Đời sống

Xây dựng lòng tin xã hội

PN - Tự nhiên chị dâu ở tận ngoài làng, cách Huế 28km, bắt xe vô tận nhà, lật đật nhờ thằng cháu chở lên chợ Đông Ba...

Thì ra, chị có mấy chỉ vàng ki cóp, nay nghe tin tiệm vàng đó sắp đóng cửa tới nơi, lại thêm chuyện "người ta" bảo vàng tiệm đó non tuổi, nên chị phải chạy vô bán liền. May mà bán được rồi, dù mỗi chỉ vàng lỗ mấy trăm ngàn đồng. Cũng còn đỡ, chứ mai mốt tiệm đóng cửa biết bán cho ai? Cũng nhờ chị đi chợ ngoài làng, nghe người ta đồn mới biết.

Chị tôi không biết, cái vụ tin đồn tiệm vàng sắp đóng cửa, tiệm vàng bán vàng non tuổi… đã từng rộ lên ở Bình Phước hồi tháng 12 năm 2014. Cả trăm người đổ xô đi bán lại vàng. Chủ tiệm vàng trưng ra hết bằng chứng này đến bằng chứng khác chứng minh vàng của tiệm mình uy tín, chất lượng, nhưng không ăn thua. Ở Cà Mau cũng từng có vụ tương tự.

Cuối cùng, người thua thiệt vẫn là người mang vàng đi bán, vì người ta vẫn thu vô thôi, nhưng không được như giá mong muốn. Người người tranh nhau bán, tiệm vàng khổ đường tiệm vàng, người dân khổ đường người dân. Tất cả chỉ vì cái tin đồn không biết ở đâu ra, chỉ biết nó cứ thế mà lan truyền từ người này sang người khác.

Chính quyền không phải không có những động thái, như đính chính rằng chủ tiệm vàng không hề bị bắt, như nói không có chứng cớ nào cho thấy vàng kém chất lượng… Nhưng, vẫn không thể dừng được tin đồn. Điều đáng lo là bài học kinh nghiệm từ sự cố ở địa phương này hình như không được rút ra cho địa phương khác. Vậy nên, chỉ sau đó ít lâu, cũng chính tin đồn ấy tác oai tác quái ở nơi khác, mà việc xử lý cũng chỉ mang tính cục bộ, đối phó, hiệu quả cũng hạn chế như nhau.

Tin đồn thổi là một chủng virus có sức phát tán nhanh khủng khiếp, và được tùy biến theo các đặc điểm của cộng đồng. Khi sinh hoạt đời thường của người dân hằng ngày gắn bó với quán xá vỉa hè, với la cà chợ búa, tụ họp nhậu nhẹt, thì khó mà kiểm soát được sức sinh sôi của lời đồn thổi.

Ai cũng tỏ ra mình là người biết hết, nắm hết tất cả mọi chuyện, trực tiếp chứng kiến sự kiện xảy ra và muốn đưa ra lời khuyên cho người khác. Trách nhiệm cá nhân không được ý thức đã đành, mà hầu như những cố gắng kiểm chứng thông tin cũng không thể thực hiện, vì không có một hệ thống nào được xây dựng nhằm mục tiêu kiểm soát và chứng thực các thông tin này.

Trước những tác hại của tin đồn, người ta khuyến cáo những người có quyền lợi liên quan phải tự kiểm chứng tin đồn đó từ cơ quan chức năng. Trong trường hợp của tiệm vàng trên kia, cơ quan chức năng là ai? Ban quản lý chợ hay một sở ban ngành nào đó? Không ai rõ lắm.

Khi mua vàng, phần lớn người dân mua bằng lòng tin, rằng chiếc nhẫn kim loại ấy là vàng bốn số 9, hay miếng kim loại kia là vàng nhãn hiệu X cũng bốn số 9. Người mua tin vào người bán dù chẳng có hệ thống kiểm định nào dành cho lòng tin này. Vậy nên, cũng dễ hiểu khi nghe tin người bán không trung thực, là người ta đổ xô đi bán lại, dù phải bán đổ bán tháo.

Cơn bấn loạn vì tin đồn rồi sẽ qua sau chỉ một vài ngày thôi. Theo tập quán xã hội, rồi mọi người sẽ lắng lại. Những ai thua thiệt trong cơn mua bán gấp gáp này cũng sẽ chẳng dám nói ra, vì e sợ người khác biết. Thói quen sử dụng và kiểm chứng thông tin chưa được hình thành trong mỗi người và chưa được hỗ trợ bởi chủ trương, chính sách.

Đối với loại hàng hóa nhạy cảm và có giá trị cao như vàng, sự cố xảy ra ở đâu đó có thể khiến người ta chú ý. Nhưng hằng ngày, vô số những tin đồn khác vẫn đang âm ỉ mà không có biện pháp nào ngăn chặn.

Lối sống bằng tin đồn đang trở nên phổ biến trong một xã hội thừa thông tin nhưng thiếu kỹ năng quản lý sử dụng thông tin. Thông tin thiếu xử lý, dồn đống, thừa thãi… không chỉ là rác mà còn là một áp lực. Hy vọng sau những vụ việc như trên, các cơ quan chức năng sẽ thấy cần phải có những cuộc chuyển mình, không chỉ để xử lý một vài sự cố ở địa phương, mà còn để đảm bảo nền tảng lòng tin xã hội được hình thành và củng cố vững chắc.

LẬP PHƯƠNG

www.phunuonline.com.vn

tin đồn, niềm tin, lòng tin, chính sách, bán vàng, kiểm chứng, nguồn tin, xác minh


      © 2021 FAP
        678,515       33