Ăn để khỏe

Những sai lầm về dinh dưỡng

PNCN - Bác sĩ Hoàng Lê Phúc - Trưởng khoa Tiêu hóa, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cho rằng, nhiều bà mẹ rất quan tâm đến việc chăm sóc, dinh dưỡng cho trẻ.

Ăn chín vẫn nhiễm

Có không ít trường hợp phụ huynh rất kỹ tính, am hiểu vệ sinh, cho bé chủng ngừa vắc-xin tiêu chảy, nhưng con vẫn rối loạn tiêu hóa phải nhập viện. Ví dụ, họ nấu một nồi cháo, sau đó chia ra nhiều phần nhỏ, đóng hộp, bỏ vào tủ lạnh rất vệ sinh. Khi đến bữa chỉ cần lấy ra một hộp hâm nóng cho bé ăn. Vi khuẩn có sẵn trong thức ăn đã lợi dụng chính quá trình chờ nguội - cấp đông - hâm nóng để sinh sản. Chưa kể, nhiều người cho rằng nếu hâm mà sôi sùng sục thì vitamin trong thức ăn sẽ bị mất. Vì vậy, họ cho vào lò vi ba quay… cho ấm nóng. Vi khuẩn đang ngủ đông, bị kích thích bởi nhiệt độ phù hợp, trong môi trường giàu chất dinh dưỡng khiến chúng sinh “con đàn cháu đống”. Điều cần biết thêm là bữa ăn của bé càng kéo dài thì độ nhiễm khuẩn càng cao.

Không ít người phàn nàn không hiểu vì sao cho con ăn uống “cực kỳ” vệ sinh nhưng trẻ vẫn èo uột, nay tiêu chảy, mai đau bụng. Hỏi ra mới biết, khi cho con ăn trái cây, họ rất chăm chỉ gọt vỏ, lấy hột, cắt miếng vừa ăn rồi đóng hộp bỏ vào tủ lạnh, cho con ăn dần. Cũng có trường hợp đem hộp trái cây đến trường cho con lót dạ để… chở đi học tiếp. Ai ngờ, khi cắt, gọt, bỏ hột… vi khuẩn đã vấy nhiễm và sinh sôi. Trái cây không thể nấu chín để tiệt trùng, vì vậy cách ăn tốt nhất là phải ăn ngay sau khi cắt, gọt. Các loại quả lớn như xoài, đu đủ, dưa hấu… trước khi gọt cần rửa sạch vỏ, lau khô để tránh nhiễm trùng nếu nguồn nước không an toàn.

Uống sôi vẫn bệnh

Hầu hết phụ huynh đều rất kỹ lưỡng, cho con uống nước đun sôi để nguội theo đúng hướng dẫn. Song, quá trình uống sôi để nguội này có khá nhiều… cạm bẫy. Đôi khi đơn giản chỉ là cục nước đá được sản xuất từ nguồn nước sạch nhưng đã nhiễm bẩn trong quá trình vận chuyển, trữ lạnh, sản xuất… Cũng có khi tác nhân gây nhiễm trùng là cái ống hút được đưa vào ly bởi bàn tay nhiễm khuẩn hoặc đựng trong hộp để hở, hứng bụi đường… Ít ai ngờ, khi cho bé đi du lịch, đi bơi vui chơi giải trí lại chính là lúc vi khuẩn từ sông, hồ… đột nhập vào cơ thể bé, gây bệnh.

Mùa nắng nóng, các hàng nước giải khát ven đường “ăn nên làm ra”, nhất là các điểm bán nước dừa. Khi chọn món nước dinh dưỡng này, cần chọn loại nguyên trái và phải uống ngay sau khi vạt vỏ. Tránh uống các loại nước dừa chặt sẵn ngâm nước đá…

Mùa nóng, dễ táo bón

Bé bị bón thường do ăn uống thiếu chất xơ (có nhiều trong rau, củ, quả…). Phần lớn phụ huynh lại ưu tiên cho trẻ ăn thịt, cá với mong muốn bé nhanh tăng chiều cao. Hậu quả là bé “mặt đỏ, tía tai” mỗi lần đi vệ sinh. Bé bị bón vào mùa nắng nóng, bệnh tình sẽ trầm trọng hơn vì cơ thể mất nhiều nước. Bé đi vệ sinh bị đau sẽ ráng “ém”. Trong khi đó, “chất thải” càng nằm lâu trong ruột, càng bị hấp thu nước, nên càng rắn chắc, gây táo bón nặng. Để khắc phục, cần cho bé ăn cân đối các thành phần dinh dưỡng, cho ăn thêm các loại rau nhuận trường, thanh nhiệt như: mồng tơi, rau đay; các loại trái cây tươi như chuối, đu đủ, cam, quýt...

Phương Nam

www.phunuonline.com.vn

dinh dưỡng, ăn thế nào cho đúng, những sai lầm về dinh dưỡng


      © 2021 FAP
        147,128       455