Xã hội

Chuyện hạt nhãn

PNCN - Cậu bé cứ ngậm mãi hạt nhãn trong miệng mà không chịu nhả ra để ăn tiếp trái nhãn khác. Thấy vậy, người cô bèn giục cháu ăn tiếp vì cháu có vẻ chuộng loại trái cây này.

À ra thế! Nãy giờ thằng bé không dám nhả hạt nhãn ra khỏi miệng để bóc tiếp trái khác chỉ vì nó không tìm thấy nơi có thể vứt bỏ cái hạt nhãn.

Cậu bé ấy vừa từ Nhật cùng ba mẹ về Việt Nam thăm quê cha đất tổ và chuyện này được một cô giáo kể lại để minh họa cho sự ngỡ ngàng, khâm phục của cô về cách người lớn dạy con trẻ ở xứ người.

Để hướng trẻ nhỏ làm điều hay việc phải, người lớn phải chuẩn bị đầy đủ môi trường, điều kiện giúp trẻ thực hành ngay từ tấm bé. Muốn tạo một thói quen cho trẻ thì người lớn phải làm gương cho trẻ noi theo và bày ra không gian, điều kiện để trẻ thực hành thói quen theo cách thuận lợi nhất. Như khi bảo trẻ không xả rác bừa bãi thì trước hết cha mẹ, anh chị nhất thiết phải bỏ rác đúng vào thùng rác, đồng thời phải đặt thùng rác ở chỗ thuận lợi nhất đối với trẻ. Hoặc khi dạy trẻ qua đường phải chờ đèn xanh ở cột tín hiệu giao thông thì người lớn chớ bao giờ liều mình vượt đèn đỏ.

Nhiều người có thể giật mình về chuyện cái hạt nhãn trong miệng cậu bé trở về từ nước Nhật. Giật mình vì nhận ra sự vô tâm, hời hợt, thiếu chặt chẽ của chính mình trong cách thức dạy trẻ làm điều tốt. Nếu cậu bé ấy lớn lên ở Việt Nam, mọi việc hẳn không khiến cháu khổ sở vì phải giữ cái hạt nhãn hoài trong miệng. Có thể bấy giờ cậu sẽ nhả nó xuống ngay sàn nhà hoặc cẩn thận hơn, nhả vào bàn tay rồi bỏ đâu đó trên bàn ăn, bàn tiệc. Nhưng cậu bé ấy vốn được dạy từ tấm bé phải bỏ rác vào đúng vật dụng đựng rác, nên đã lúng túng tìm cho được chỗ bỏ rác mới chịu nhả cái hạt không còn ăn được nữa kia. Người lớn chúng ta dạy lũ trẻ bỏ rác đúng chỗ nhưng thường lại quên tạo ra cái thùng rác; dặn các cháu làm điều hay việc phải nhưng lại quên chỉ cho các cháu ý nghĩa, giá trị và tác dụng thiết thân của điều hay lẽ phải trong đời sống thực tế của chúng.

Người cô của cậu bé kia kể rằng, từ đó chị luôn để sẵn thùng rác và các vật dụng bỏ rác quanh nhà suốt thời gian đứa cháu lưu lại trong chuyến về thăm Việt Nam.

Gương mẫu và làm đúng lời hứa là tiêu chuẩn đầu tiên của người lớn trong hành trình dạy con trẻ, là điều người lớn cần làm nếu muốn dạy trẻ hiệu quả. Một người bạn của tôi sống ở Nhật lâu năm kể chuyện anh bị chính lũ con dạy cho mình tính đúng hẹn và bổn phận giữ lời hứa. Dù sống ở Nhật nhưng do chưa gột hết “cá tính” vốn dĩ nên đôi lúc - để làm vừa lòng các con - anh thường hứa với chúng cho qua chuyện. Anh hứa dẫn các con cuối tuần đi ăn nhà hàng nhưng rồi công việc bề bộn khiến anh quên béng. Có hôm anh hẹn đưa chúng đi nhà sách nhưng lại sa đà cà kê với đám bạn đến hết ngày. Anh hời hợt vô tình nhưng lũ trẻ thì luôn đau đáu chờ đợi. Đến khi không thấy bố mình thực hiện điều đã hứa, các con anh thẳng thừng trách cứ anh. Và lời trách cứ “đau” nhất, theo lời bạn tôi, là khi chúng nhắc với anh lời cô giáo dạy chúng ở trường: “Không thực hiện điều mình đã hứa với ai đó cũng giống như lấy cắp của người đó một đồ vật”.

Hạt nhãn thì nhỏ xíu, cả lời hứa với lũ con về một bữa ăn cuối tuần, một cuốn sách mới, đối với nhiều người, chẳng to tát bằng những việc nặng nhọc mà họ phải đương đầu trong cuộc mưu sinh hằng ngày để nuôi chúng trưởng thành. Nhưng có sự to tát vĩ đại nào không hình thành từ những điều nhỏ bé, bình dị, nhất là khi những điều bình dị ấy có tác dụng khởi đầu hình thành một thói quen, một tính cách, là đường nét cơ bản khắc họa một chân dung lành mạnh, một tâm hồn trung thực?

Nguyễn Đình Xê

www.phunuonline.com.vn

tản văn, Chuyện hạt nhãn


      © 2021 FAP
        818,500       819