Xã hội

Thêm một vụ bắt cóc học sinh giữa trung tâm TP.HCM

PN - Sau ba giờ tìm kiếm trong hoảng loạn, mẹ em Nguyễn Huỳnh Anh T. đã ôm chặt con gào khóc trước cổng khách sạn Rạng Đông (trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.1, TP.HCM).

A

Em T. và mẹ - Ảnh: Phùng Huy 
 

 Tự giải thoát

Ông Lê Thanh Long, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Kỳ Đồng (P.9, Q.3) xác nhận, vào chiều ngày 5/3, đã xảy ra vụ bé Nguyễn Huỳnh Anh T., học sinh (HS) lớp 5 (con của phụ huynh Nguyễn Hồng Tr., ngụ Rạch Bùng Binh, Q.3) bị người lạ chở đi, nghi vấn bị bắt cóc. Khoảng 16g15 (giờ tan học), trong lúc chờ đợi cha mẹ đến đón, T. bỏ lại cặp bên trong lớp học rồi xin phép cô giáo chủ nhiệm cho đi vệ sinh. Tại nhà vệ sinh, em gặp một người đàn ông lạ mặt đưa cho em một thanh kẹo cao su, sau đó em đi theo người này ra khỏi trường. 10 phút sau, phụ huynh của em T. đến đón con nhưng chờ mãi không thấy nên đã cùng các thầy cô giáo của trường phát loa kêu gọi và tìm kiếm. Kiểm tra khắp các nhà vệ sinh, phòng học và mọi ngóc ngách trong khuôn viên trường không thấy T., đến 18g30, gia đình và nhà trường đã đến trình báo sự việc với công an P.9.

Khoảng 19g, mẹ của T. nhận được điện thoại từ một số máy lạ. Qua điện thoại, T. khóc và cho biết: “Con bị người ta bắt cóc, đang đứng ở khách sạn Rạng Đông trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.1. Bố mẹ nhanh đến rước con”. Gia đình và nhà trường đã gấp rút đi đón em về. Kể lại với các thầy cô giáo, T. cho biết, sau khi nhai kẹo cao su của người lạ mặt thì em không còn biết gì nữa. Lúc bừng tỉnh, T. nhận ra mình đang ngồi trên xe của người lạ nên đã nhảy xuống khi xe dừng đèn đỏ ở ngã tư Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Thị Minh Khai, rồi bỏ chạy. Đến khách sạn Rạng Đông trên đường Cách Mạng Tháng Tám, thấy có hai bảo vệ tại cổng khách sạn, cảm thấy an toàn nên T. dừng lại. Thấy T. khóc, bảo vệ khách sạn hỏi han sự việc và cho em mượn điện thoại liên lạc với người thân.

Trưa ngày 13/3, chúng tôi có mặt tại khu vực khách sạn Rạng Đông. Bảo vệ khách sạn là anh Đỗ Hữu Hạnh (SN 1967) kể, chiều 5/3, anh và nhiều bảo vệ khác đang làm việc tại đây thì phát hiện một bé trai bụ bẫm đi bộ và khóc. “Thấy cháu bé khóc to và run sợ, chúng tôi đã cố gắng hỏi địa chỉ nhà cháu ở đâu và sau đó, một đồng nghiệp của tôi đã cho cháu mượn điện thoại gọi cho người nhà”, anh Hạnh nói.

Theo thầy Long, Trường tiểu học Kỳ Đồng có 2.400 HS. Do số lượng quá đông nên nhà trường cho phép phụ huynh được vào tận lớp để đón con em và phải có sự giám sát của nhà trường. Cụ thể, bảo mẫu là người gọi tên HS và phụ huynh có mặt xác nhận thì mới cho về. Cô Đặng Mỹ Phương - Hiệu trưởng Trường tiểu học Kỳ Đồng cho biết, trường đã tổ chức sinh hoạt và kể lại sự việc trên với toàn thể HS, đồng thời lưu ý các em không đi theo người lạ. Sau vụ việc trên, để tăng cường công tác quản lý HS, trường đã tăng số lượng bảo mẫu có mặt tại các lớp vào 16g (giờ tan học) mỗi ngày để dắt HS đi vệ sinh khi các em có nhu cầu, còn giáo viên chủ nhiệm sẽ trả HS cho phụ huynh. Tại các nhà vệ sinh, lực lượng lao công cũng phải túc trực cho đến khi HS ra về hết. “Tóm lại, HS từ khi vào trường cho đến khi phụ huynh đón, không có lúc nào chúng tôi không giám sát” - cô Phương nói.

Trong vụ việc vừa qua, dù em T. đã trở về nhưng chuyện người lạ vào tận khuôn viên trường dụ dỗ HS như lời kể của T. khiến nhiều phụ huynh lo sợ.

Phụ huynh đến tận lớp đón học sinh từ giáo viên chủ nhiệm và bảo mẫu (Ảnh chụp tại Trường Kỳ Đồng chiều ngày 13/3/2014) - Ảnh: Phùng Huy

Chín ngày sau còn phải…đi tìm hồ sơ

14g ngày 13/3, chúng tôi có mặt tại Công an P.9, Q.3 đúng lúc một trinh sát hình sự (đề nghị được giấu tên) phụ trách địa bàn P.9 cũng có mặt. Do chín ngày trôi qua chưa hề nắm được vụ việc nên người này yêu cầu công an phường cung cấp hồ sơ để báo về ban chỉ huy công an quận.

Lúc này, Trung tá Lâm Văn Phương, Trưởng công an phường đang bận họp. Người phụ trách địa bàn sau một hồi tìm kiếm hồ sơ không thấy cũng phải ngồi đợi ở bàn trực ban. Công an viên phụ trách tiếp dân tên C. (số hiệu 287908) sau khi được chúng tôi yêu cầu đã mở sổ trực ban ngày 5/3 ra xem, nhưng không thấy ghi chép về vụ việc.

Trong sổ trực ban, trước khi chuyển sang mục ghi chép của ngày 6/3 có để trống nhiều dòng. Được biết người giữ hồ sơ là Đào Xuân Thành đang đi học ở Thủ Đức. Trước đó, có thông tin Thành đã giao hồ sơ cho cán bộ công an phường tên Nguyễn Văn Riết (người phụ trách khu vực Trường tiểu học Kỳ Đồng). Phóng viên gặp Trung tá Lâm Văn Phương và đề nghị cung cấp thông tin về vụ việc. Tuy nhiên, Trung tá Phương nói: “Chúng tôi đang điều tra, có gì lên hỏi công an quận”.

Luật sư Phạm Tấn Thuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: “Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự và Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004 (sửa đổi bổ sung năm 2006, 2009) thì cơ quan điều tra trong công an nhân dân và viện kiểm sát các cấp phải tổ chức trực ban hình sự để tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; phân loại và chuyển ngay cho các đơn vị có thẩm quyền giải quyết”.

Theo luật sư Tấn Thuấn, trong vụ việc mà Báo Phụ Nữ đề cập, dù may mắn chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng với cháu T. như vụ án vừa qua ở Q.Bình Tân nhưng các dấu hiệu của vụ việc đã cho thấy tính chất nguy hiểm, phức tạp. Công an P.9 là đơn vị đã nhận tin báo tố giác tội phạm nhưng đã thiếu trách nhiệm vì không chuyển hồ sơ lên cơ quan có thẩm quyền (Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Q.3) giải quyết.

 Nhóm PV CTXH

www.phunuonline.com.vn

bắt cóc học sinh, nghi án bắt cóc, trung tâm thành phố


      © 2021 FAP
        818,886       217