PN - Tết đang đến gần. Với những người xa quê, ước mong lớn nhất của họ là về sum họp gia đình, đón năm mới trong không khí đầm ấm, yêu thương.
Trong một con hẻm nhỏ trên đường HT.5, P.Hiệp Thành, Q.12 TP.HCM, hỏi tên chị Nguyễn Thị Hiền, biệt danh “Hiền Quảng Bình” hầu như ai cũng biết. Đã hơn 5 năm nay, căn phòng trọ diện tích 16m2 này là nơi trú ngụ của vợ chồng chị Hiền. Lương công nhân may của vợ, cộng thêm tiền làm phụ hồ của chồng khoảng năm triệu/tháng, vợ chồng chị đã phải chật vật để duy trì cuộc sống ở mức tối thiểu. Như bao phòng trọ của công nhân xa xứ, trong phòng chị, ngoài nồi niêu xoong chảo không còn vật dụng nào có giá trị.
Chị trải lòng, vợ chồng từ miền Trung vào (chồng quê Thanh Hóa), hai bên gia đình đều nghèo. Ba năm qua, vợ chồng chị đón Tết ở nhà trọ. Tết này càng eo hẹp hơn, vì một năm nay con trai bị bệnh, không gửi nhà trẻ được nên chị phải nghỉ làm ở nhà trông con. “Tết này là cái Tết thứ hai tôi nhận được quà tết của Báo Phụ Nữ. Tết năm rồi, đúng lúc Báo tổ chức trao quà Tết thì con trai đổ bệnh, chồng đi nhận thay. Những món quà như thế này giúp những người xa xứ như chúng tôi cảm thấy ấm áp, phần nào vơi đi nỗi nhớ nhà” - chị Hiền tâm sự.
Chị Lê Thị Phương, 44 tuổi, quê ở Quảng Ngãi, thuê nhà trọ tại hẻm nhỏ đường Trường Chinh, P.14, Q.Tân Bình, là một trong những người được nhận quà của Báo Phụ Nữ trong ngày 6/1. Chị đang là công nhân may Công ty dệt may Thắng Lợi, chồng chị chạy xe ôm, thu nhập của hai vợ chồng chẳng đáng là bao, lại có con nhỏ.
Quãng đường từ TP.HCM về Quảng Ngãi cũng không phải quá xa, nhưng với đồng lương công nhân ít ỏi, 5 năm nay vợ chồng anh chị đành đón Tết xa nhà. Cảm động, vui mừng khi nhận được những món quà Tết đến sớm, chị bày tỏ: “Công nhân xa nhà cả năm không ai lại không muốn về sum họp gia đình. Nhưng tiền lương eo hẹp nên đành ở lại. Món quà nhận được là nguồn động viên tinh thần rất lớn với gia đình tôi. Mong rằng, Báo Phụ Nữ và nhà tài trợ tiếp tục duy trì tổ chức chương trình ý nghĩa như vậy”.
Phòng trọ trông tuềnh toàng, chẳng có vật dụng gì đáng giá là nơi dì Tròn đã trải qua bảy năm đón Tết xa nhà
Với nữ công nhân xa quê, có chồng chung lưng đấu cật với mình cũng bớt phần nào tủi thân khi đón Tết xa nhà. Nhưng với nữ lao động đơn thân đã có tuổi, mỗi dịp Tết đến, không có điều kiện về quê là một nỗi niềm lớn. “Tết này là cái tết thứ sáu tôi ở lại TP.HCM” - dì Hà Thị Tròn, 56 tuổi, công nhân vệ sinh của Công ty Sài Gòn Food (khu công nghiệp Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh, TP.HCM) tâm sự.
Quê dì ở xã Điền Thượng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Nhà dì nghèo khó, có đến bốn người con, nhưng ruộng đất ít phải đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Năm 2000, chồng dì Tròn bệnh đột ngột qua đời. Năm 2007, dì dắt ba người con gái vào Sài Gòn kiếm việc làm. Nhà cửa giao lại cho người con trai lớn chăm nom. Ba mẹ con thuê một căn phòng trọ tại ấp 5, xã Vĩnh Lộc A để trú ngụ.
Rồi hai người con gái lần lượt lấy chồng, dì ở với con gái út năm nay 17 tuổi, làm công nhân cùng công ty với dì. Dì mắc bệnh u nang buồng trứng, sau khi mổ, sức khỏe ngày một suy kiệt nên có khi một tháng chỉ làm được mười mấy ngày. “Tiền lương không đủ mua thuốc, làm gì còn tiền nữa mà về quê. Ở quê tôi còn mẹ già đã ngoài 80 tuổi. Năm nay không về không biết năm tới còn gặp được bà nữa không” - dì Tròn ngấn lệ.
Dì Tròn là một trong số 130 lao động nghèo đang ở nhà thuê tại huyện Bình Chánh không có điều kiện về quê ăn Tết sẽ nhận quà của Báo Phụ Nữ trao tặng vào sáng hôm nay 10/1. Dì chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được nhận quà Tết của Báo nên rất vui. Món quà mang giá trị tinh thần rất lớn, giúp những người nghèo, ăn Tết xa quê như chúng tôi cảm thấy ấm lòng”.
Hoài An
Tết đến với mọi người, Ấm lòng người ở lại