PNCN - Vào tuổi xế chiều, người ta dễ dàng nhận thấy cơ thể thay đổi rất nhanh. Xương khớp sau thời gian dài “làm việc”, nay lên tiếng bằng những cơn đau khi nhặt khi khoan.
Chính những cơn đau này làm cho đương sự cảm thấy “chán sống”, và họ phải bỏ một khoảng thời gian khá lớn để kiểm tra tìm bệnh, điều trị. Một bệnh nữa cũng thường xuất hiện vào tuổi này là bất thường về tim mạch, huyết áp đi kèm với cơn chóng mặt, cơ thể mệt, cáu gắt. Thêm vào đó là bệnh ở hệ tiêu hóa. Do “công tác” lâu năm nên dạ dày không khỏe, men tiêu hóa không dồi dào như thời thanh xuân. Thiếu men, thức ăn “nằm ì” trong dạ dày, gây cảm giác đầy bụng. Khâu thu thập dưỡng chất không hoàn thành nhiệm vụ làm cho cơ thể suy yếu, dẫn đến giảm đề kháng, dễ nhiễm bệnh.
Khi bước qua tuổi trung niên, mục tiêu sức khỏe cần đặt ra là:
- Duy trì tối đa chức năng các cơ quan, vốn đã phải làm việc từ bao nhiêu năm nay nên giờ “cũ” và “yếu” đi.
- Hạn chế tối đa biến chứng liên quan đến bệnh mạn tính, như viêm khớp, tiểu đường, huyết áp...
Bác sĩ Đào Thị Yến Phi - Trưởng khoa Dinh dưỡng Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM hướng dẫn khẩu phần ăn của tuổi xế chiều như sau: “Giảm chất béo và ăn nhiều chất bột thô (cơm, bún, hủ tíu…). Về đạm, nên dùng thịt trắng như cá và đậu hủ nhiều hơn các loại thịt đỏ như thịt bò, hải sản. Có thể dùng thêm vi chất bổ sung”.
Dưới đây là khẩu phần tham khảo:
Để tuổi "chạng vạng” khỏe mạnh, không bị bệnh tật hành hạ, cần chú ý đến dinh dưỡng. Đặc biệt, đừng để cơ thể tăng khối mỡ, nhất là mỡ vùng nội tạng. Muốn vậy, trong dinh dưỡng cần giảm chất béo và đường đơn (loại đường này được pha chế nhiều trong các loại nước ép trái cây, nước có gaz, bánh, bánh kem và một số loại thức ăn có vị ngọt béo đậm đà). Dùng chất bột chứa nhiều xơ (bột phức tạp như: cơm gạo lứt, bánh mì đen, khoai củ…). Tăng thịt trắng, giảm thịt đỏ. Tăng chất xơ từ rau, củ, quả. Cố gắng duy trì BMI trong khoảng 18,5 - 23.
Vũ Âu
Người cao tuổi cần lưu ý: Khi tuổi cao chỉ nên ăn các thực phẩm có chứa chất xơ vừa phải đúng theo nhu cầu, không nên ăn quá nhiều vì dễ gây giảm hấp thu các dưỡng chất cần thiết. Ưu tiên chọn chất xơ mềm như các loại rau củ có nhớt (mồng tơi, khoai mỡ...). Táo bón ở người cao tuổi thường không chỉ do thiếu chất xơ mà là do thiếu nước (do giảm phản xạ khát). Tuổi này cần uống nước theo định mức khoảng hai - ba tiếng đồng hồ một ly nước chứ không phải theo nhu cầu. Bác sĩ Đào Thị Yến Phi |
ăn uống, dinh dưỡng cho người già, ăn uống tuổi xế chiều