Xã hội

Nâng cao tầm vóc người Việt: Nhà trường giữ vai trò chủ đạo

PNO - Sáu mục tiêu chiến lược của đề án “Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030” cho thấy vai trò tối quan trọng của nhà trường trong việc cải thiện và nâng cao tầm vóc người Việt Nam.

Đề án được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt ngày 28/4/2011. Đây là cơ sở và hành lang pháp lý để các bộ ngành chức năng chung tay thực hiện phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam trong 20 năm tới, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Sáu mục tiêu chiến lược của đề án gồm: chương trình chăm sóc bà mẹ mang thai và trẻ dưới 5 tuổi, triển khai chương trình sữa học đường, cùng việc thí điểm thực hiện chế độ chăm sóc dinh dưỡng đối với học sinh mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông…

Phát triển tầm vóc người Việt, còn nhiều hạn chế

Để thay đổi thể trạng và tầm vóc của người Việt Nam, không cách nào khác là phải thay đổi thói quen, ý thức và công tác chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ của các bậc phụ huynh, chương trình hành động, chăm sóc cho bà mẹ mang thai và học sinh trong độ tuổi trưởng thành. Phạm vi ảnh hưởng của đề án là rất lớn, bởi tác động trực tiếp tới hàng chục triệu trẻ em, thanh - thiếu niên, học sinh - những chủ nhân tương lai của đất nước trong nhiều năm, hướng tới việc tạo nên sự tiến bộ rõ ràng về thể chất của người dân Việt Nam trong những thập niên tới.


Độ tuổi của HS tiểu học là độ tuổi bản lề trong việc phát triển thể trạng, trí tuệ của trẻ

Theo kết quả điều tra của các cơ quan chức năng, mặc dù thể lực và tầm vóc người Việt Nam đã có được bước phát triển khá trong những năm gần đây, nhưng so với các tiêu chuẩn chung của quốc tế thì vẫn còn khiêm tốn, thua kém nhiều nước ngay trong khu vực như Thái Lan, Singapore hay châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... So với chuẩn quốc tế, nam thanh niên VN kém 13,1cm (163,7cm so với 176,8cm), nữ thanh niên kém 10,7cm (153cm so với chuẩn quốc tế là 163,7cm). Tố chất thể lực của thanh niên Việt Nam cũng bị xếp vào loại kém (thậm chí rất kém nếu so với chuẩn quốc tế hay Nhật Bản)...Bởi vậy, nếu chậm được khắc phục, tình trạng này sẽ ảnh hưởng xấu tới chất lượng nguồn nhân lực trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng như công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Công tác phát triển thể lực và tầm vóc người Việt Nam có ý nghĩa quan trọng như vậy, tuy nhiên theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia, trong thực tế, nhận thức của xã hội nói chung đối với vai trò, vị trí và ý nghĩa của công tác này còn nhiều hạn chế và chưa đầy đủ. Nhiều gia đình Việt Nam dù có thay đổi nhận thức nhưng chỉ chú ý chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ nhỏ dưới 5-6 tuổi và ít chú ý chăm sóc thường xuyên cho trẻ khi đến tuổi đi học. Đa số các gia đình chưa được trang bị kiến thức chăm sóc dinh dưỡng hợp lý cho thanh, thiếu niên, nhi đồng từ 6-18 tuổi. Đội ngũ giáo viên và cha mẹ học sinh hầu như chưa được trang bị những kiến thức cần thiết về công tác giáo dục thể chất cũng như tầm quan trọng của việc chăm sóc TDTT cho thanh thiếu niên, nhi đồng. Học sinh không được trang bị đầy đủ về tri thức và kỹ năng vận động hợp lý… khiến công tác nâng cao tầm vóc người Việt vẫn còn gặp khó. Đặc biệt, nhiều gia đình ở nông thôn, miền núi chưa được hướng dẫn đầy đủ về phương pháp để có thể tự cung cấp về dinh dưỡng khi tỉ lệ đói nghèo vẫn còn cao.


Một hoạt động văn thể mỹ của HS

Nói về sự hạn chế này, bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TPHCM phân tích: Một thực trạng rõ ràng là bấy lâu nay, chúng ta thiếu các giải pháp đồng bộ về dinh dưỡng, TDTT; trong khi đó nhận thức, thói quen của người dân trong rèn luyện thân thể, dinh dưỡng và môi trường sống còn nhiều hạn chế. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành cũng chưa đồng bộ, nhịp nhàng. Đặc biệt, kinh phí để thực hiện Đề án cũng rất hạn hẹp (trước mắt chủ yếu từ nguồn ngân sách); cơ chế, chính sách, chế độ chi tiêu cũng chưa thông thoáng và rõ ràng; chưa có cơ chế đặc thù về tài trợ từ cộng đồng và xã hội...Những hạn chế trên cho thấy, việc giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội, thông qua đó làm thay đổi hành vi xã hội để thực hiện mục tiêu phát triển thể lực, tầm vóc người dân Việt Nam là rất cần thiết.

Để khắc phục những hạn chế, bà Diệp cho rằng cần sớm hình thành phong trào của toàn xã hội chăm lo phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam. Trong đó, mở rộng các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí lành mạnh giúp con người phát triển hài hòa về thể lực, trí lực và tâm lực. Tuyên truyền việc tăng cường chăm sóc sức khỏe trẻ em, người chưa thành niên và thanh niên, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nhà trường, “xương sống” cho sự thành công của đề án

Có thể nói, ngành giáo dục và các cơ sở giáo dục đóng vai trò tối quan trọng trong việc cải thiện và nâng cao tầm vóc người Việt. Chính phủ đã và đang triển khai hàng loạt các chương trình mang tính chiến lược gắn với nhà trường, nhằm tạo một sự đột phá mạnh mẽ cho đề án cải thiện và nâng cao tầm vóc người Việt Nam. Ngoài chương trình sữa học đường cho học sinh mầm non và tiểu học, thực hiện chế độ chăm sóc dinh dưỡng đối với học sinh các cấp, Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ y tế xây dựng bộ đánh giá hiệu quả về dinh dưỡng đối với trẻ em và học sinh từ 3 tuổi đến 18 tuổi…Điều đó cho thấy trường học nắm giữ vai trò “ xương sống” của đề án trong việc phát triển, nâng cao tầm vóc người Việt.

Các nghiên cứu cho thấy, sự phát triển mang tính vượt trội về thể chất và chiều cao của trẻ là trong độ tuổi từ 5-10. Vì thế, ngoài các yếu tố tối cần thiết như chế độ dinh dưỡng phù hợp, sữa, các vi chất và môi trường cho trẻ hoạt động phù hợp thì vai trò của nhà trường trong việc xây dựng bộ thực đơn chuẩn cũng góp phần không nhỏ trong việc hình thành và cải thiện tầm vóc trẻ.


Ngoài dinh dưỡng, rèn luyện thân thể là hoạt động quan trọng để phát triển thể chất và tinh thần

Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Trưởng phòng GDMN Sở GD&ĐT THCM cũng nhìn nhận vai trò quan trọng của ngành trong việc giúp học sinh hình thành những nền tảng cơ bản đầu tiên trong quá trình phát triển thể chất. Bà cho biết, hiện các cơ sở giáo dục MN tại TPHCM đều có biểu đồ theo dõi thể trạng, tình hình suy dinh dưỡng, béo phì của trẻ khi các em bắt đầu đi học. Đặc biệt, các bộ thực đơn cho trẻ tại các trường đều có sự phối hợp và tư vấn từ Trung tâm dinh dưỡng TP nhằm đảm bảo cung cấp các vi chất và dinh dưỡng phù hợp nhất cho trẻ.

“Các vi chất dinh dưỡng có vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển toàn vẹn về thể lực và trí tuệ của trẻ lứa tuổi học đường, đặc biệt trẻ vị thành niên. Các thiếu hụt vi chất dinh dưỡng phổ biến nhất, có ảnh hưởng rõ rệt lên năng lực và thành tích học tập của trẻ lứa tuổi học đường bao gồm: iốt, sắt và vitamin A. Thiếu máu không chỉ gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển thể lực, tới quá trình dậy thì bình thường của trẻ, mà còn làm giảm năng lực học tập của trẻ. Theo đó, một trong những vấn đề dinh dưỡng mới nảy sinh hiện nay là hiện tượng gia tăng nhanh chóng của tình trạng thừa cân, béo phì… chúng tôi đặc biệt quan tâm và có nhiều giải pháp can thiệp sớm. Bởi nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển thể trạng của trẻ, mà còn khiến cho công tác cải thiện chất lượng dân số gặp khó”-bà Dung nói.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng GD Tiểu học, Sở GD&ĐT TPHCM chia sẻ: Độ tuổi của học sinh tiểu học là độ tuổi bản lề trong việc phát triển thể trạng, trí tuệ của trẻ. Các vấn đề thường xảy ra với trẻ vị thành niên là thiếu dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng và các bệnh mạn tính liên quan tới dinh dưỡng. Tầm quan trọng của những vấn đề này có sự khác biệt lớn, thậm chí ngay trong một vùng hoặc một quốc gia và liên quan trực tiếp tới các ưu tiên. Trẻ vị thành niên là giai đoạn mở đầu một cơ hội chuẩn bị về dinh dưỡng cho cuộc sống lúc trưởng thành khoẻ mạnh. Do đó, ngoài các chương trình sữa học đường, chế độ chăm sóc dinh dưỡng mang tầm Quốc gia, ngành giáo dục TP còn phối hợp với tập đoàn Ajinomoto (Nhật Bản) xây dựng bộ thực đơn chuẩn cho học sinh bán trú, đồng thời phối hợp với ngành TDTT xây dựng nhiều hoạt động thể thao học đường, giúp học sinh có không gian, điều kiện và môi trường vận động, rèn luyện thân thể.

Nói về vai trò của nhà trường trong việc phát triển thể chất, nâng cao tầm vóc dân số, bà Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TPHCM cho rằng: Nhà trường tại các đô thị lớn hiện nay giữ 80% vai trò phát triển thể trạng, thể chất cho trẻ. Ngoài các bộ thực đơn chuẩn với lượng kalo phù hợp, sữa, các vi chất mà bữa ăn học đường cung cấp, học sinh còn được hoạt động và rèn luyện thân thể thông qua các môn TDTT.

Tuy chưa thật sự hoàn thiện, sân chơi thể thao còn thiếu, nhưng với sự quan tâm đầu tư đồng bộ, sự phối hợp ngày càng chặt chẽ giữa ngành giáo dục với ngành TDTT, với trung tâm dinh dưỡng…học sinh ngày càng có điều kiện phát triển thể chất tốt hơn.

TIẾN NGUYỄN

Đề án “phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030”được thực hiện trong 20 năm, chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 2011-2020 thực hiện thí điểm giải pháp đồng bộ về dinh dưỡng và thể dục thể thao. Giai đoạn 2 từ 2021-2030 sẽ thực hiện mở rộng trong phạm vi toàn quốc.

Theo đó, mục tiêu cải thiện tầm vóc thân thể của thanh niên Việt Nam như sau: Đối với nam 18 tuổi, năm 2020 có chiều cao trung bình 167cm và đến năm 2030 chỉ số này là 168,5 cm. Đối với nữ 18 tuổi, năm 2020 chiều cao trung bình là 156 cm và đạt 157,5 cm vào năm 2030. Nhiệm vụ cải thiện thể lực được đặc biệt chú trọng là sức bền và sức mạnh của thanh niên. Trong đó, năm 2020 khả năng chạy tùy sức 5 phút của nam 18 tuổi được tính trong quãng đường trung bình đạt 1.050 mét, chỉ số này ở nữ 18 tuổi là trong quãng đường trung bình đạt 850 mét.

Bên cạnh đó, Đề án đặt mục tiêu tăng cường chăm sóc sức khỏe trẻ em, người chưa thành niên và thanh niên nhằm giảm thiểu các bệnh tim mạch, bệnh béo phì, bệnh gây bất thường về chiều cao thân thể, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

www.phunuonline.com.vn

Nâng cao tầm vóc, người Việt, Nhà trường, vai trò chủ đạo


      © 2021 FAP
        820,506       1,949