Xã hội

Lưu trữ “mầm sống” cho tương lai

PN - Thông tin sản phụ Hoàng Thị Kim Dung (Hà Nội) hạ sinh hai bé trai dù người chồng tử vong do tai nạn giao thông cách đây bốn năm đã làm lay động dư luận về một tình yêu đẹp và thành tựu của y học Việt Nam.

BẢO TỒN CHỨC NĂNG SINH SẢN

Cách đây không lâu, các bác sĩ (BS) Bộ môn Phụ sản, Ðại học Y Dược TP.HCM đã tiếp nhận bức thư bằng tiếng Anh của một bệnh nhân 60 tuổi người Mỹ bị ung thư phổi giai đoạn cuối với lời khẩn cầu được lưu trữ tinh trùng để có con với người vợ Việt Nam - tên Nga 39 tuổi. Trong lúc ông vô thuốc để hóa trị ung thư phổi đang đe dọa tính mạng thì hàng ngày, chị Nga vẫn thường xuyên lui tới bệnh viện (BV) để hỏi thăm thông tin về các mẫu tinh trùng đã trữ lạnh. Và, ngày ông ra viện cũng là lúc chị Nga báo tin đã thụ tinh trong ống nghiệm thành công.

Không chỉ có bệnh nhân đã lập gia đình mà ngay cả nhiều thanh niên vừa bước qua tuổi dậy thì cũng mong muốn được lưu trữ tinh trùng vì bị bệnh như: ung thư dương vật, suy tinh hoàn do bệnh quai bị… BS Vương Thị Ngọc Lan, Bộ môn Phụ sản, Ðại học Y Dược TP.HCM cho biết, cuối tháng 12/2013, anh V.T.T. (19 tuổi, sinh viên năm nhất của một trường đại học) đã đến nhờ các BS Ðại học Y Dược TP.HCM “bảo lưu” tinh trùng vì bệnh quai bị. Anh T. thổ lộ: “Nhờ có người nhà làm trong ngành y nên tôi mới biết mình có thể lấy tinh trùng trữ lạnh để dự phòng khả năng có con về sau”. Các BS cho biết, đã có nhiều bệnh nhân nam bị quai bị có nguy cơ biến chứng tinh hoàn đến cơ sở can thiệp hiếm muộn để lưu trữ tinh trùng.

Ngoài việc điều trị cho bệnh nhân hiếm muộn, hầu hết các BV triển khai thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam đều có ngân hàng tiếp nhận dịch vụ lưu trữ tinh trùng, trứng và phôi cho khách hàng như: BV Từ Dũ, BV Hùng Vương, BV Vạn Hạnh, BV An Sinh, BV Mỹ Đức...

BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó giám đốc BV Từ Dũ cho biết, việc lưu trữ “tài sản” này được chỉ định cho các trường hợp cần bảo tồn khả năng sinh sản. Đó là trường hợp nam giới trong độ tuổi sinh sản bị quai bị, bệnh mạn tính gây biến chứng tinh hoàn và khả năng không còn tinh trùng. Hoặc lưu trữ “con giống” cho bệnh nhân ung thư, tránh việc hóa trị, xạ trị gây suy tinh hoàn, suy buồng trứng rất khó có con. Thậm chí, các ông chồng hay căng thẳng trong công việc hoặc làm việc phải tiếp xúc các yếu tố nguy cơ gây giảm sản xuất tinh trùng cũng nên bảo tồn chức năng sinh sản. Tuy nhiên, các BS cho biết, với những trường hợp mắc bệnh lây qua đường tình dục như: giang mai, mụn rộp, sùi mào gà, lậu... thì cần phải chữa trị mới được lưu trữ tinh trùng.

CÂN NHẮC KHI LƯU TRỮ

Chi phí trữ tinh trùng từ 50.000 - 200.000đ/tháng, trứng hoặc phôi từ bốn-năm triệu đồng/năm. BS Vương Thị Ngọc Lan giải thích: “Con giống” được lưu trữ ở nhiệt độ âm 196oC, do đó chất lượng mẫu lưu trữ vẫn được đảm bảo dài hạn; tuy nhiên khách hàng nên sử dụng càng sớm càng tốt. Với những bạn trẻ chưa có ý định lập gia đình, nếu muốn lưu trữ để tránh suy yếu tinh trùng về sau thì BS sẽ có những tư vấn phù hợp.

BS Đặng Quang Vinh, Trung tâm Nghiên cứu di truyền và sức khỏe sinh sản, Khoa Y, Đại học Quốc gia TP.HCM chia sẻ: trữ lạnh tinh trùng thường đơn giản, nhưng trữ lạnh trứng phức tạp hơn nhiều vì trứng dễ bị tổn thương. Tại Việt Nam, việc trữ lạnh vì những lý do cá nhân như muốn trì hoãn tuổi lập gia đình hay trì hoãn tuổi có con còn chưa phổ biến.

Những trường hợp trữ trứng hiện nay thường rơi vào nhóm phụ nữ có chỉ định làm thụ tinh ống nghiệm và đã được chọc hút trứng. Các BS khuyến cáo: không nên trữ chỉ để yên tâm đã có của để dành và không lưu tâm đến chuyện sinh đẻ đúng độ tuổi vì ỷ lại đã có trứng... trữ sẵn. Chất lượng tinh trùng, trứng, phôi sẽ giảm dần theo thời gian trữ lạnh, không đảm bảo có con sau một thời gian trữ lạnh kéo dài.

“Riêng với người đã chết thì kỹ thuật lấy tinh trùng rất đơn giản bằng cách tiểu phẫu, lấy mô tinh hoàn sau đó đem trữ lạnh. Ðến khi người vợ có nhu cầu mang thai, BS sẽ rã đông mô tinh hoàn để nuôi cấy tinh trùng. Tuy nhiên, việc lấy tinh trùng ở người chết liên quan nhiều đến khía cạnh đạo đức và pháp lý hơn là vấn đề kỹ thuật. Việc này hiện được tranh luận rất nhiều.

Nếu gia đình người chết và người vợ có cùng quan điểm thì vấn đề không quá phức tạp. Tuy nhiên, trong trường hợp có bất đồng ý kiến giữa gia đình người chết và người vợ thì ai sẽ là người có quyền quyết định? Trẻ sinh ra có quyền thừa kế gia tài của người chết hay không? Hoặc sau khi có mẫu tinh trùng trữ lạnh rồi, người vợ đổi ý, muốn đi thêm bước nữa, không muốn có con với người chồng quá cố nữa thì ai sẽ có quyền quyết định số phận của mẫu tinh trùng đã lưu trữ? Ở Việt Nam, nghị định của Chính phủ về việc “Sinh con theo phương pháp khoa học” chưa có các điều khoản quy định về trường hợp này” - BS Vương Thị Ngọc Lan băn khoăn.

 VĂN THANH - HOÀNG SA

Trẻ sinh ra từ phương pháp trữ phôi, tinh trùng vẫn phát triển bình thường

Kỹ thuật viên đang lọc rửa " con giống"

BS Vương Thị Ngọc Lan cho biết: "Sau rã đông để thụ tinh thì tinh trùng có khả năng sống sót tốt nhất, kế đến là phôi và cuối cùng là trứng. Theo nguyên tắc, tế bào nào càng lớn thì khả năng tổn thương do quá trình đông lạnh - rã đông càng cao. Trên thế giới hiện có hơn năm triệu trẻ sinh ra từ thụ tinh trong ống nghiệm. Trẻ sinh ra từ thụ tinh trong ống nghiệm có sức khỏe tâm thần, thể chất như trẻ sinh tự nhiên.

Trước đây, chúng tôi có thực hiện khảo sát sức khỏe tâm thần vận động của hơn 200 trẻ thụ tinh ống nghiệm từ một tuổi trở lên, ghi nhận các trẻ có sức khỏe bình thường. Một số trường hợp chậm phát triển hay có bệnh lý về mắt do hậu quả của việc sinh non tháng chứ không do kỹ thuật hay chất lượng tinh trùng, trứng hay phôi".

www.phunuonline.com.vn

thành tựu y học, trữ phôi, trữ tinh trùng, Lưu trữ, mầm sống, tương lai


      © 2021 FAP
        860,496       487