đánh em bằng chi?”.

“Cái câu dùi to để đập đá, phang ngay vào đầu em. Vừa ngã xuống là họ đạp, đá liên tục. Em tỉnh dậy thì tay trái không cử động được nữa. Ngó quanh, tàu bị đập tan tành, Lê Anh thì nằm ngay mũi tàu. Em nghĩ có chết cũng phải lái tàu về chỗ anh em đang đánh cá, bởi nếu không, tàu sẽ chìm. Em ráng dùng tay phải điều khiển”. “Biết đường đâu mà chạy về đất liền?”. “Họ đập luôn la bàn, nhưng trời thương, la bàn còn dùng được”. “Có vợ chưa?”. Nụ cười rạng rỡ trên gương mặt đen cháy: “Chưa anh, nên chưa chết được đâu”. “Đi lại không?”. “Sao không? Ăn lễ mồng năm xong, lại đi. Biển của mình, sao bỏ được. Bà già em bữa nay hết ngất xỉu rồi, ông già hết đứng lên ngồi xuống rồi”. Ở góc phòng, mẹ của Hải nghe con nói, lặng lẽ lấy trầu ra ăn. Tôi nghĩ định mệnh đã ràng buộc, nên “Mẹ đã tìm ra dải đất hình tia chớp - chọn vùng tâm bão để sinh con” như một nhà thơ đã viết.

Đại diện Báo Phụ Nữ trao quà cho ngư dân Nguyễn Tấn Hải tại BVĐK Quảng Ngãi 

Những đứa trẻ đang hoài thai trong bụng mẹ như con của vợ chồng Lê Anh rồi sẽ chào đời trong những cơn gió mặn mòi từ biển, khi quà mừng con là con ốc như tù và xung trận, được cha mang về từ Hoàng Sa. Ý nghĩ đó đến với tôi khi giọng Nghệ An nằng nặng của chị Đoàn Thị Thanh vang lên: “Tụi em cưới nhau tháng 11/2013, nay có bầu con trai đã sáu tháng, đang hành mẹ đây”.

Chồng chị là Thượng úy Hoàng Mạnh Thắng, thuyền phó tàu CSB 4033. “Anh Thắng có điện về không?”. “Không anh”. Bao lời “không nói gì” từ vợ những cảnh sát biển khi được hỏi tin tức chồng, như điệp khúc lặp lại trong những ngày nóng bỏng này. Không có người thân bên cạnh, chị Thanh bụng mang dạ chửa, đang một mình xoay xở trong căn phòng quạnh vắng ở chung cư bộ đội vùng Sơn Trà - Đà Nẵng. “Cưới nhau xong, được vài ngày là ảnh đi liền”. Khi tôi hỏi có ảnh chụp chung hai vợ chồng không, chị cười như cố giấu thiệt thòi: “Yêu nhau, tụi em không có thời gian bên cạnh nhiều, ảnh chung không có chi ngoài ảnh cưới đâu anh”. 

“Em cũng vậy mà”. Tôi sững mấy giây, khi nghe lần nữa câu nói đó từ chị Trần Thị Thanh Nga, quê Tam Xuân 2, Núi Thành, Quảng Nam, vợ của Thiếu úy Trần Khương Toản, chính trị viên tàu CSB 2012. “Tụi em mới cưới nhau hôm 1/4 này thôi anh. Ở với nhau được ba ngày thì ảnh đi”. Chị làm ở khoa xét nghiệm BVĐK TƯ Quảng Nam, lương hợp đồng mới ra trường ít ỏi, nên phải phụ thêm với ba mẹ làm ruộng. “Lo nhiều chứ anh, nhưng động viên ảnh cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, mình ở đất liền dù răng cũng không cực bằng”. 

“Nhờ anh nhắn gửi anh Thắng là bố mẹ ở quê đều khỏe, mẹ con em khỏe cả. Anh hãy yên tâm công tác tốt. Cầu mong cho tất cả các anh đều mạnh khỏe bình an và hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Lời chị Thanh như tín hiệu từ đất liền của bao người vợ, người mẹ, người thân, của bao người Việt, gửi theo lớp sóng con tàu chốn tiền tiêu. 

 Trung Việt 

Ngày 19/5, Báo Phụ Nữ đã trao cho chị Trần Thị Thanh Nga (vợ của Thiếu úy Trần Khương Toản, chính trị viên tàu CSB 2012), chị Đoàn Thị Thanh (vợ Thượng úy Hoàng Mạnh Thắng, phó thuyền trưởng tàu CSB 4033) và ông Huỳnh Tấn Được (có tàu bị tàu Trung Quốc đập phá) mỗi trường hợp mười triệu đồng; hai ngư dân bị đánh trọng thương là Nguyễn Hiền Lê Anh và Nguyễn Tấn Hải, mỗi người năm triệu đồng. Toàn bộ số tiền được trích từ chương trình Đồng lòng hướng về biển đảo thiêng liêng do bạn đọc ủng hộ.
www.phunuonline.com.vn

Đồng lòng hướng về biển đảo thiêng liêng, Biển Đông, giàn khoan, ngư dân


      © 2021 FAP
        815,310       1,560