Xã hội

Cần tạo điều kiện cho giới luật sư hoạt động

PNO - Trong 2 ngày 8 và 9/1, tại TP.HCM, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2014 với sự hiện diện của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

 Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho biết, trong năm 2013, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo các địa phương tập trung cải cách những vấn đề trọng tâm như xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản pháp lý.

Cụ thể, các Bộ, cơ quan và các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương đã tiếp nhận, kiểm tra trên 41.500 văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, qua kiểm tra, đã phát hiện trên 8.000 văn bản (19,38%) có dấu hiệu vi phạm các điều kiện về tính hợp pháp của các văn bản.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với lãnh đạo ngành tư pháp các địa phương bên lề hội nghị.

Thứ trưởng Hoàng Thế Liên chia sẻ, Bộ Tư Pháp còn phát hiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành đã có sai sót. Bộ đã tham mưu cho cấp thẩm quyền xử lý kịp thời.

Về kết quả thi hành án dân sự giai đoạn 2011-2013, ngành Tư pháp đánh giá có chuyển biến tích cực, với tỷ lệ án có điều kiện thi hành về việc là 77,81%, về tiền là 56,1% (cao hơn 10,4% và 25,01% so với năm 2012). Một số địa phương đã chủ động trong kiểm tra, thanh tra và kiên quyết xử lý nghiêm những trương hợp vi phạm, như TP.HCM, An Giang, Sơn La, Đắc Lắc. Điển hình như những vụ việc rất phức tạp, kéo dài trong nhiều năm đã được giải quyết dứt điểm, như vụ bà Nga, ông Học (Quảng Ngãi), vụ ông Bạch Ngọc Giáp (Hà Nội), hay như vụ Ngân hàng TMCP Phương Nam (Cần Thơ).

Ông Lê Thúc Anh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, để nâng cao tính đồng bộ, minh bạch, dân chủ trong công tác tư pháp thì Nhà nước cần tạo điều kiện cho giới luật sư hoạt động. Trong đó, cần tiếp tục đổi mới và hoàn thiện các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử theo tinh thần Nghị quyết 49.

Theo đó, cần phải tiếp tục hoàn thiện chức năng nhiệm vụ và xây dựng củng cố bộ máy hoạt động các cơ quan tiến hành tố tụng theo hướng nhằm đảm bảo quyền lực tư pháp được thực hiện nghiêm minh, hiệu quả, đồng thời có thể ngăn ngừa, kiểm soát được việc lạm quyền, hay vi phạm pháp luật của chính các cá nhân ở một số cơ quan tiến hành tố tụng.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, ông đã có dịp làm việc với cơ quan Tư pháp của Hoa Kỳ và thấy rằng lộ trình cải cách của họ có nhiều điểm mà Việt Nam có thể học hỏi.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cần thiết phải chú ý đến cơ chế, thể chế, cụ thể là những việc như: công tác theo dõi thi hành pháp luật, công tác hành chính tư pháp, hỗ trợ tư pháp, kiểm soát thủ tục hành chính…

Phó Thủ tướng lưu ý, Bộ Tư pháp còn 7 – 8 điều tồn tại cần phải khắc phục kịp thời để cải cách triệt để công tác tư pháp. Chẳng hạn, cần xóa bỏ tính hình thức trong công tác giáo dục pháp luật; công tác cải cách hộ tịch, luật khiếu nại tư pháp chưa đạt yêu cầu; người dân còn kêu ca trong các lĩnh vực hải quan, thuế, đất đai, do đó phải tiếp tục công khai, minh bạch, giảm phiền hà cho người dân…

H.Tấn

www.phunuonline.com.vn

cải cách tư pháp, giới luật sư


      © 2021 FAP
        822,596       1,510