Xã hội

Gửi tiền vào ngân hàng như gửi… tiệm cầm đồ

PN - Ngày thứ tư (9/1) của phiên tòa xét xử vụ Huỳnh Thị Huyền Như, các luật sư bào chữa cho các bị cáo, các bị hại phải thốt lên rằng:

Vietinbank vô can (?)

Trình bày trước tòa, các nguyên đơn dân sự, các bị hại cho rằng họ không ký hợp đồng gửi tiền cho Huyền Như mà ký với Vietinbank, do vậy Vietinbank phải bồi thường cho họ. Theo cáo trạng, một số công ty bị thiệt hại rất lớn là An Lộc (170 tỷ đồng), Phúc Vinh (608 tỷ đồng), Thịnh Phát (788 tỷ đồng), Hưng Yên (212 tỷ đồng), Dầu khí Thái Bình Dương (80 tỷ đồng)… cùng một số cá nhân khác.


Bị cáo Võ Anh Tuấn trên đường về trại tạm giam

Luật sư Phan Trung Hoài, bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Võ Anh Tuấn (nguyên Phó giám đốc Vietinbank Nhà Bè) và Phạm Thị Tuyết Anh (nguyên nhân viên giao dịch Vietinbank Điện Biên Phủ), truy đại diện Vietinbank: “Chỉ khi vụ án bị khởi tố điều tra, Vietinbank mới biết Huyền Như làm giả tám con dấu, giả chữ ký, hồ sơ vay của khách hàng để vay tiền của Vietinbank. Vậy trách nhiệm của Vietinbank thế nào mà để cán bộ thực hiện hành vi đó? Trong khi Vietinbank lại không bị thiệt hại gì?”.

Nhiều luật sư khác cũng khẳng định: khách hàng gửi tiền là gửi vào Vietinbank, sau đó chính Vietinbank đã quản lý khoản tiền này. Nhưng ngân hàng (NH) lại để cho cán bộ của mình làm giả hồ sơ, giả cả chữ ký khách hàng, giả cả con dấu để rút tiền, vay tiền, thì trách nhiệm của chính Vietinbank.

Đáp lại những câu hỏi dồn dập từ các luật sư về trách nhiệm của Vietinbank, vị đại diện Vietinbank - tham dự phiên tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - không trả lời hoặc chỉ trả lời chung chung: Mọi quy định về tiền gửi, trách nhiệm của NH đối với khách hàng đều có trong quyết định 1284 năm 2002 của Ngân hàng Nhà nước. Vị đại diện này có phần “nóng nảy” khiến chủ tọa phiên tòa phải “chỉnh”: Vietinbank nên ghi nhận các câu hỏi của các luật sư để trả lời.

“Giao trứng cho ác”

Luật sư Trần Minh Hải (bảo vệ quyền lợi cho Công ty chứng khoán Phương Đồng) hỏi Huyền Như về trách nhiệm quản lý tiền của khách hàng là của ai. Huyền Như trả lời: việc quản lý tài khoản thế nào là của khách hàng và khách hàng bị mất tiền cũng không thuộc NH. Bị cáo Võ Anh Tuấn trả lời tương tự Huyền Như.

Trước các câu trả lời thể hiện sự vô trách nhiệm với khách hàng của các bị cáo là cán bộ của Vietinbank, luật sư Trương Thanh Đức (bảo vệ quyền lợi cho Navibank) cho rằng: khách hàng mở tài khoản, gửi tiền vào NH, sau đó bị trộm mất tiền nhưng NH nói không chịu trách nhiệm. Việc này chẳng khác nào giao trứng cho ác.

Luật sư Trần Minh Hải ví von, khách hàng gửi tiền vào NH như vậy, không khác gì gửi vào tiệm cầm đồ.

 Chí Kiên 

Đưa chị gái bán hột vịt lộn lên làm phó giám đốc

Trong số các bị cáo bị truy tố trước tòa còn có chị gái của Huyền Như là Huỳnh Mỹ Hạnh bị Viện KS xác định có vai trò đồng phạm trong hành vi lừa đảo của Huyền Như. Trình bày trước tòa, Mỹ Hạnh cho biết, trước khi làm Phó giám đốc công ty Hoàng Khải do Như thành lập, bị cáo là người bán hột vịt lộn, trình độ văn hóa lớp 9. “Bị cáo biết mình không có khả năng, nhưng em gái nói “bán hột vịt lộn thì được bao nhiêu”, tin tưởng em gái mình nên bị cáo về làm. Như bảo gì làm vậy, bị cáo có biết gì đâu”. Huyền Như trong phần trả lời, sụt sịt đỡ lời cho chị gái: “Tất cả hồ sơ chị Hạnh ký đều do bị cáo làm giả, chị ấy hoàn toàn không biết gì”.

www.phunuonline.com.vn

gửi tiền vào ngân hàng, gửi tiệm cầm đồ


      © 2021 FAP
        822,514       380