Xã hội

“Bầu” Kiên đã lừa đảo cả bạn thân

PNO - Ngày 21/5, TAND Hà Nội tiếp tục phiên xử “bầu” Kiên và các đồng phạm. Tòa thẩm vấn về tội “lừa đảo” 264 tỉ đồng của Tập đoàn Hòa Phát, “bầu” Kiên một mực chối tội.


"Bầu" Kiên tại phiên xử

 “Tôi không lừa đảo ai cả. Bản thân tôi, anh Long, anh Dương (những lãnh đạo cao nhất của tập đoàn Hòa Phát) là bạn thân của nhau hàng chục năm nay, ngày nào chúng tôi cũng ăn cơm với nhau, không có chuyện gì là chúng tôi giấu giếm nhau, đương nhiên Hòa Phát biết tôi đã thế chấp cho ACB 20.000 cổ phiếu (tương đương 264 tỷ đồng – số tiền mà “bầu” Kiên bị cáo buộc đã lừa đảo của Cty TNHH một thành viên Hòa Phát). Chúng tôi đã thỏa thuận bằng miệng sẽ giải chấp số cổ phiếu đó rồi bán cho Hòa Phát” - Bầu Kiên nói.

Chối tội

Ngày thứ hai của phiên xử sơ thẩm “bầu “ Kiên và các đồng phạm, ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hội đồng Quản trị tập đoàn Hòa Phát đã có mặt dự khán với vai trò “bị hại”. Ông Long trầm ngâm lắng nghe diễn biến phiên tòa mà bị cáo chính là “bầu” Kiên, từng một thời có mối quan hệ thâm sâu với ông. Nguyễn Đức Kiên bị VKS quy kết đã có mưu đồ lừa đảo, hòng chiếm đoạt 264 tỷ đồng của Công ty TNHH một thành viên Thép Hoà Phát. Kiên chỉ đạo thuộc cấp Trần Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Hải Yến, lập khống biên bản họp HĐQT và quyết định của HĐQT thể hiện chủ trương của HĐQT công ty để bán 20 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Thép Hoà Phát mà công ty này đang sở hữu. Việc mua bán trên diễn ra trong khi 20 triệu cổ phần này bị thế chấp tại ngân hàng ACB. HĐXX tập trung làm rõ về chủ trương bán cổ phần cho Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát có phải do HĐQT ACBI quyết định hay được lập khống và những bên liên quan có biết những cổ phần đó đã bị thế chấp tại ngân hàng hay không?

Bị cáo Kiên không thừa nhận cáo buộc này và cho rằng mình làm đúng pháp luật, không có gì sai trong “phi vụ” mua bán cổ phần với Cty Hòa Phát. Để bào chữa cho mình, “bầu” Kiên còn thể hiện trước tòa về mối quan hệ rất thân tình với các lãnh đạo “chóp bu” của Tập đoàn Hòa Phát. Bầu Kiên nói “Tôi, anh Long, anh Dương là bạn thân của nhau, chúng tôi ăn cơm với nhau hàng ngày, không giấu giếm nhau chuyện gì, đương nhiên họ biết số cổ phần đó đang bị thế chấp”. Bầu Kiên trình bày thêm: “Anh Long nhiều lần nói với tôi muốn cơ cấu lại cổ phần của Công ty Thép Hòa Phát. Tôi không muốn bán cổ phần của ACBI. Sau đó anh Long nhờ tôi giúp đỡ, muốn mua lại cổ phần từ công ty tôi. Tôi và anh Long thống nhất với nhau sẽ hoán đổi cổ phiếu. Anh Long nói tôi xác định giá, tôi giao việc này cho Nguyễn Thị Hải Yến".

Tuy nhiên, khi được tòa hỏi, “Công ty Hòa Phát có biết việc số cổ phần đó đã bị thế chấp?”, ông Trần Đình Long đáp: “Nếu tôi biết cổ phần đã được thế chấp cho ACB thì không bao giờ tôi mua. Tôi quen ông Kiên từ năm 2001. Chính tôi là người đàm phán về giá cả để mua số cổ phần này”. Ông Trần Tuấn Dương, Phó chủ tịch HĐQT - kiêm tổng Giám đốc tập đoàn Hòa Phát khẳng định thêm: “Tôi không hề biết số cổ phần đã bị thế chấp”.

Còn ông Lê Thanh Hải, Trưởng phòng pháp chế ngân hàng ACB giải thích: “Theo tôi, việc ACBI chuyển nhượng cổ phần cho Công ty Thép Hòa Phát khi chưa được giải chấp là sai. Việc ACBI thế chấp cổ phần cho ngân hàng ACB là đúng. Về nguyên tắc, khi đã thế chấp thì không được bán. ACBI đã có công văn xin giải chấp số cổ phần trên. Tuy nhiên ngân hàng ACB chưa có quan điểm về việc giải chấp mà mới dừng lại ở việc trao đổi với Phòng khách hàng, vì lý do tài sản rút ra và tài sản thế chấp vào chưa tương xứng”.

Đổ tội cho nhau

Trả lời loanh quanh về việc hơn 20 triệu cổ phần chưa được giải chấp vẫn chuyển nhượng, Bầu Kiên liên tục đổ lỗi cho cấp dưới của mình: “Tôi chỉ đạo cô Yến làm việc với ACB xem có giải chấp hay không, cô Yến không báo cáo lại. Tôi không nhận được bất cứ ý kiến nào của ACB về việc không giải chấp. Khi tôi đi nước ngoài xem bóng đá cùng với anh Long suốt gần 1 tháng, cô Yến có nhắn tin là Công ty Thép Hòa Phát đã chuyển tiền sang nhượng cổ phần. Tôi hoàn toàn không biết cổ phần đã được giải chấp hay chưa. Tôi không đàm phán hợp đồng với bất cứ ai tại Công ty Thép Hòa Phát, cũng không đề nghị Thép Hòa Phát chuyển tiền.

Bị cáo Yến tức tưởi: “Lời khai của anh Kiên không đúng. Tôi có báo cáo ACB không đồng ý giải chấp, Kiên bảo tài sản còn thiếu, để anh xem lại. Sau khi tôi báo cáo chưa giải chấp cho anh Kiên, anh Kiên vẫn đồng ý chuyển nhượng cổ phần cho Thép Hòa Phát. Tôi chỉ làm theo ý kiến chỉ đạo của anh Kiên. Tôi biết là tài sản đó đã được thế chấp, nhưng nó vẫn là tài sản hợp pháp của ACBI. Về nguyên tắc đã thế chấp thì không được bán, nếu bán phải rút ra để thế chấp bằng tài sản khác. Tôi biết khi dự kiến chuyển nhượng đến khi thực hiện sẽ phải qua một quá trình. Hợp đồng cũng ghi rõ dự kiến giá chuyển nhượng, có nghĩa là họ phải có kế hoạch rút 20 triệu cổ phần đó ra để thế chấp bằng tài sản khác cho ACB, rồi mới mang đi chuyển nhượng".

Trong lời khai tại tòa, cả hai bị cáo Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến đều khẳng định trước tòa là làm theo chỉ đạo của Kiên vì Kiên giữ chức Chủ tịch HĐQT của ACBI. Trong khí đó bị cáo Nguyễn Đức Kiên lại khăng khăng đổ tội cho cấp dưới không báo cáo đầy đủ cho bị cáo về việc ngân hàng ACB có đồng ý cho giải chấp cổ phiếu hay không. Chẳng chịu thua kém, cả hai bị cáo Thanh, Yến đều khai: “Thực tế chẳng có cuộc họp HĐQT tại Công ty ACBI để lấy chủ trương chuyển nhượng cổ phiếu cho Công ty TNHH Một Thành viên Thép Hòa Phát. Bầu Kiên chỉ đạo lập biên bản khống. "Bầu” Kiên phản pháo: ”Bị cáo đã tiến hành họp và thông qua ý kiến những người liên quan bằng văn bản, chứ không phải họp trực tiếp. Điều đó phù hợp với luật doanh nghiệp và phù hợp điều lệ của Công ty nên chẳng có gì sai ở đây”.

Chiều 21/5, Tòa tập trung làm rõ hành vi “kinh doanh trái phép" của “bầu” Kiên trong việc lập ra 6 công ty để buồn tiền và vàng.

CHI MAI

www.phunuonline.com.vn

Xét xử, “Bầu” Kiên, lừa đảo bạn thân


      © 2021 FAP
        815,378       1,653