Xã hội

Tiếng kêu cứu của một phụ nữ cô thế

PN - Đêm 15/3, gọi đến Báo Phụ Nữ, chị Trương Thị C. (tạm trú tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM), giọng hoảng loạn: “Ổng lại gọi điện khủng bố tôi, đêm trước,

 Những cuộc gọi tra tấn về đêm

Người gọi điện khủng bố con trai chị C., một đứa bé 10 tuổi là ông T.C.T. (thường trú tại P.12, Q.Gò Vấp, TP.HCM) - cha ruột đứa bé, chồng cũ của chị C. Liên tục nhiều ngày qua, đêm nào ông T. cũng gọi điện, có khi cầm dao đến “đòi mạng” chị C.

Theo lời kể của chị C., đêm 5/3, ông T. đến nhà, dọa chém chị C. Chị gọi điện kêu cứu nhưng gần một tiếng sau, công an và tổ trưởng dân phố mới có mặt.

Chị C. cho biết, chị và ông T. ly hôn từ tháng 11/2013. Theo quyết định của TAND Q.Gò Vấp, con chung do chị trực tiếp nuôi dưỡng, ông T. trợ cấp nuôi con mỗi tháng 1.000.000đ. “Đã không hề cấp dưỡng, mà vài ngày ông ấy lại đến nhà tôi ở xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi mắng chửi. Có lần T. còn xông vào Công ty Colo - nơi tôi làm việc, cầm dao rượt tôi. Gọi công an tới thì anh ta đã bỏ đi. Sau đó, tôi cùng các chị đồng nghiệp đến Công an xã Bình Mỹ trình báo, công an bảo tôi về, khi nào ông ấy đến thì… quay lại báo”, chị C. kể.


Chị Trương Thị C. tiếp tục làm đơn kêu cứu ở công an xã Bình Mỹ sáng 11/3

Căn nhà chị C. cùng con trai đang tạm trú nằm trong một con hẻm cụt thưa vắng người, sát bên nhà chị ruột của chị C. Ông T. thường chọn lúc anh rể của C. đi làm thì đến nhà hành hung vợ cũ. Bà Trương Thị Huệ, chị ruột của chị C. nói: “T. đến khi nhà chỉ có hai chị em và mấy đứa con nhỏ. Chị em tôi lúc nào cũng nơm nớp lo sợ”. Dù không có tài sản chung hay nợ nần gì với T., nhưng trước Tết Nguyên đán, theo yêu cầu của T., chị C. vẫn chạy vạy đưa cho T. 20 triệu đồng theo đòi hỏi của T. Thế nhưng chỉ vài ngày sau, “vở cũ” lại tái diễn.

Chị C. cho biết: “Những tin nhắn và lời đe dọa, khủng bố của T. tôi đều lưu trong điện thoại. Chuyện T. xách dao đến công ty tôi, có nhiều người chứng kiến, rồi anh rể, chị gái, con trai và lối xóm của tôi đều biết việc T. đến đe dọa tôi… vậy mà công an vẫn không mấy quan tâm. Có công an viên đã hỏi tôi: “Sao làm phiền công an vậy? Hở chút là gọi, về đi, chừng nào chém rồi hãy trình báo…”.

Tối 11/3, phóng viên liên lạc với T. qua số máy 0935058…, vừa nghe hỏi vì sao đã ly hôn vẫn còn quấy rối vợ con, T. gằn giọng: “Đó là chuyện riêng của tôi, đừng can dự vào”. Sau đó vài phút, chị C. gọi lại báo tin: “Anh ta vừa điện thoại đe dọa sẽ giết mẹ con tôi”.

Công an xã vô cảm

Sáng 11/3, làm việc với phóng viên, lúc đầu Công an xã Bình Mỹ cho rằng chưa hề nhận được đơn thư kêu cứu của chị C. Tuy nhiên, khi phóng viên “lật” từng vụ việc theo lời của người dân cạnh nhà chị C. về việc họ đã giúp chị gọi công an, vị phó công an xã xác nhận: “Có chuyện kêu cứu, kêu hoài, công an có vô can thiệp, nhưng đâu có đơn thư tố cáo nào”. Trong khi đó, chị C. cho biết đã nộp đơn cho Trưởng công an xã Bình Mỹ hai lần (lần đầu trước Tết Nguyên đán và lần sau, ngày 5/3 vừa qua).

Hàng loạt tin nhắn đe dọa, khủng bố của T. với vợ cũ

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Phạm Văn Tòng - Phó chủ tịch UBND xã Bình Mỹ khẳng định, xã chưa hề nghe tin báo về việc chị C. bị bạo hành, đe dọa tính mạng. Ông Tòng mời đại diện các đoàn thể đến thì được biết, việc chị C. kêu cứu, Hội LHPN xã có can thiệp trước Tết Nguyên đán. Hội PN nơi này cho biết thêm, do chị C. không gửi đơn cho Hội, phần nữa chị cũng là dân tạm trú, lại đi vắng suốt ngày nên… chưa nắm được. Ngay trong buổi sáng 11/3, ông Tòng chỉ đạo công an xã tiếp xúc với chị C. và chính thức nhận đơn tố cáo của chị C. về hành vi bạo lực, khủng bố của ông T.

Đến lúc này, việc người phụ nữ cô thế cùng đứa trẻ lên 10 sau thời gian dài sống trong sợ hãi vì bị đe dọa tính mạng và khủng bố tinh thần, mới được chính quyền địa phương tiếp nhận. Phải chăng chị C. là người tạm trú nên tiếng kêu cứu của chị không “đến” được với người thi hành công vụ? Thạc sĩ-luật gia Hoàng Kim Chiến - Cục phó Cục công tác phía Nam Bộ Tư pháp khẳng định: “Pháp luật bảo hộ cho mọi công dân, không có quy định phân biệt. Theo tôi, xã Bình Mỹ nơi chị C. đang tạm trú chưa thực sự làm hết trách nhiệm đối với người dân. Việc không kịp thời ứng phó khi nạn nhân bị uy hiếp cần được xem xét nghiêm túc”.

Theo luật gia Hoàng Kim Chiến, ngoài làm đơn tường trình đầy đủ gửi cơ quan công an và chính quyền xã Bình Mỹ, yêu cầu có biện pháp can thiệp kịp thời, chị C. cũng cần gửi đơn về P.12, Q.Gò Vấp - nơi quản lý hành chính trực tiếp đối với ông T. để công an và chính quyền nơi đây có cơ sở yêu cầu ông chấm dứt các hành vi vi phạm pháp luật.

 NGHI ANH

www.phunuonline.com.vn

Tiếng kêu cứu, một phụ nữ cô thế


      © 2021 FAP
        818,379       616