Xã hội

Vượt lên nỗi đau

PN - Sau 35 năm kết thúc cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, làng quê Ba Chúc (Tri Tôn, An Giang), nơi có hàng ngàn người dân vô tội đã ngã xuống dưới bàn tay khát máu của bè lũ diệt chủng Pôn-pốt,

Đã thành thông lệ từ nhiều năm, cứ vào ngày này, sau lễ cúng tập thể tại nhà mồ Ba Chúc là ông Bùi Văn Lê (SN 1940, khóm Thanh Lương, thị trấn Ba Chúc) lại mang hương hoa lên núi Tượng, thành tâm cúng bái trước hang Ba Lê. Đây là nơi cách đây 36 năm, ông đã may mắn là người duy nhất trong đại gia đình hơn 50 người, trong đó có vợ và năm người con của ông trốn trong hang, đã thoát chết sau trận đạn pháo dồn dập của lính Pôn-pốt. Không như các lễ cúng với đầy đủ các bài bản thường thấy ở người theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, buổi lễ nhanh chóng kết thúc sau lời khấn ngắn gọn của ông Lê. Dường như đọc được thắc mắc trong tôi, ông Lê giải thích: Vợ con tôi cũng như hàng ngàn bà con ở Ba Chúc ngã xuống bởi nạn diệt chủng Pôn-pốt đâu có tội tình gì nên không phải cầu siêu. Chuyện cũng đã qua lâu rồi, nên không phải nhắc lại những kỷ niệm buồn. Vì vậy, nhân ngày lịch sử này, tôi chỉ cầu vong linh của bà và các con về chứng kiến những đổi thay của gia đình, làng xóm…”. Ông Lê cho biết, đó cũng chính là “bí kíp” giúp ông có thêm sức mạnh để vượt qua nỗi đau mất mát tưởng chừng như không thể nào gượng dậy được…

Ông Bùi Văn Lê (bìa phải) trong lễ cúng giỗ tập thể tại nhà mồ

Cũng như nhiều nạn nhân khác ở Ba Chúc, sau nạn diệt chủng, lòng tràn ngập nỗi đau vì nhà tan, cửa nát, người thân chết sạch, ông Lê suy sụp tinh thần. Nhưng rồi ông từng bước nén nỗi đau vào lòng, vươn lên xây dựng cuộc sống mới. Ngoài thời gian làm thầy thuốc Nam hốt thuốc cứu người, trợ giúp người trong bổn đạo với tư cách của vị Trưởng gánh (chức sắc trong đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa) ông còn làm nhiều việc để phát triển kinh tế gia đình như làm ruộng, xong ruộng thì chuyển sang thu mua lúa, khoai mì trong xóm… bán lại cho bạn hàng. Nhờ chí thú làm ăn, ông từng bước tích lũy, tạo dựng được căn nhà khang trang, nuôi cả bốn con (từ cuộc hôn nhân lần hai) học hành đến nơi đến chốn.

Không được may mắn như ông Lê, sau khi bị giết sạch thân nhân bên vợ lẫn bên chồng với trên 100 người, bà Hà Thị Nga (SN 1937) còn bị bọn giặc bắn xuyên cổ, triệt đường sinh nở. Mấy chục năm qua, bà thui thủi sống một mình. Sau nhiều năm tự nguyện làm người chăm sóc nhà mồ, nơi lưu giữ hàng ngàn bộ xương trong nạn diệt chủng, mà không đòi hỏi bất kỳ chế độ lương bổng nào, giờ đây ở cái tuổi gần 80, bà vẫn tự kiếm sống với cái nghề bán quán giải khát ven đường. Mỗi khi có khách muốn tìm hiểu về nhà mồ, về nạn diệt chủng là bà hăng hái tình nguyện làm người thuyết minh miễn phí. “Nói đầy đủ và nói đúng về sự tàn bạo của nạn diệt chủng đã qua nhưng không để khơi gợi lại thù hận, mà là để thắp nên lòng yêu quý tính mạng con người, yêu chuộng hòa bình. Tôi sẽ truyền ngọn lửa này đến cuối đời”, bà Nga nói.

Tùng Hương

www.phunuonline.com.vn

Vượt lên nỗi đau


      © 2021 FAP
        858,366       602