Xã hội

"Đại án tham nhũng" Vinalines: Bất đồng "tàu biển" hay "ụ nổi"

PNO - Ngày 23/4, TAND tối cao tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ "đại án tham nhũng Vinalines". Trước đó, tại phiên xử ngày 22/4, toà tập trung làm rõ trách nhiệm của các bị cáo và các bộ liên quan về việc nhập ụ nổi 83M

Hầu hết các bị cáo nguyên là cán bộ chủ chốt của Vinalines cùng đăng kiểm viên, cán bộ hải quan đều khẳng định đã làm đúng nhiệm vụ.


Bị cáo Dương Chí Dũng và các bị cáo khác trước vành móng ngựa (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Bị cáo Mai Văn Khang (nguyên phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên vận tải Viễn dương Vinashin, trực thuộc Vinalines chối bỏ trách nhiệm khi tham gia đoàn khảo sát mua ụ nổi 83M tại Nga.  Khang khai chỉ làm phiên dịch viên chứ không tham gia quá trình soạn thảo các báo cáo của đoàn khảo sát, khi đoàn trở về Việt Nam. Khang không có mục đích, động cơ trong thương vụ mua ụ nổi mà làm việc công tâm theo trách nhiệm được giao phó. Tuy nhiên, HĐXX bác bỏ lời khai này va cho  rằng, nếu tình trạng ụ nổi được phản ánh đúng, khách quan sẽ không có chuyện Vinalines quyết định mua với số tiền lớn như vậy để gây thất thoát hơn 366 tỷ đồng của Nhà nước. Cuối cùng, Khang thừa nhận đã không nắm rõ pháp luật nên vô tình phạm tội, mong HĐXX xem xét giảm nhẹ tội cho bị cáo.

Thẩm vấn về trách nhiệm "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", các bị cáo nguyên là cán bộ hải quan, đăng kiểm viên - ông Lê Văn Dương (nguyên đăng kiểm viên Chi cục đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm Việt Nam) dù chống án kêu oan tuy nhiên khi bị thẩm vấn đã thay đổi, xin toà phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Riêng bị cáo Lê Ngọc Triện (nguyên đội trưởng nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong) vẫn “bảo lưu” việc khai nhận trước đó tại cơ quan điều tra là do bị cán bộ ép cung, viết theo tờ khai của cán bộ. Do thời điểm bị tạm giam, bị cáo ốm đau nên làm theo. “Bị cáo có những uất ức xin gặp VKSND Tối cao nhưng không được gặp, mong toà xem xét".

Ông Trần Thái Sơn (giám định viên vụ án, cán bộ Bộ Tài chính) cho rằng, ngay Bộ Công an, Bộ GTVT cũng cho rằng ụ nổi không phải là tàu biển. Trên thực tế, ụ nổi này không tự di động được mà phải lai dắt về Việt Nam. “Chúng tôi đã cho rằng “coi như là tàu biển” để nhập khẩu về Việt Nam. Việc nhập khẩu, đối với cơ quan hải quan, chỉ là thủ tục, chứ không phải là điều kiện nhập khẩu. Hải quan có quy định, kiểm tra và giám sát hàng hoá, điều đầu tiên phải biết tên hàng hoá đó là gì. Ở mỗi quốc gia có tên gọi khác nhau, nhưng đều chung một quy ước để đưa vào mã số cụ thể. “Tôi khẳng định, ụ nổi tiếng Anh có chú giải, mã số là gì. Trong khi đó, các loại tàu có mã số khác nhau, không giống với ụ nổi”.

Phó chánh thanh tra Bộ GTVT Trịnh Viết Lộc, trả lời: "Ụ nổi không phải tàu biển, vì Bộ là cơ quan soạn thảo Luật hàng hải, trình quốc hội. Điều 11, định nghĩa, tàu biển trước hết là tàu, vật thể nổi trên biển, ụ nổi là vật thể nổi. Tàu biển di động được, còn ụ nổi không tự di động được nên không thể là tàu biển được". Tuy nhiên, thẩm phán-chủ toạ Nguyễn Văn Sơn vẫn chất vấn: “Di động có nhiều hình thức” và bảo lưu quan điểm "ụ nổi là tàu biển".

Đại diện Cục đăng kiểm, ông Đinh Quốc Vinh cho biết, sau phiên sơ thẩm, Bộ GTVT cũng khẳng định, đến giờ vẫn nhận thức ụ nổi không phải là tàu biển. Lê Văn Dương đã làm đúng theo quy định của luật hải quan. Tàu biển có thể là tàu, có thể là cấu trúc nổi mà ụ nổi là cấu trúc nổi nên đương nhiên là tàu biển... Chủ toạ phiên toà  khẳng định: "Cục đăng kiểm chưa làm đúng, hết chức năng của mình, phải nhận xét xem, kiểm tra giám định đó đúng chưa, và ụ nổi có đủ điều kiện nhập khẩu, thông quan".

CHI MAI 

www.phunuonline.com.vn

đại án tham nhũng Vinalines, Dương Chí Dũng, tàu, ụ nổi 83M, đăng kiểm, giám định viên


      © 2021 FAP
        816,517       961