Xã hội

" Đời nhẹ khôn kham "

PNCN - 6g tối, bạn gọi điện, giọng gấp gáp: hai cha con Ashkenazy biểu diễn dương cầm tối nay, vé “ngồi bệt”, đi không?

Hà Nội đổ cơn mưa rào cuối xuân, tối tăm và lạnh lẽo. Đứng đợi bạn dài cổ dưới mái hiên Nhà hát lớn. Thấy com-lê, cà vạt, váy ngắn dài các cỡ, các màu, sóng sánh hút vào quầng sáng huy hoàng. Hà Nội đón Ashkenazy bằng hoa hồng đỏ thắm, chân dài mặc váy đuôi cá, sang trọng, quyến rũ. Một hội trẻ trung xôn xao ngó nghiêng tìm người quen có tiếng tăm trong trường nhạc để “vào ké”. Ashkenazy chứ có phải đùa đâu? Và vé vài triệu bạc, chả phải ai cũng có... Bạn phải nấu cháo cho bố ốm nằm liệt nên không thể đến sớm.

Mưa càng lúc càng ráo riết. Lạnh càng lúc càng lạnh thêm. Kìa, bên cạnh mình lại có cả một gia đình vừa giăng ô đi bộ đến. Ông bố, bà mẹ và hai cô con gái sàn sàn tuổi nhau. Nhà này ăn mặc giản dị mà tề chỉnh, ở họ có một cái vẻ gì đó nhã nhặn, phải chăng. Bà mẹ thì lo lắng ngó quanh, thấy người quen nào khả dĩ là nhao ra: anh có cho nhà em vào được với không? - Không, không, hôm nay đông lắm, anh còn chưa biết có vào được không đây! Cả bốn lại thẳng hàng kiên nhẫn. Một lát sau, cô con gái út, chừng có vẻ sốt ruột, khẽ khàng hỏi: bố ơi, con thấy ngoài kia người ta có bán vé đấy bố ạ.

Bố mẹ im phắc một giây. Rồi ông bố nói, giọng ra chiều dứt khoát: thôi, mẹ nó đưa cho bố một triệu, bố sẽ ra hỏi người ta, bố sẽ cố gắng chỉ tiêu hết của mẹ nó trong vòng một triệu thôi, bán thì bán mà chả bán thì thôi! Bà mẹ lẳng lặng lần mở cái túi đựng ví tiền, tìm chọn lấy hai tờ 500.000đ đưa cho chồng. Một lát sau, họ lục tục kéo đi. Còn lại một mình mình... Tự dưng thấy vui vui, mặc dù mưa vẫn mù mịt, hai tay bắt đầu lạnh buốt. Rốt cuộc, bạn cũng đến, cũng kiếm được chỗ trên tầng 3 cao tít. Mà đáng công đợi chờ, vì hai cha con nhà Ashkenazy chơi hay tuyệt!

Ảnh: T. Hà

Lúc về, tạt vào quán trà ngồi với nhau thêm một lúc. Bạn kể về nỗi vất vả một mình với mẹ già chăm bố ốm mấy năm nay. Rồi hai đứa nói về đám ma bố một người bạn nằm liệt giường 24 năm. Cùng nhớ lại căn nhà nhỏ bé của người ốm chẳng có mấy đồ đạc, nghèo nghèo, tôi tối nhưng làm người ta ngạc nhiên vì rất sạch sẽ. Ai ai trong nhà cũng nói năng nhẹ nhàng. Một căn nhà buồn nhưng không có cay đắng và ghét bỏ.

Ấn tượng nhất là gương mặt của người mẹ chất phác, gương mặt cam chịu mà yêu thương. Khi mọi người hỏi thăm, bà thản nhiên chỉ - đây, cái phòng nhỏ tầng 1 này là ông nhà tôi vẫn nằm đây, lúc nào cũng nằm đây, 24 năm... Vâng, vất vả lắm ạ, nhưng ông đổ bệnh ốm, các con phải làm ăn xa, biết làm sao... Vâng, thì tôi cũng ở cái phòng này thôi, nằm gần ông còn chăm nom ông chứ... 24 năm cận kề giường cứt chiếu đái cho một người chồng chỉ còn nói bằng mắt! Bỗng nhớ tới nhan đề cuốn tiểu thuyết của Milan Kundera, thật là “Đời nhẹ khôn kham”.

Bạn hỏi: vì sao người ta phải chịu quá nhiều đau khổ? Rưng rưng nắm lấy tay bạn, không nói gì cả. Chỉ mỉm cười chuyển sang xuýt xoa tài nghệ của cha con nghệ sĩ Ashkenazy, rồi hào hứng kể lại cho bạn hội thoại gia đình “bốn người một triệu”. Bạn trầm ngâm bảo: hội thoại hay quá! Thật là may mắn vì mày đã lắng nghe được vở kịch nhỏ đó...

Ờ, chẳng phải là vở kịch “gia đình bốn người một triệu” đó rất có thể đã diễn ra theo một cung bậc khác, đã có thể đầy những dằn vặt, phỉ báng ỉ eo như vẫn thường thấy khi người cha/người chồng trong gia đình không phải là một Mạnh Thường Quân? Và lúc xo ro trong cái lạnh buốt rượt chờ “chui cửa sau” để được vào Nhà hát lớn, ngắm cảnh “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”, nếu lòng có chút tị hiềm chua chát thì có lẽ tâm chẳng còn trong để lắng nghe được cuộc đời nhỏ bé đang ngân nga những nốt nhạc thiện lành, thuần khiết, phải vậy không?

Buổi đêm mưa lạnh trở nên ấm áp, yên bình. Có một niềm vui như mưa xuân lan tỏa. Niềm vui của sự cố gắng được đền bù xứng đáng. Niềm vui của tấm lòng hiền hòa rộng mở, thấy được cái đẹp kín đáo của đời sống nơi nơi. Thấy ở vào độ tuổi 40 của người đàn bà, mọi đắng cay sóng gió dường như đã ngơi đi hoặc chí ít không còn quá đáng sợ, mọi ngơ ngác hỗn mang đã dần dần trở nên định vị, rõ ràng, mọi ảo tưởng, mê cuồng đã trở thành một chút hài hước trên môi... Đời vẫn thế mà dường như không phải thế. Trong đau khổ đã lên hương vị của ân hưởng, trong vất vả buồn phiền đã có bóng dáng của thảnh thơi... Lòng tràn ngập những giai điệu hủy diệt và sinh sôi trong Nghi lễ mùa xuân của Stravinsky dưới bàn tay tài nghệ của Ashkenazy. Cảm ơn cuộc đời.

Hàm Anh

www.phunuonline.com.vn

tản văn, Đời nhẹ khôn kham


      © 2021 FAP
        817,645       703