Xã hội

Đóng cửa 207 ngành học: Rối loạn từ trường đến thí sinh

PN - Việc Bộ GD-ĐT đưa lời “cảnh báo” sẽ đóng cửa hơn 200 ngành học bậc đại học (ĐH) do không đủ tiêu chuẩn đào tạo khiến dư luận khấp khởi mừng trước quyết tâm của Bộ trong việc chỉnh đốn chất lượng đào tạo.

Rối...

Công văn 452 của Bộ GD-ĐT cảnh báo sẽ đóng cửa 207 ngành ở bậc ĐH khiến nhà tuyển sinh lẫn thí sinh đều đứng ngồi không yên. Nhiều sinh viên năm nhất ngành xã hội học của Trường ĐH Văn Hiến thật sự hoang mang vì vừa trúng tuyển chưa bao lâu đã nghe ngành mình đang học bị đóng cửa, không biết rồi sẽ ra sao. Nếu ngành học bị “khai tử" thật thì sau này cầm bằng tốt nghiệp đi xin việc không biết có ai nhận không. Việc công bố đóng cửa ngành rầm rộ khiến học sinh THPT trước ngưỡng cửa chọn ngành cũng rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Chị Thanh Kiều (Q.Tân Bình, TP.HCM) có con đang học tăng cường tiếng Nhật (TCTN) Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai lo lắng: Số ngành cho những cháu yêu thích và học TCTN lựa chọn ở bậc ĐH rất hạn chế. Số trường uy tín càng hiếm hơn, quanh đi quẩn lại chỉ có ĐH KHXHNV và ĐH Sư phạm TP.HCM nhưng chỉ tiêu rất ít. Giờ đóng luôn ngành này của Trường ĐH Sư phạm, học sinh TCTN của THPT Lê Quý Đôn, Nguyễn Thị Minh Khai... phải chen nhau vào ĐH KHXHNV, chịu sao nổi?

Không chỉ người học hoang mang, cả nhà tuyển dụng cho những ngành đặc thù cũng lo lắng. Điển hình như ngành Hải dương học, cả khu vực phía Nam gần như chỉ có Trường ĐH KHTN (ĐH Quốc gia TP.HCM) “độc quyền” đào tạo trình độ ĐH cung cấp nhân lực cho ngành, mỗi năm cũng chỉ tuyển vài chục chỉ tiêu. Các viện nghiên cứu luôn phải trong tình trạng “bắt người” tận gốc. Nếu lò đào tạo này cũng bị đóng cửa thì ngành hải dương học trong tương lai gần sẽ không có người làm việc. Một trường hợp khác là ngành Kinh tế gia đình cũng trong tình trạng khát nhân lực, TP.HCM và nhiều địa phương luôn trong tình trạng thiếu giáo viên phụ trách hướng nghiệp, dạy nghề nữ công gia chánh ở bậc THCS. Nơi duy nhất đào tạo chính quy ngành học này là Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM với 60 chỉ tiêu mỗi năm, trong đó có gần 2/3 sinh viên ra trường lại đi theo hướng kinh doanh, nên nhân sự ngành này luôn luôn thiếu.

Chưa kể, việc Bộ ban hành lệnh “đóng cửa” ngay trước thời điểm thí sinh lựa chọn ngành nghề dự thi đã khiến các trường trở tay không kịp trong công tác tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh. Chuyên viên tuyển sinh của một trường ngoài công lập nói: Đây là thời điểm cực kỳ quan trọng, hầu hết các trường đều đẩy mạnh tư vấn, tiếp thị hình ảnh đến người học. Đùng một cái, Bộ nói đóng cửa ngành. Dù là ngành học họ nhắm đến không bị đóng, nhưng khi nghe trường không đủ giảng viên phải đóng cửa ngành thì uy tín của trường cũng bị ảnh hưởng.

TS Nguyễn Kim Quang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH KHTN (ĐH Quốc gia TP.HCM) tư vấn lựa chọn ngành nghề
cho học sinh phổ thông tại ĐH Bách Khoa sáng ngày 16/2 - Ảnh: Trần Huy

Đóng cửa ngành vì… nhầm số liệu?

Một nhà đào tạo nói: “Đi tư vấn với các báo, thí sinh hỏi ngành có đóng cửa không, thật chúng tôi không biết trả lời ra sao, vì số liệu giảng viên mà Bộ đưa ra không khớp với số thực tế của trường nên có thể đó là… lệnh đóng cửa nhầm”.

Sự rối ren trên là do cách làm thiếu khoa học, dẫn đến những lỗi cơ bản như không khớp số liệu giữa trường báo cáo và Bộ, vì vậy, khi danh sách vừa công bố đã lập tức vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ. Nhiều trường “giật mình” khi bị nhắc tên, dù mình không có ngành học đó. Thậm chí, nhiều trường khẳng định số giảng viên mà Bộ thống kê đã “lỗi thời” so với tình hình thực tế nên bị đóng oan. Từ Trường ĐH Hà Tĩnh đến ĐH Phương Đông, ĐH Kiến trúc TP.HCM đều lên tiếng vì “sự cố" vênh số liệu. Mới đây, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ GD-ĐT để chứng minh đủ điều kiện giảng viên giảng dạy theo quy định của Thông tư số 8/2011 của Bộ. Theo đó, hai ngành có nguy cơ bị đóng cửa là ngành thiết kế đồ họa và thiết kế thời trang đều có thâm niên gần 20 năm. Đội ngũ giảng viên có bằng thạc sĩ của ngành thiết kế đồ họa là 10, trong đó có hai người đang học nghiên cứu sinh; ngành thiết kế thời trang là bốn thạc sĩ. Trường này cho rằng, ngoài lực lượng giảng dạy chuyên ngành còn có đội ngũ giảng viên cơ hữu tham gia giảng dạy khối kiến thức đại cương và cơ sở ngành nên đáp ứng đúng tỷ lệ giảng viên/sinh viên của Bộ.

TS Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban ĐH và sau ĐH (ĐH Quốc gia TP.HCM) nói, ĐH Quốc gia TP.HCM có bốn ngành nằm trong danh sách gồm ngôn ngữ Tây Ban Nha; ngôn ngữ Italia; Hán Nôm (ĐH KHXHNV) và ngành Hải dương học (ĐH KHTN). ĐH Quốc gia TP khẳng định luôn tuân thủ các điều kiện về đảm bảo chất lượng, chỉ là chưa có sự thống nhất trong báo cáo của Bộ GD-ĐT về số liệu thống kê đội ngũ giảng viên. Đội ngũ giảng viên ngành Hải dương học có đến ba tiến sĩ, năm thạc sĩ và ba trình độ ĐH; ngành ngôn ngữ Italia có một tiến sĩ, năm thạc sĩ và một ĐH; ngành ngôn ngữ Tây Ban Nha có một phó giáo sư, năm thạc sĩ và một ĐH. Riêng Hán Nôm chỉ là chuyên ngành trong ngành văn học được đào tạo tại Khoa Văn học và ngôn ngữ. Do đó, việc Bộ công bố đóng cửa ngành Hán Nôm là chưa chính xác. Trường đã rà soát, hoàn thiện và giải trình các số liệu đầy đủ theo yêu cầu của Bộ.

Đứng ở góc độ nhà đào tạo, TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Quản trị chiến lược, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM nói: Nếu có lộ trình thì mọi việc sẽ không rối. Các trường xây dựng chỉ tiêu, ngành nghề dự kiến xong gửi lên Bộ, bất ngờ nhận được phản hồi như vậy thì đột ngột quá. Ý tưởng, mục tiêu của Bộ thì đúng, nhưng cách triển khai thì thiếu lộ trình và cứng nhắc, đặc biệt là các ngành nghề đặc thù. Cái khó hiện nay là nhiều trường đã công bố dự kiến tuyển sinh (chỉ tiêu, ngành nghề), Bộ công bố dừng. Việc này gây hoang mang cho thí sinh, nhất là đang thời điểm học sinh định hướng lựa chọn ngành thi.

Theo lý giải của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, việc dừng tuyển sinh các ngành nói trên mới chỉ là bước "cảnh cáo". Các trường sẽ phải hoàn thiện lại bộ máy giảng viên để được cho phép đào tạo những ngành này với thời hạn đưa ra của Bộ chậm nhất là cuối năm 2015. Tuy nhiên, nếu chỉ mới là “lời cảnh báo” thì việc Bộ công bố rầm rộ vào đúng trước thời điểm học sinh lựa chọn ngành nghề dự thi, là quá vội vã, thiếu khoa học, dẫn đến những rối loạn không đáng có.

 Tiêu Hà - Gia Tuệ

www.phunuonline.com.vn

Bộ Giáo dục - đào tạo, đóng cửa 207 ngành học


      © 2021 FAP
        821,109       1,633