Xã hội

Để những tai nạn thương tâm không tái diễn

PN - Cuối năm, khi người lớn tất bật chuẩn bị đón năm mới là lúc các em học sinh (HS) kết thúc học kì I và được nghỉ mấy ngày.

Đây là tai nạn do tắm biển trầm trọng nhất từ nhiều năm qua. Ngành giáo dục và du lịch chấn động. Một số trường hủy hợp đồng tham quan, nhiều phụ huynh không đồng ý cho con đi du lịch. Trên các mạng xã hội, nhiều phụ huynh phê phán nhà trường, lên án các công ty lữ hành. Nhiều người cực đoan tuyên bố cấm cửa con đi chơi tập thể. Sự bức xúc là có thể hiểu được, nhưng vì một tai nạn mà nhà trường không dám tổ chức, trẻ con không được đi chơi, thì khác nào thấy tai nạn giao thông nên cả nhà không ra khỏi cửa. Mà tai nạn giao thông thì ngày nào cũng có, ra đường là gặp.

Lực lượng cứu hộ - cứu nạn tìm kiếm thi thể HS trong đêm.

Phụ huynh khóc ngất khi đến BV huyện Cần Giờ nhận xác con. Ảnh: Ngọc Thúy.

Người Việt, từ xa xưa vốn có truyền thống xem thường trẻ con. Làm gì không vừa ý là bị mắng “Đồ con nít”, “Con nít biết gì!”. Người lớn cũng mắng nhau “Làm như đồ con nít”… Hầu như mọi người đã quên mất là ai cũng có tuổi thơ, cũng từng chịu mắng mỏ phi lý và không được người lớn tôn trọng. Người lớn muốn trẻ em học giỏi, chăm ngoan. Hoàn toàn chính đáng. Còn trẻ con muốn được người lớn cho đi chơi. Lại càng chính đáng. Làm sao dung hòa yêu cầu và nguyện vọng từ cả hai phía? 25 năm làm công tác thiếu nhi, 5 năm phụ trách trại hè Thanh Đa, tôi nghiệm ra rằng “Trẻ con cần có bạn để chơi hơn cả ăn ngon mặc đẹp. Các em ngoan hơn người lớn nghĩ rất nhiều”. Đi chơi là cần thiết, nhưng phải đảm bảo an toàn, hấp dẫn, bổ ích. Chơi để học tốt hơn.

Trẻ con vốn hiếu động nên xác suất tai nạn dễ xảy ra hơn người lớn. Các nhà tổ chức phải có tay nghề, kinh nghiệm và yêu trẻ mới đảm đương nổi. Các công ty có tên tuổi thường cố làm dịch vụ du lịch cho trẻ em thật tốt để nhắm vào người lớn chứ không coi các em là đối tượng kinh doanh. Mỗi xe tối thiểu hai hướng dẫn viên (HDV) giỏi, có lãnh đạo công ty sát cánh với nhà trường, có bác sĩ, nhân viên cứu hộ và cả vật dụng chơi. Làm HDV cho trẻ em khó hơn người lớn.

Đi biển phải có dây thừng khoanh vùng tắm. Khi tắm, HDV mặc áo phao làm hàng rào. Cấm tiệt các trò chơi nguy hiểm. Cả ngày lẫn đêm, HDV luôn chia nhau trực để kiểm tra, nhắc nhở các em, khuyên các em nhắc nhở lẫn nhau. Trước khi đi phải sinh hoạt kỹ nội quy và luôn nhắc các em: “Đừng phụ lòng tin của ba mẹ đã dám cho các em đi chơi, của thầy cô đã dám tổ chức. Chơi để học tốt hơn và ngoan hơn, để lần sau được đi xa hơn, lâu hơn, vui hơn”.

Tai nạn thương tâm ở Cần Giờ vừa qua rất khó tránh vì sự tắc trách của người lớn. Trực tiếp là lực lượng cứu hộ và ban quản lý khu du lịch. Mùa này Cần Giờ biển động, lúc triều lên, sóng mạnh. Đáng lý không cho trẻ em tắm. Cứu hộ ở Đà Nẵng luôn mặc áo phao, đứng dưới nước, thổi còi yêu cầu khách rời khu vực nguy hiểm, có sự cố là lao ra cứu hộ ngay.

Vì sao thấy biển động mà vẫn để các em tắm? Mà lại tắm sau giờ ăn trưa? Lúc đó các HDV ở đâu? Cần biết, lực lượng cứu hộ chỉ hỗ trợ chứ không làm thay công ty lữ hành được. Sau đó là nhà trường, không biết vô tình hay cố chọn nhầm công ty tổ chức. Có thể vì quen biết, vì giá quá rẻ và cả khoản chi hoa hồng? Tôi biết có trường tổ chức cho HS tham quan mà công ty lữ hành phải “lại quả” cho giáo viên, ban giám hiệu và cả cấp trên của nhà trường. Làm tour kiểu đó, đòi hỏi chất lượng là chuyện không tưởng.

Cái chết tức tưởi của các em là hồi chuông cảnh tỉnh người lớn, buộc tất cả phải nhìn lại trách nhiệm của mình. Từ lực lượng cứu hộ, ban quản lý các khu du lịch, nhà trường và đặc biệt là các công ty lữ hành. Phụ huynh cũng cần có ý kiến và tham mưu với nhà trường khi chọn nhà tổ chức đưa con em mình đi chơi. Mỗi người cần có ý thức hơn, quan tâm hơn tới các em, đừng để xảy ra những tai nạn thương tâm.

 NGUYỄN VĂN MỸ (nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Đội TP)

www.phunuonline.com.vn

7 học sinh mất tích, biển Cần Giờ, tai nạn thương tâm, không tái diễn


      © 2021 FAP
        861,027       351