Xã hội

Giật mình

PN - Cũng như với Hồ Gươm hay bất kỳ dự án nào đụng tới những di tích lịch sử lớn của thủ đô đều làm cả nước giật mình. Không ai có thể yên tâm qua những gì người ta thấy Hà Nội đã làm với Hồ Gươm

Công luận cả nước đang nóng lên vì những phương án của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Hà Nội về cầu Long Biên. Bởi vì, là một nét nhấn kiến trúc độc đáo bậc nhất của thủ đô bên sông Hồng, nó không chỉ là cây cầu mà là danh thắng. Vắt qua ba thế kỷ, làm nhân chứng cho 100 năm với nhiều biến cố lớn lao của đất nước, nó là di tích lịch sử, là ký ức của thủ đô, của dân tộc. Cầu Long Biên khởi thủy mang tên Paul Doumer, được thiết kế bởi người Pháp, trước hết vì lợi ích của người Pháp.

Cầu Long Biên. Nguồn ảnh: duongbo.vn

Nhưng cây cầu hơn trăm năm tuổi ấy được làm nên bởi người thợ Việt Nam, không những đổ mồ hôi mà còn hy sinh cả tính mạng. Nó ăn nhập với Hà Nội và sông Hồng đến lạ lùng! Uyển chuyển như một tà áo dài, nó tạo được một vẻ đẹp hài hòa rất đặc trưng không những vào thời nó mới ra đời mà cho tới hôm nay. Là công trình bằng sắt thép lớn nhất Đông Dương thời đó, được ca ngợi là độc đáo nhất Viễn Đông, cây cầu 19 nhịp cũng là biểu tượng nối liền một đất nước nông nghiệp thuần túy với thời kỳ vươn ra thế giới công nghiệp hiện đại.

Và đặc biệt, cầu Long Biên đã cùng nhân dân trải qua 30 năm chiến tranh và can qua. Nó chứng kiến cuộc hành quân thần kỳ của trung đoàn Thủ đô năm 1946 và phút cuốn cờ của chủ nghĩa thực dân lỗi thời chín năm sau đó. Nó gắn liền thiết thân với bao kỷ niệm không chỉ của người dân Hà Nội, đã oằn mình chịu đựng 14 đợt bom đạn cùng quân dân thủ đô và mang trên mình những vết thương chí tử.

Nhưng cầu Long Biên chưa bao giờ chết, chưa bao giờ lỗi thời về vẻ đẹp kiến trúc. Nó đang sống trong tâm thức nhân dân, trong kho tàng ký ức Đông Dương của người Pháp, nó phải được tiếp tục sống. Nó vẫn đẹp dù tuổi đã cao và mang quá nhiều thương tích. Đụng tới nó là tâm thức người Việt Nam giật thót cũng dễ hiểu.

Chính vì những lẽ đó mà việc sửa chữa, khôi phục cầu Long Biên không thể chỉ giao phó cho những kỹ sư cầu đường và những người “say mê” làm dự án. Phải đối xử với nó như một trong những danh thắng và di tích văn hóa lịch sử quan trọng nhất của thủ đô.

Bộ GTVT, với cái nhìn rất “kinh tế” của mình đã đề ra ba phương án sửa chữa cầu Long Biên. Người dân không thể nín cười và thậm chí nhiều người phẫn nộ khi nghe phương án một. Theo phương án này, người ta sẽ vô tư “giết” cây cầu đang sống, đang thở rồi phục dựng lại nó thành một mô hình, đặt cách xa chỗ nó từng sống hơn 100 năm để người dân “chiêm ngưỡng” như một bảo tàng! Một phương án chứng tỏ người ta muốn cổ vũ cho trò mèo “giả trang” trong trùng tu di tích, biến nhân chứng lịch sử sống động và có hồn thành vàng mã, voi giấy, ngựa giấy của phim trường. Hy vọng rằng đây chỉ là một phương án “quân xanh” với tất cả sự điên khùng và thấp kém về tầm văn hóa của nó chỉ để đối chứng và mong chính Bộ GTVT sẽ nhanh chóng vứt nó vào sọt rác.

Bất luận thế nào, với một di tích quan trọng như cầu Long Biên thì chuyện tốn kém giải phóng mặt bằng, ưu thế kinh tế phải nhường bước cho việc bảo tồn nguyên trạng. Một chuyên gia, GS-TS Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, cho rằng nên chấp nhận phương án hai, theo đó, làm mới lại cầu Long Biên với hình dáng của nó trước đây cho tất cả 19 nhịp, vẫn giữ nguyên mặt cắt ngang của cầu với hai cánh gà cho xe cơ giới và người đi bộ, giữa là đường sắt đô thị (không vận chuyển hàng hóa). Hà Nội vẫn sẽ được tự hào có cầu Long Biên như từng có.

Dư luận ủng hộ ý kiến xác đáng này. Bởi vì, tiền bạc hay lợi ích kinh tế là tạm thời, di tích lịch sử là vĩnh viễn, chỉ có một, không thể tái sinh, không thể làm “giả cổ” một cách ngô nghê! 

 Nguyễn Quang Thân

www.phunuonline.com.vn

Suy nghĩ cuối tuần, cầu Long Biên, phá cầu Long Biên, xây mới


      © 2021 FAP
        820,713       1,142