Theo truyền thông nước này, Thụy Sĩ đang mở rộng hệ thống bỏ phiếu online (E-voting) và họ cần có sự giúp đỡ của các hacker mũ trắng để hoàn thiện nó.
Trong tháng 3/2019 tới, chính phủ Thụy Sĩ sẽ mở rộng hệ thống bỏ phiếu online phủ khắp đất nước, giúp người dân tham gia bỏ phiếu bầu cử mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên, bởi vì đã dùng công nghệ số để thực hiện việc bầu cử nên hệ thống này cũng sẽ tiềm tàng các cơ hội cho những tổ chức cực đoan lợi dụng, nhằm gây ảnh hưởng, thậm chí làm thay đổi cả kết quả cuối cùng.
Chính vì vậy, chính phủ Thụy Sĩ đã quyết định treo mức thưởng tổng cộng tới 150.000 USD cho hacker mũ trắng nào có thể tìm thấy lỗi, lỗ hổng trong hệ thống E-voting của mình. Theo đó, chương trình này sẽ bắt đầu vào ngày 24/2/2019 và kết thúc vào ngày 24/3/2019 - tức kéo dài 1 tháng, giống như một cuộc bầu cử của Thụy Sĩ vậy. Trong khoảng thời gian này, hacker đã đăng ký với chính phủ có thể tìm cách xâm nhập vào hệ thống, báo cáo và nhận thưởng.
|
Thụy Sĩ quyết định treo mức thưởng tổng cộng tới 150.000 USD cho các hacker mũ trắng nếu có thể tìm thấy lỗi, lỗ hổng trong hệ thống E-voting của mình. |
Cụ thể, mức thưởng cho mỗi cá nhân là từ 30.000 - 50.000 USD nếu phát hiện ra lỗi không thể phát hiện được, nhưng sẽ giảm xuống còn 20.000 USD cho những lỗi có thể xảy ra, có thể phát hiện sau khi kiểm lại. Và mức thưởng thấp nhất là 100 USD cho các hacker khi họ có thể thông báo về những tính năng chưa hoàn thiện, cần được sửa chữa.
Được biết, trước đây Thụy Sĩ cũng đã có nhiều hệ thống E-voting hoạt động nhưng chỉ mới thí điểm ở phạm vi nhỏ lẻ, chiếm khoảng 10% số dân ở các buổi trưng cầu dân ý, hay 30% số dân cho các sự kiện thay đổi hiến pháp. Với hệ thống E-voting mới này, giới chức Thụy Sĩ đang đặt chỉ tiêu phải đưa công nghệ E-voting tới 2/3 bang trong Liên minh Thụy Sĩ. Nhưng một vài nhà làm luật vẫn đang phản đối việc này và cho rằng hệ thống E-voting vẫn chưa được chuẩn bị tốt, có thể bị hack và từ đó gây nhiễu loạn chính phủ.
Thụy Sĩ đang cố gắng triển khai E-voting bởi luật của nước này có ghi rõ tất cả công dân Thụy Sĩ đều có quyền bỏ phiếu mặc dù có sinh sống trong nước hay không. Một số kiều bào Thụy Sĩ đang sinh sống ở nước ngoài cũng đã lên tiếng ủng hộ E-voting vì hệ thống giúp họ có thể thực hiện quyền công dân của mình mà không phải tốn thời gian đi lại, hoặc bầu cử qua thư tín. Thụy Sĩ là một trong những nước dân chủ nhất trên thế giới. Trong hai năm vừa qua, đã có hơn 12 cuộc trưng cầu dân ý với quy mô toàn dân.
Về E-voting, nước láng giềng là Pháp cũng đã có những thí điểm về công nghệ này nhưng đã phải ngừng hỗ trợ những công dân ở nước ngoài vào năm 2017. Trái lại, Anh đã từ bỏ toàn bộ công nghệ E-voting vào năm 2007 để trở lại kiểu bỏ phiếu truyền thống. Còn tại Mỹ, hệ thống E-voting chỉ được mở cho những nhân sự quan trọng đang làm việc tại nước ngoài, còn công dân vẫn sẽ phải bỏ phiếu và bầu cử tại các điểm đặt sẵn.