Gia đình

Người mẹ mang phép màu tới cho hai đứa con 'chú lùn'

Bà Văn (Quảng Nam) giúp con gái biết đi - kỳ tích mà bác sĩ phải bó tay, cứu chồng khỏi thần chết và giúp con trai tự lập.

Mưa lất phất trong vườn trái cây rộng hơn 50 ha tại thôn Nông Sơn 1 (Điện Phước, Điện Bàn, Quảng Nam), bà Phạm Thị Văn (54 tuổi) một mình lọt thỏm trong những tán lá cao quá đầu. Gương mặt đượm vẻ mỏi mệt nhưng bà làm luôn tay. Hiếm ai biết bà đã trải qua cuộc đời đầy tủi nhục để mang lại cuộc sống tốt đẹp cho cả gia đình bị chất độc da cam.

Cách đó khoảng một cây số, băng qua cánh đồng đầy bia mộ, qua đường ray che chắn sơ sài là ngôi nhà nhỏ xinh mà một tay bà bao năm gây dựng. Kiều Trang (19 tuổi, con gái bà Văn) lụi hụi leo lên cái ghế nhựa bên bếp cao quá đầu mình, bởi đôi chân em chỉ vừa cao bằng chiếc ghế đẩu.

Kế gian nhà chính, tiệm sửa chữa đồ điện tử của anh Võ Tấn Thông (28 tuổi, con trai bà Văn) đầy ắp những xác tivi, đầu đĩa... Anh Thông cũng thấp như em gái mình, chiếc tivi 21 inch mà anh đang cặm cụi sửa đã cao tới ngang lưng. Thế nên mọi thứ từ bàn ghế đến phương tiện di chuyển đều được thu nhỏ lại.

Hai người con - trai cao 1,2 mét, gái cao 1 mét là tài sản lớn nhất của bà Văn đến bây giờ.

Hai người con - trai cao 1,2 mét, gái cao 1 mét là tài sản lớn nhất của vợ chồng bà Văn bây giờ.

Khiếm khuyết cơ thể của hai anh em "chú lùn" là hậu chất độc da cam di truyền từ người cha bệnh binh. Ông Võ Tấn Giáp (55 tuổi, chồng bà Văn) tham gia chiến trường những năm 70 - 80 thế kỷ trước.

Xuất ngũ năm 1987, ông Giáp gặp bà Văn rồi nên vợ chồng. Từ đó đời "hồng nhan bạc phận" đến người phụ nữ xứ Quảng. Cưới nhau không lâu, ông Giáp đổ bệnh vì nhiễm chất dioxin. Hơn 15 năm ông không thể làm lụng, một mình bà Văn cày cuốc, lo thuốc thang cho chồng.

"Đáng lẽ đàn ông phải là trụ cột, là người đem đến kinh tế, nhưng sức khỏe tôi yếu nên chỉ có vợ là nguồn kinh tế chủ lực. Hồi đó vợ mang bụng bầu , chỉ còn 2 tháng nữa là sinh con trai đầu, vậy mà vẫn đi kéo rơm về cho bò ăn", ánh nhìn xa xăm, ông nói.

Con đầu lòng đoản mệnh, bà Văn mất 2 năm mới nguôi ngoai nỗi đau. Người con trai thứ sinh ra mập mạp, bình thường. Nhưng khi con 4 tuổi, ông bà lại đau lòng phát hiện cậu bé không tránh khỏi chất độc chiến tranh, phải sống trong hình hài một đứa trẻ.

Người mẹ mang tới phép màu cho hai đứa con 'chú lùn'

"Nhiều buổi chiều tôi đi gánh nước về dùng cho gia đình mà nước mắt chảy dài, bước chân ra đường chỉ biết cúi đầu tủi nhục. Người ta nói tôi chăm chồng không khéo, để chồng đau lên xuống, con cái thì không có ăn", bà Văn ngậm ngùi nhớ lại. Không khóc vì bị phán xét, bà khóc vì có gánh nước sạch cũng không mang về được cho chồng con bởi không ai cho bà múc.

"Tôi bị khinh thường đến nỗi ẵm con đi dạo cũng bị hàng xóm xua đuổi vì sợ bị vay tiền, vay lúa. Có lần tôi còn bị đổ thừa là ăn cắp kẹo cho con. Nhưng không có nỗi sợ nào bằng nỗi lo mất chồng khi ông ấy được chẩn đoán sẽ không sống được lâu nữa", bà kể.

Trồng lúa mất mùa, nuôi bò thất bại, bà đi làm phụ hồ 10 năm trời, cố gắng nhịn nhục và vươn lên. "Người ta nói cũng đúng nên tôi chỉ biết im lặng mà làm, chẳng hề nói lại nửa lời. Lúa gạo không có ăn vì mua thuốc cho chồng uống, để lo cho ông ấy sống. Trời không phụ lòng người, chồng tôi vượt qua một cách thần kỳ", bà Văn chia sẻ.

Năm 1999, ông Giáp đã đỡ ốm đau và có thể lao động trở lại, cuộc sống cũng bớt khó khăn. Nhưng rồi, con gái út cũng không tránh được tàn dư chiến tranh.

Bị lùn như anh trai, cô sinh viên Kiều Trang đã trải qua 4 lần phẫu thuật để đôi chân bé nhỏ được thẳng và có hy vọng đi lại. Các bác sĩ trong và ngoài nước tận tình giúp đỡ, tuy nhiên vẫn không tìm ra cách để cô có thể đi lại được bình thường vì chân vẫn bị co rút. 

Những ngày sau đó, người mẹ nảy ra ý tưởng tập cho con rửa bát, trong lúc rửa bát, Trang phải duỗi thẳng chân. Cứ thế kiên trì, con rửa, mẹ đứng bên, sau một năm Trang đi lại được. Thành công này được bác sĩ Lê Văn Đoàn (Bệnh viện Quân đội 108) - người từng khám bệnh cho Trang - đánh giá là điều không tưởng đối với nhiều chuyên gia y tế.

Chỉ cao chừng 1m, anh Văn được mẹ mở cho một cửa hàng điện tử, giờ có thể tự nuôi sống bản thân.

Anh Thông được mẹ mở cho một cửa hàng điện tử, giờ có thể tự nuôi sống bản thân.

Đến 2015, gia đình bà Văn đã có một ngôi nhà nhỏ ấm áp, con cái và chồng đã khỏe mạnh hơn và có thể nghĩ đến một tương lai tươi sáng. Bà Văn góp vốn cho con trai mở cửa hàng sửa chữa đồ điện tử ngay tại gian nhà phụ để có thể tự lo cho bản thân.

Một buổi chiều tháng 7/2017, ông Giáp ngã giàn giáo khi đang làm thợ hồ, chấn thương cột sống và trở về những ngày tháng ốm đau như hơn 20 năm trước. Đau đớn hơn, cũng trong một ngày, khi con gái vừa đậu đại học, bà Văn lại nghe tin sét đánh, căn bệnh ung thư tìm đến bà.

"Hồi xưa tôi cũng có chút gai góc, thế mà khi đổ bệnh xuống rồi, họ nói chuyện hỏi thăm mình cũng ngồi rưng rưng vì tủi thân", mắt bà lại rớm lệ khi nói.

Từ ngày bà Văn đau ốm, đời sống gia đình lại tuột dốc không phanh. Nhưng không đầu hàng số phận, bà tìm việc nhẹ hơn để làm. Bà xin làm cho một nông trại, hàng ngày đến từng cây ổi, cây mít để bắt sâu, nhặt lá hỏng, bọc trái chín. Gần 1.000 cây ăn quả được bà tỉ mỉ chăm sóc không sót cây nào dù căn bệnh khiến bà hay choáng váng và cánh tay phù nề.

Đang phải chữa bệnh ung thư, bà Văn vẫn lao động và là chủ lực kinh tế của gia đình.

Đang phải chữa bệnh ung thư, bà Văn vẫn lao động và là chủ lực kinh tế của gia đình.

Ông Phan Quang Tám (chủ vườn cây ăn quả) cho biết: "Tôi thật sự nể phục vì bà Văn sức khỏe yếu, đi xạ trị liên tục nhưng vẫn cố gắng đi làm, lại còn là lao động chính của gia đình".

Thương vợ, ông Giáp gắng gượng ra đồng kiếm thêm tạ thóc. Thế nhưng một năm làm 3 sào ruộng, ông kiếm được chưa đến 10 triệu đồng, cộng với tiền trợ cấp 1,5 triệu đồng/tháng. "Tôi chẳng giúp được gì nhiều cho vợ mình", người cựu binh gầy gò cay đắng nói.

Mấy chục năm qua, bà Văn đưa chồng thoát khỏi ranh giới của cái chết, biến những ước mơ của con thành sự thật, mang phép màu cho gia đình bé nhỏ của mình. Nhưng liệu có phép màu nào xảy đến với bà...

Bài và ảnh: Trọng Nghĩa

VNExpress

chất độc da cam, dioxin, chú lùn, cựu binh, chiến tranh, câu chuyện cuộc sống


      © 2021 FAP
        636,810       33