Xã hội

Sài Gòn nóng, viêm phổi, tiêu chảy tăng vọt

PN - Thời tiết nắng gắt đầu mùa khô ở TP.HCM vài ngày qua đã khiến nhiều trẻ em, người già mắc các bệnh tiêu chảy, hô hấp nặng.

Tránh nóng bức trong phòng bệnh, nhiều phụ huynh ẵm con ra hành lang (BV Nhi Đồng 1 chiều 16/3)

Trẻ già đều bệnh

Chiều 16/3, tại Phòng Lọc bệnh, khoa Cấp cứu, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, nhiều phụ huynh ẵm con đi lại quanh phòng bệnh để dỗ bé nín khóc. Chị Thúy đang kẹp nhiệt kế cho con là bé L.H.M.H. (23 tháng tuổi, Q.5) kể: “Không biết cháu bệnh gì mà nóng sốt, ho liên tục từ tối hôm qua”. Một cô y tá đang ghi sổ bệnh cho biết, ngày 16/3, Phòng Lọc bệnh tiếp nhận khoảng 100 trẻ có biểu hiện nóng sốt, ho. Còn tại khoa Tiêu hóa, do phòng bệnh chật chội nên một số phụ huynh trải chiếu nằm dọc hành lang để tránh cái oi bức trong phòng bệnh. Chị Lê Thị Thu Đào, người nhà của bé Tr.D.H. cho biết, bé bị tiêu chảy do bà ngoại không để ý đã cho bé ăn phải tô cháo nấu thịt bằm bị nguội. BS Dũng, khoa Tiêu hóa, BV Nhi Đồng 1 khuyến cáo: Bốn tuần nay, kể từ lúc nắng nóng gay gắt, khoa Tiêu hóa luôn có đến 250 bệnh nhi điều trị nội trú mỗi ngày. Trẻ chủ yếu bị tiêu chảy vì rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm. Trẻ mắc bệnh ở mọi lứa tuổi chứ không khu trú vào trẻ nhỏ dưới hai tuổi như trước đây.

Tại BV Nhi Đồng 2, số trẻ mắc các bệnh đường hô hấp tăng vọt. BS Trần Thị Thu Loan, Trưởng khoa Hô hấp cảnh báo: Do nắng nóng nên dù là ngày cuối tuần vẫn có đến 205 ca bệnh đang điều trị nội trú, trong khi những ngày thường chỉ khoảng 120 ca bệnh. Đặc biệt, có 22 trẻ viêm phổi nặng phải nằm phòng hồi sức cấp cứu. Nhiều ca viêm phổi tràn mủ phải đặt ống dẫn lưu mủ ra ngoài, nhiều ca khác phải mổ do xơ dính phổi. Điển hình như trường hợp của bé N.T.T.Q. (24 tháng tuổi, ngụ Q.Thủ Đức) bị viêm phổi tràn mủ nhiều, xơ dính phổi, dùng nhiều kháng sinh nhưng bệnh vẫn không bớt, phải tiến hành phẫu thuật cho bé. Chị D.T.Tr. - mẹ bé Q. cho biết: Trước đó bé bị ho sốt, đi khám bệnh, uống thuốc theo toa BS nhưng bệnh không bớt, đã nằm viện được bảy ngày.

Khoa Nội tiêu hóa, BV Nguyễn Tri Phương cho biết, một tuần tiếp nhận từ 30 - 70 ca bệnh đường tiêu hóa như: nhiễm trùng đường tiêu hóa (bao gồm cả tiêu chảy), viêm loét ruột. Các biểu hiện của bệnh này thường là: sốt, đau bụng, đi phân đàm nhớt, đàm máu… BS Trần Ngọc Lưu Phương, Phó khoa Nội tiêu hóa, lý giải: Thời tiết nắng nóng liên tục từ 37-380C là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi trong thức ăn, môi trường nước và môi trường xung quanh. Chỉ cần để thức ăn sau sáu giờ trong môi trường nóng ẩm như hiện nay sẽ dễ sinh ra độc tố, gây ngộ độc, tiêu chảy cấp. Nắng nóng còn khiến cơ thể kém tiết dịch tiêu hóa, nên dễ bị rối loạn tiêu hóa. Đặc biệt, người lớn tuổi thì bề mặt ruột và dạ dày mỏng, niêm mạc ruột teo nên khả năng hấp thu thức ăn kém. Người già thường ăn khó tiêu vì khả năng co bóp để tiêu hóa và đẩy thức ăn khỏi dạ dày không như người trẻ, khả năng chống lại các vi khuẩn xâm nhập vào đường tiêu hóa cũng bị hạn chế.

Lo thiếu phương tiện

BS Trần Thị Thu Loan khuyến cáo: Bệnh hô hấp mùa nắng nóng rất nguy hiểm vì đa số biến chứng viêm phổi là do vi trùng gây ra, khiến bệnh nặng hơn, thời gian điều trị lâu hơn. Đặc biệt, lúc mới mắc bệnh, trẻ chỉ có biểu hiện viêm đường hô hấp trên nên có thể tự khỏi, nhưng có những trường hợp nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng sẽ tiến triển thành viêm hô hấp dưới mà dân gian hay gọi là sưng phổi (viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản hay viêm phổi). Viêm phổi là một trong bốn loại bệnh gây tử vong hàng đầu ở trẻ nhỏ.

Cũng theo BS Loan, bệnh hô hấp là loại bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới năm tuổi. Mỗi năm trẻ bị bệnh hô hấp khoảng năm-tám lần là bình thường, sau mỗi lần bị bệnh trẻ sẽ tăng sức đề kháng nên đến năm tuổi gần như trẻ sẽ ít mắc bệnh hô hấp. Nhiễm khuẩn hô hấp là bệnh lành tính nhưng cũng có trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp gây biến chứng nếu không điều trị đúng và triệt để.

Tuy vậy, lý do chính khiến trẻ bệnh nặng là do phụ huynh không tái khám đúng hẹn. Có phụ huynh thấy triệu chứng của trẻ giống như lần trước nên không đưa đi khám, mà tự động dùng toa cũ hoặc ra tiệm thuốc tây mua vài viên thuốc, đến khi tự chữa hoài không khỏi mới vào BV thì bé đã bị viêm phổi nặng, có trường hợp dẫn đến áp xe phổi, phải dẫn lưu ra cả lít mủ trong phổi bé. Có ông bố đã suýt mất con vì lấy thuốc nhỏ mũi của người lớn nhỏ cho bé, làm bé khó thở, tim đập nhanh phải vào cấp cứu, được chẩn đoán cao huyết áp nguy kịch do tác dụng phụ của thuốc nhỏ mũi. Khi trẻ bị viêm phổi phải dùng kháng sinh thì cũng phải tuân thủ chỉ định của BS, không được tự ý ngưng thuốc. Trẻ uống kháng sinh bị tiêu chảy thì phải báo với BS để đổi thuốc và cho thêm men tiêu hóa…

Ngoài ra, do tuyến y tế cơ sở còn thiếu các phương tiện chẩn đoán nên cũng khiến bệnh diễn tiến nặng. Để hạn chế bệnh trở nặng, nếu người bệnh dùng thuốc ba ngày không khỏi mà có dấu hiệu nặng hơn thì phải xin BS đổi thuốc và cho chụp phim phổi. Sau đó, nếu vẫn thấy không bớt, phải chuyển lên tuyến trên để tránh những biến chứng viêm phổi nặng.

 Tiến Đạt - Trường Sa 

Lời khuyên của các bác sĩ

Phụ huynh nên tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách chăm sóc dinh dưỡng đúng, đủ và uống nhiều nước. Dù trẻ đang mắc bệnh, mệt mỏi, biếng ăn, ăn dễ bị nôn vẫn phải giúp trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng bằng cách chia nhỏ các cữ ăn để trẻ dễ hấp thu, đỡ bị nôn. Tránh đến những nơi đông người, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi chạm vào các vật dụng nơi công cộng, tránh khói bụi, khói thuốc lá…

Không nên thay đổi nhiệt độ cho trẻ, nhất là những ngày nắng nóng, nếu cho bé vào phòng máy lạnh thì phải để nhiệt độ khoảng trên 260C cho bé mát. Đột ngột thay đổi nhiệt độ sẽ làm tăng yếu tố nguy cơ bệnh cho trẻ.

Khi trẻ bị ho, sổ mũi, cảm thì chăm sóc ở nhà nhưng phải thường xuyên theo dõi. Nên đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế khi trẻ có một trong các dấu hiệu sau: sốt cao liên tục, thở nhanh, lừ đừ, co giật, nôn ói nhiều...

www.phunuonline.com.vn

Sài Gòn nóng, viêm phổi, tiêu chảy, tăng vọt


      © 2021 FAP
        818,457       889