PNO - "Dương Tự Trọng là người chỉ huy cầm đầu, ngoan cố" - là khẳng định của công tố viên trong phiên xử vụ tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài, tiếp tục diễn ra sáng nay (8/1).
Theo luật sư thứ 2 của bị cáo Phạm Minh Tuấn, vì vụ án phát sinh một số tình tiết mới nên việc xác định vị trí, vai trò của các bị cáo tham gia phiên xử đã có sự thay đổi so với luận điểm ban đầu của cơ quan công tố.Tuấn trong suốt quá trình đi cùng Trọng lên Hà Nội đón Dương Chí Dũng không tách ra đi riêng hay có trao đổi với Trọng. Sau này, khi xem ti vi bất ngờ thấy tin thông báo truy nã Dương Chí Dũng, Tuấn mới giật mình rà lại “chuyến đi trốn” và khai báo với CQĐT.
Dương Tự Trọng mong anh trai được khoan hồng
Bị cáo Đồng Xuân Phong tự bào chữa: "Bản luận tội của VKS, bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội nhưng động cơ phạm tội của bị cáo là do tình cảm anh em giúp nhau. VKS cũng đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo nhưng lại đưa ra mức án nặng nhất trong khung hình phạt (khoản 1 Điều 275) thì quá nặng cho bị cáo".
Các bị cáo khác cũng xin hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Trong đó, bị cáo Hoàng Văn Thắng xin được hưởng các tình tiết giảm nhẹ, được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Bị cáo Trần Văn Dũng đã thành khẩn khai báo trong suốt quá trình điều tra và thành khẩn trước tòa nên đề nghị HĐXX xem xét. Bị cáo Nguyễn Trọng Ánh nói: "Bị cáo đã ý thức hành vi của mình vô tình đã giúp cho anh Dũng bỏ trốn, đủ cơ sở cấu thành tội tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài theo Điều 275 BLHS. Xin tòa xem xét cho bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, để sớm được trở về với xã hội".
Vị đại diện VKS nắm quyền công tố cho rằng; VKS truy tố bị cáo Dương Tự Trọng ở khoản 3 là hợp lý. Dương Tự Trọng đã giúp anh trai trốn sang Campuchia một cách nhanh nhất, trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan hải quan ở cửa khẩu Mộc Bài. Ngay trong chiều 17/5/2012 Dương Chí Dũng đã là bị can. Mặc nhiên lúc này CQĐT không bắt được bị can thì sẽ phải truy nã. Các bị cáo đã dùng thủ đoạn, lén lút đưa bị can trốn tránh. Về mặt chủ quan, các bị cáo thực hiện tội phạm với lỗi cố ý.Dương Chí Dũng trốn chạy trong 4 tháng và chỉ bị bắt lại vì có sự phối hợp, làm quyết liệt của công an 2 nước Việt Nam, Campuchia. Việc bị bắt lại nằm ngoài mong muốn của Dương Chí Dũng và các bị cáo. Việc này gây ảnh hưởng không nhỏ đối với quá trình điều tra, tác động tiêu cực đến xã hội, làm cho dư luận nhân dân có sự nghi ngờ các cơ quan nhà nước không đảm bảo sự thực thi của pháp luật. Về nguyên tắc, lỗi chủ quan của các bị cáo là mong muốn hậu quả xảy ra và hậu quả xảy ra đến đâu các bị cáo phải chịu trách nhiệm đến đó. Vụ án này có kẻ chủ mưu tổ chức, điều hành, có người thực hiện. Dương Tự Trọng là người chỉ huy cầm đầu, ngoan cố.
Dương Tự Trọng và các đồng phạm tại phiên xử
Tuy nhiên, luật sư Trần Hưng cho rằng: Tình tiết định tội “tổ chức” để người khác trốn đi nước ngoài không phải là tình tiết để định khung tăng nặng tội trạng của các bị cáo như VKS cáo buộc. Cụ thể, đã là tội tổ chức thì phải có các hành vi đặc trưng của sắp xếp kế hoạch, hành trình, cách thức thực hiện chứ không phải để kết luận đó là những thủ đoạn tinh vi. Bởi lẽ, vụ án tại Vinalines lộ ra sau này, các bị cáo trong vụ án này đã phải chịu áp lực ảnh hưởng - là vi phạm nghiêm trọng. Chính tình tiết có người mật báo với Dương Chí Dũng “chú tạm lánh đi” nên mới có hành động của các bị cáo. Do đó, luật sư cho rằng nên dừng vụ án này, chờ làm rõ hành vi đó thì vụ tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài mới được xem xét đúng bản chất của vụ án này.
Dương Tự Trọng nói lời sau cùng: "Dương Chí Dũng là anh ruột của tôi. Tôi mong anh tôi được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, mong sự khoan dung, vị tha của người đời. Với các bị cáo khác, tôi kính mong HĐXX xét xử khách quan, khoan hồng để họ có thể sớm trở lại cuộc đời. Còn về phần tôi, tòa kết tội như thế nào, tôi xin chấp hành nghiêm túc!”
Đại diện VKS giải thích về tình tiết định khung với các bị cáo, cụ thể: mức án đề nghị đối với Dương Tự Trọng, Vũ Tiến Sơn xét trên tính chất mức độ hành vi phạm tội của 2 bị cáo đặc biệt nghiêm trọng, chứ không áp dụng tình tiết tăng nặng. Trong quá trình điều tra, Dương Tự Trọng liên tục đe dọa các đồng phạm tham gia không được khai vụ việc. Luật quy định với tội phạm chủ mưu cầm đầu mà ngoan cố như vậy thì cần phải nghiêm trị. Kiểm sát viên cho rằng đó là nguyên tắc cơ bản của pháp luật. Bị cáo Trọng không thừa nhận nhưng không phản đối lời khai của các bị cáo khác với lý do không biết đúng hay sai nhưng lại thắc mắc sao VKS lại truy tố ở khoản 3 Điều 275.
VKS bảo lưu quan điểm, bác yêu cầu điều tra lại vụ án “Tổ chức người trốn đi nước ngoài”.
Dự kiến, 17g chiều nay HĐXX sẽ tuyên án.
CHI MAI
Dương Tự Trọng, Dương Chí Dũng, tổ chức người trốn đi nước ngoài