Xã hội

Kính thưa...

PNCN - Hồi còn trẻ, tôi có làm công việc viết và đọc. Tôi cũng không hiểu tại sao, vì cái đường chữ nghĩa của tôi không được bao nhiêu mà ở cơ quan, đơn vị nào tôi công tác, tôi đều bị thủ trưởng biểu viết báo cáo

Lần lần, thủ trưởng cần nói gì, tôi đều phải viết nội dung về các sự kiện hoặc những ngày lễ của đất nước, lễ khai mạc học nghị quyết ở trên gửi xuống, khai mạc các lớp chuyên môn y tá, y sĩ, nữ hộ sinh... Có lúc, tôi viết thường xuyên mỗi đêm cho trưởng đoàn ca múa miền Tây quê tôi, khi đậu ghe tới vùng mới giải phóng hoặc sắp giải phóng, tôi đều viết như cái máy kính thưa liên tục.

Rồi Sài Gòn giải phóng không được bao lâu, bỗng dưng hằng tuần tôi phải đến các nhà văn hóa để kính thưa, mở màn giới thiệu các làn điệu dân ca Nam bộ. Hễ thấy mặt tôi, tôi chưa kịp kính thưa, không cần năn nỉ xin xỏ những tràng vỗ tay như sấm sét, thì cả hội trường đều nhốn nháo xầm xì, tôi giống em gái ông Trần Văn Khê!

Nói chung, nhận sô đối tượng nào, tôi cũng phải viết lời nói đầu, đề cao tính ưu việt của đối tượng đó; không phải chỉ đề cao suông mà phải học các bài dân ca phù hợp. Thí dụ như đối tượng là chị em thì phải nói vè kén chồng, Lý nàng dâu, Lý đi cấy, Lý áo vá quàng, Lý trái mướp. Đối với trẻ con thì Tập tầm vông, Lý cây dừa, Rồng rắn lên mây, Trò chơi đánh đũa...

Đêm đêm, nằm gần thầy xã chuyên trách sưu tầm dân ca, nhưng ổng đâu có khổ như tôi, ổng thở phì phì, còn tôi cứ lăn qua trở lại hết lẩm nhẩm kính thưa, lại thì thầm hát hò, vè, lý nửa ngủ nửa thức, mơ mơ màng màng riết, chờ nghe tiếng xe đạp cót két đi bỏ báo ở các sạp, tiếng xe đổ rác bốc mùi... biết là trời sáng, sửa soạn lên đường kính thưa đây!

Con gái chạy theo ngắm mẹ, có cái áo bà ba mẹ mặc hoài, ông chồng ra cửa đưa xuống cầu thang chúc thành công tốt đẹp. Đến trưa, “diễn giả” cầm bao thư về tới tầng một lén lén hé nắp bao thư ra coi, dòm thấy có 10 ngàn, có khi 20 ngàn... kính thưa muốn xỉu, ráng lết bánh tới nấc thang 108 cuối cùng. Chồng con chạy ra đón, tế nhị không hỏi tiền thù lao, chỉ có “kính thưa” tự khoe lên dây cót cả nhà, rằng thì là xém xém 100 ngàn. Cha con nó ồ lên khen “kính thưa” hết lời.

Những tình huống kể trên kéo dài hằng chục năm với cái sự kính thưa, kèm theo hát hò tự nói tự diễn, chọc trời khuấy nước tưng bừng.

Không biết rừng thay lá đã bao mùa, tôi chuyển sang nghề viết báo cáo như đã kể ở trên.

Còn nhiều chuyện xảy ra trong cái vụ viết và đọc, cho tôi những bài học mà cho tới bây giờ khi nhắc lại vẫn còn “cười ra nước mắt”.

Đó là viết sẵn bài diễn văn cho mỗi đêm biểu diễn ca múa ở các vùng ven. Chiều chiều vỏ lãi chạy nườm nượp trên sông, các diễn viên lo ôn bài hát, lo đối đáp vai diễn... tôi thì lo kính thưa cho trưởng đoàn đọc. Chiều nào cũng phải đổi điểm diễn, pháo bầy, ép em bắn tỉa đùng đùng, xẹt xẹt, đạn pháo rớt lõm bõm xuống sông. Tôi vẫn phải ngồi trước vỏ lãi viết kính thưa đồng bào, bà con thân mến! Khi thì Cái Tắc, lúc thì Cái Chanh, lúc lại Cái Mơn, rồi Cái Sắn, Cái Nhum...

Địa danh đổi mà chương trình thì vẫn y nguyên, nên tôi cũng oải quá, bèn có sáng kiến chỉ đổi địa danh, viết phóng chừng thành tích diệt giặc lập công, tăng gia sản xuất nuôi quân... Tổ trác báo hại cái tật cứ nói hoài mấy câu “quân là cá, dân là nước”, nhân dân miền Nam anh hùng. Tới xã này, tôi kính thưa khen ngợi uy danh diệt ác phá kềm, tới vùng cài răng lược tôi khen thành tích hạ máy bay... Trưởng đoàn đọc lỡ trớn vài lần mới phát hiện ra đành tự an ủi: cũng may dân tình ham coi văn nghệ giải phóng, chớ chị viết ba xôi nhồi chõ vậy thì bà con mình chất vấn, mình nghẹn họng sặc máu chớ chẳng phải chơi!

Bởi vậy, cả mấy năm trời tôi chạy sô nói về dân ca, tuy đắt như tôm tươi, nhưng tôi luôn nhắc nhở mình, khi đứng với cái “mượn hơi” (1) nói về văn hóa của dân tộc do ông bà để lại, đừng có lấy bài Hái chè bắt bướm của Trung Quốc minh họa cho cảnh sạt sò (2) ở Đất Mũi Cà Mau. Đừng có lấy bài Trống cơm minh họa cho cảnh giặm cù bắt chuột ở Đồng Tháp Mười. Đừng có mà... mà... mà.... lấy nhạc múa sạp của đồng bào Tây Bắc mà đệm múa cho các nghệ nhân bóng rỗi miệt sông nước miền Tây...

Lê Giang

(1) Bà con gọi micro là cái “mượn hơi”.
(2) Sạt sò: cách bắt sò huyết trên bãi bùn ở ven biển.

www.phunuonline.com.vn

tản văn, Kính thưa, sưu tầm ca dao dân ca, nhà thơ Lê Giang


      © 2021 FAP
        820,713       301