Xã hội

Đề xuất đổi tên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

PNO - Các thầy cô giáo của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM kiến nghị Bộ GD-ĐT cho đổi tên trường thành Trường Quốc gia Sư phạm TP.HCM.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Dân Trí.

Tại buổi làm việc, các thầy cô giáo của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM kiến nghị Bộ GD-ĐT cho đổi tên trường thành Trường Quốc gia Sư phạm TP.HCM; cho thành lập hệ thống các trường thực hành sư phạm từ mầm non đến trung học phổ thông ở cả trong và ngoài TP.HCM để tạo thành mạng lưới thực hành của các trường sư phạm.

Theo đánh giá của các chuyên gia, những thay đổi của các trường sư phạm lâu nay luôn đi chậm so với thực tế ở các trường phổ thông, trong khi lẽ ra phải ngược lại, phương pháp giảng dạy ở trường sư phạm phải là hình mẫu cho trường phổ thông. Trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông, để đào tạo GV đáp ứng được những thay đổi ở phổ thông, trường sư phạm cần phải có những thay đổi lớn.

Về mô hình, các thầy cô giáo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM xác định sẽ phải kết hợp các mô hình đào tạo GV, trước mắt là tuyển chọn và đào tạo liền mạch 4 năm và đào tạo những người đã có bằng cử nhân CĐ hoặc ĐH, thời gian đào tạo từ 1,5 - 2 năm. Việc đào tạo GV phải hướng đến đào tạo văn bằng đôi như lý - hóa, hóa - sinh, sinh - địa, sử - giáo dục công dân… để sau khi ra trường, GV có thể dạy được các môn kết hợp trong nhà trường phổ thông.

Theo đó, chương trình đào tạo sẽ được rút gọn, bỏ những phần và những môn không quan trọng, lạc hậu, xa rời thực tế, đồng thời bổ sung, cập nhật những nội dung thiết thực; chú trọng phát triển các năng lực nền tảng cho SV; mạnh dạn áp dụng các chuẩn mực quốc tế về năng lực GV như khả năng sử dụng công nghệ thông tin và tiếng Anh, triển khai chuẩn ngoại ngữ cho SV không chuyên cũng như chuẩn bị cho GV các môn khoa tự nhiên giảng dạy một số chuyên đề/ môn học bằng tiếng Anh… nhằm đào tạo ra những GV đáp ứng được yêu cầu đổi mới.

Để hiện thực hóa kế hoạch trên, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sẽ thành lập một ban “chuyên trách đổi mới” gồm lãnh đạo trường, các khoa và một số nhà giáo có hiểu biết sâu về giáo dục Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế, để nghiên cứu và đề xuất mô hình, phương thức tuyển sinh - đào tạo mới, cấu trúc lại mô hình các khoa, đổi mới chương trình và chỉ đạo triển khai đổi mới…Nhóm này sẽ có bộ phận làm việc chuyên nghiệp, tập trung và thường xuyên. Sau khi đề án được hoàn chỉnh, sẽ triển khai xuống cấp khoa để thực hiện.

Minh Nhật

www.phunuonline.com.vn

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đổi tên trường, đổi mới căn bản toàn diện


      © 2021 FAP
        820,839       1,244