Xã hội

Điểm tựa cho chị em bị bạo hành

PN - Mộc mạc, bình dị nhưng cũng rất nghiêm khắc, bà Nguyễn Tất Linh (SN 1958), Tổ trưởng tổ phụ nữ 3, KP.Phước Hiệp, P.Trường Thạnh, Q.9, TP.HCM từ lâu đã trở thành tấm gương sáng về “dân vận khéo”

Một đêm tháng 9/2013, đang ngủ say thì bà Linh nghe tiếng la hét bên ngoài. Choàng tỉnh, bà bàng hoàng thấy chị P. hớt ha hớt hải chạy lại xin tá túc vì chồng chị say, đập phá đồ đạc trong nhà. Vừa động viên, an ủi chị P., bà vừa gọi điện thoại cho các anh dân phòng đến hỗ trợ. Khi chồng chị P. thôi không đập phá và lấy lại được bình tĩnh, bà đưa chị về nhà. Sau hôm đó, bà hay ghé thăm anh chị, khi tuyên truyền hoạt động Hội, khi khuyên anh Ph. (chồng chị P.) hạn chế rượu, chí thú làm ăn bởi: “Những đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề về tinh thần nếu cứ thấy cảnh cha say xỉn, đánh đập mẹ. Hơn nữa, nóng giận đập phá đồ đạc rồi thì chính mình phải nai lưng ra làm việc để mua lại chứ ai cho đâu”.

Bà nói riết rồi từ chỗ thấy khó chịu, thấy ghét bà, anh Ph. đâm ra quý mến. Anh làm thợ hồ, chị P. bán khoai lang, nhà có hai đứa con đang tuổi ăn học nên chẳng khá giả gì. Dù vậy, khi khoảng thời gian “cơm không lành, canh không ngọt” qua đi, cả nhà chị P. sống rất hòa thuận, êm ấm. Bản thân chị cũng tích cực tham gia phong trào Hội, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với chị em trong tổ Hội.

Là tổ phó “Tổ tư vấn cộng đồng”, bà Linh đã trực tiếp tư vấn và hướng dẫn giải quyết mâu thuẫn cho nhiều trường hợp có liên quan về hôn nhân gia đình, tranh chấp dân sự. Trong đó, chuyện gia đình chị L. khiến bà nhớ nhất. Bà Linh kể: “L. hiền và chất phác lắm. Thân phụ nữ, vừa đi làm nuôi hai đứa con, chăm sóc mẹ già, vừa phải hứng chịu cảnh chủ nợ của chồng đến đòi liên miên”. Trước đây, chị L. buôn bán, sau chuyển qua làm bảo vệ cho một công ty. Chồng chị làm nghề tự do, anh lại bài bạc, ăn chơi dẫn đến nợ nần chồng chất. Chị muốn ly hôn nhưng chồng chẳng chịu ký đơn nên tình cảnh rối ren của chị cứ kéo dài hơn một năm ròng.

Biết chị khó khăn, bà Linh luôn tới nhà thăm, động viên. Ban đầu, chị giấu nhẹm chuyện nhà, mãi sau này mới dám thổ lộ. Nhờ đó, chị được “Tổ tư vấn cộng đồng” hỗ trợ, mạnh dạn làm đơn xin đơn phương ly hôn và được giải quyết hồi tháng 9/2013. Chị L. bộc bạch: “Dạo trước, tôi luôn sống trong nơm nớp lo sợ, còn giờ thì nhẹ nhõm, thanh thản lắm. Tôi biết ơn cô Ba (bà Linh - PV) rất nhiều. Cô gần gũi, thân thiện và luôn hết lòng vì chị em thiệt thòi ở địa phương. Nhờ có cô mà tôi mạnh dạn mở lòng, tin tưởng vào Hội và đang bắt đầu một cuộc sống mới bình yên hơn”.

Vợ chồng bà Linh chăm sóc đàn chim bồ câu tại nhà

Được Hội LHPN Q.9 giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà bà Linh vào một buổi sáng cuối tuần. Bà và chồng (ông Dương Văn Ngọc, SN 1956) đang chăm chú cho đàn chim bồ câu ăn. Bà Linh bảo, nhờ chồng luôn ủng hộ mà bà có thời gian, tâm trí cho hoạt động Hội. Bà gắn bó với nghề bán bún, phở ngót nghét 30 năm. Năm 2007, ông Ngọc bàn với vợ nghỉ ngơi vì con cái đã trưởng thành. Ngay sau đó, bà được chị em trong khu phố, phường vận động vào Hội. Ngoài vai trò tổ trưởng tổ phụ nữ, bà còn là tổ trưởng tổ dân phố, cộng tác viên dân số, dinh dưỡng của phường. Bà Linh bình dị, đi đến đâu cũng được bà con thương mến.

Để góp phần cùng địa phương bảo vệ những nạn nhân bị bạo lực gia đình, bà đã vận động các thành viên trong nhà đồng ý xây dựng “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” tại nhà mình. Ngoài ra, bà cũng thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng đi kiểm tra, tuyên truyền hạn chế sử dụng túi ni lông, không lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán, gây mất trật tự giao thông... Chính bà đã vận động hai hộ dân bàn giao mặt bằng để xây dựng cửa hàng bình ổn giá phục vụ cho công nhân, lao động tại khu phố Phước Hiệp. Đồng thời, vào cuối tuần, bà lại cùng chị em xách cuốc, xẻng ra đường dọn dẹp rác, phát quang bụi rậm. Bà Linh tâm sự: “Nhiều bữa, tôi bận rộn công việc thì chồng tôi ở nhà lo cơm nước giúp. Ông ấy luôn động viên, khích lệ nên tôi thấy an tâm. Tôi tự nhủ, còn sức là còn gắn bó với Hội. Điều tôi mong mỏi lớn nhất là chị em, đặc biệt là những chị bị bạo hành hãy mạnh dạn, chủ động và tin tưởng vào Hội”.

Ghi nhận những đóng góp thiết thực của bà Linh cho phong trào Hội và công tác dân vận, năm 2013, bà đã được tuyên dương cá nhân điển hình “Dân vận khéo” cấp thành. Chị Tăng Thị Thùy Trang, Phó Chủ tịch Hội LHPN P.Trường Thạnh nhận xét: “Cô Linh là cánh chim đầu đàn của phong trào Hội tại địa phương. Với tinh thần trách nhiệm cao, cô đã gắn kết chị em hội viên với Hội và giúp nhiều người vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống”.

 MẪN NHI

www.phunuonline.com.vn

Điểm tựa, chị em bị bạo hành


      © 2021 FAP
        821,071       2,009