Mặc dù Huawei đã nhiều lần khẳng định tập đoàn không dính dáng đến hoạt động tình báo của Trung Quốc, nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để ngăn chặn làn sóng tẩy chay từ các nước phương Tây.
Các nhà cung cấp thương mại đang hợp tác với nhau để phát triển mạng 5G nhằm cung cấp các liên kết nhanh hơn dịch vụ không dây thế hệ thứ tư - 4G. Với tốc độ có thể nhanh hơn hiện tại ít nhất từ 10 đến 100 lần, công nghệ này có thể hỗ trợ xe tự lái, thiết bị thông minh và thậm chí cả robot hỗ trợ phẫu thuật.
Những chiếc xe không người lái sẽ liên lạc với nhau để tránh va chạm khi chúng chạy với tốc độ cao. Các nhà máy, máy bay không người lái và điện thoại di động sẽ điều phối việc giao hàng tại nhà theo một chuỗi thuật toán mà không cần có sự hỗ trợ của con người. Cả một bộ phim có thể tải xuống laptop chỉ trong vài giây.
Bên cạnh những lợi ích thương mại, thế hệ mạng vô tuyến thứ 5 còn là cuộc cách mạng hóa công nghệ an ninh và quân sự. Chính điều này đã thôi thúc các hãng viễn thông trên thế giới đổ hàng tỷ USD vào công nghệ 5G.
Công nghệ 5G là một miếng bánh béo bở mà bất cứ gã khổng lồ nào cũng muốn nhảy vào khai thác. |
Huawei - Tập đoàn viễn thông Trung Quốc hiện là nhà cung cấp thiết bị mạng di động 5G hàng đầu. Tập đoàn này là một trong những hãng sở hữu nhiều bằng sáng chế 5G nhất và cũng có số lượng đóng góp lớn nhất vào chuẩn 5G. Các tên tuổi lớn khác như Ericsson và Nokia được xem là vẫn còn ở sau Huawei khoảng cách khá xa trong lĩnh vực này.
Nhờ vào sức mạnh của Huawei, Trung Quốc dự kiến sẽ triển khai mạng 5G toàn diện đầu tiên vào năm 2020. Các quốc gia khác, kể cả Mỹ, được dự báo sẽ đi sau tới 5 năm.
Tuy nhiên, kế hoạch này có nguy cơ đổ vỡ khi Huawei bị hàng loạt nước "chặn đường" kinh doanh thiết bị viễn thông do những cáo buộc liên quan đến an ninh quốc gia.
Với tiềm lực có sẵn của Huawei, Trung Quốc tham vọng sẽ sớm triển khai 5G trước cả Mỹ. |
Tan mộng bá vương?
Vào tháng 2 năm ngoái, trong phiên điều trần trước Quốc hội, sáu nhà lãnh đạo các cơ quan tình báo hàng đầu nước Mỹ đã nói rằng, họ sẽ không khuyến khích người Mỹ sử dụng các sản phẩm và dịch vụ từ nhà sản xuất smartphone Trung Quốc, Huawei.
Đây là lần đầu tiên những người đứng đầu CIA, FBI, NSA và giám đốc tình báo quốc gia công khai bày tỏ sự không tin tưởng của mình vào Huawei và cả công ty viễn thông đồng hương với họ, ZTE, khi tham vấn cho các công chức và cơ quan nhà nước.
Điện thoại Huawei hay các hãng điện thoại đến từ Trung Quốc đều bị các quốc gia phương Tây cẩn trọng trong việc sử dụng bởi các vấn đề an ninh. |
Vào ngày 17/7/2018, các chỉ huy tình báo Mỹ, Canada, Hoa Kỳ, Úc và New Zealand đã gặp nhau trực tiếp, một phần để lên kế hoạch công khai mối quan tâm về việc cho phép thiết bị Huawei hoạt động ở quốc gia và chính phủ của họ.
Một tháng sau, Tổng thống Donald Trump đã ký một đạo luật đặc biệt cấm các cơ quan chính phủ Mỹ mua hoặc sử dụng các sản phẩm viễn thông và giám sát từ các công ty Trung Quốc như ZTE và Huawei.
Đồng thời, Mỹ gây sức ép khi dọa ngừng chia sẻ thông tin tình báo với các quốc gia đồng minh nếu họ tiếp tục hợp tác với Huawei. Trước sức ép của chính quyền Tổng thống Trump, lần lượt Úc, Nhật Bản và New Zealand ban hành lệnh cấm nhập thiết bị 5G của Huawei với lý do rủi ro an ninh quốc gia.
Các đồng minh cũng đã liên kết với nhau để viện trợ cho Quần đảo Solomon và Papua New Guinea để 2 vùng lãnh thổ này không sử dụng cáp băng thông rộng của Huawei. Họ nói rằng đường cáp ngầm này gây ra những nguy cơ an ninh đối với điểm kết nối ở Úc.
Đức đang xem xét việc hạn chế các thiết bị Huawei trong các hạ tầng mạng tương lai, trong khi Cơ quan An ninh Không gian mạng của Séc đã cảnh báo Huawei là mối đe dọa tiềm tàng đến an ninh quốc gia. Theo đó, tổng cộng khoảng 160 cơ quan chính phủ đã rà soát và một số bộ như Bộ Y tế và Bộ quốc phòng đã ngưng hoặc cấm nhân viên sử dụng công nghệ của Huawei.
Chính phủ Pháp cũng đã từng vài lần lên tiếng cảnh báo về Huawei trước đây. Stephane Richard, Giám đốc điều hành hãng viễn thông lớn nhất Pháp Orange SA , nói rằng công ty của ông sẽ mua thiết bị từ Ericsson AB và Nokia Oyj thay vì Huawei để phát triển mạng 4G và 5G.
Sau vụ bắt giữ gián điệp của Huawei tại Ba Lan vào giữa tháng 1 năm nay, các quan chức nước này đã thúc giục Liên minh châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương tìm cách đối phó với Huawei, thay vì để mỗi quốc gia hành động một mình và đối mặt với sự trừng phạt từ Trung Quốc.
Không chỉ ngừng lại ở quy mô một quốc gia. Các nước phương Tây liên tục thúc đẩy các nước khác để thành lập liên minh nhằm đưa ra biện pháp cụ thể đối với Huawei. |
Trong liên minh tình báo Five Eyes gồm Mỹ, Anh, Australia, Canada và New Zealand, Anh là nước duy nhất vẫn còn cho phép Huawei tham gia vào triển khai mạng 5G. Nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cũng đã lên tiếng cảnh báo việc sử dụng thiết bị 5G của Huawei có thể cho phép Trung Quốc hoạt động gián điệp.
Cánh tay nối dài của Bắc Kinh?
Huawei là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Những sản phẩm bán ra như trạm gốc, ăng-ten... giúp công ty có thể kiểm soát được lưới điện, thị trường tài chính, hệ thống giao thông cùng những cơ sở hạ tầng quan trọng của một quốc gia.
Từ đó, giới quân sự, tình báo Trung Quốc có thể chèn phần mềm, phần cứng dạng gián điệp, giúp họ kiểm soát, thậm chí vô hiệu hóa các thiết bị trong trường hợp cần thiết.
Tất nhiên, những điều này vẫn nằm trong diện "nghi vấn" nhưng không phải là không có cơ sở.
Luật tình báo quốc gia của Trung Quốc được ban hành năm 2017 yêu cầu tất cả các công ty và công dân Trung Quốc “hỗ trợ và hợp tác trong công tác tình báo quốc gia” nếu được yêu cầu. Như vậy, nếu chính phủ Trung Quốc ra lệnh, Huawei hay ZTE sẽ không thể từ chối.
Theo luật pháp Trung Quốc, các hãng công nghệ không thể làm ngơ nếu có yêu cầu từ chính phủ, điều này dấy lên lo ngại về vấn đề an ninh từ các thiết bị do quốc gia này sản xuất. |
Huawei thậm chí còn gắn bó chặt chẽ với chính phủ hơn nhiều công ty Trung Quốc khác. Người sáng lập của nó, Nhậm Chính Phi, là một cựu kĩ sư công nghệ trong Quân đội Giải phóng Nhân dân. Người ta ví von rằng sự lớn mạnh của Huawei giống như “một phép màu” của tinh thần kinh doanh hiện đại hay “một câu chuyện cổ tích” về chàng trai trẻ xây dựng đế chế kinh doanh từ hai bàn tay trắng. Tuy nhiên, đằng sau sự phát triển thần kì đó có sự hậu thuẫn rất lớn đến từ chính phủ Trung Quốc.
Bên cạnh Jack Ma, Nhậm Chính Phi hiện nay được cho là một trong những "bộ não công nghệ" thân cận nhất với Chủ tịch Tập Cận Bình, còn Huawei là công ty quan trọng nhất của Trung Quốc, đóng vai trò như "anh hùng dân tộc".
Ông James Clapper, cựu Giám đốc Tình báo dưới thời chính quyền Obama đã nhận định: “Những công ty này được coi là cánh tay nối dài của tình báo Trung Quốc".
Dù vẫn còn nhiều bất đồng với chính quyền Trump, nhưng riêng về Huawei thì “đây là trường hợp duy nhất mà tôi đồng quan điểm với chính quyền đương nhiệm”, ông Clapper cho biết.
Ngày 18/ 2/2019, Cơ quan Cảnh sát Tình báo Na Uy (PST) cáo buộc chính phủ Trung Quốc đánh cắp thông tin từ các website của Na Uy thông qua công nghệ được cung cấp bởi Huawei.
"Tất cả mọi người cần phải chú ý đến Huawei với tư cách là một nhân tố quan trọng liên quan đến mạng 5G sẽ được xây dựng. Huawei là một công ty có mối liên hệ chặt chẽ với chính quyền Trung Quốc", Bà Marie Benedicte Bjørnland, giám đốc PST, nhấn mạnh.
Theo một cuộc điều tra được công bố hồi năm ngoái trên tờ Le Monde của Pháp, các thiết bị được bí mật cài đặt tại trụ sở Liên minh châu Phi do Trung Quốc xây dựng ở Addis Ababa, Ethiopia, đã truyền dữ liệu từ nửa đêm đến 2 giờ sáng về máy chủ ở Thượng Hải trong suốt 5 năm.
Sau đó, người ta đã phát hiện ra các micro giấu trong tường và bàn ghế ở tòa nhà này. Các thiết bị này cùng với máy chủ Huawei đã được gỡ bỏ. Tòa nhà này do chính phủ Trung Quốc tài trợ và xây dựng với chi phí là 200 triệu USD. Sau khi Le Monde đăng tải bài viết, Trung Quốc đã nói rằng mọi cáo buộc gián điệp là “lố bịch”.
Hồi tháng 12, chính phủ Nhật khi tháo dỡ thiết bị của Huawei đã phát hiện bên trong có nhiều linh kiện dư thừa. Họ lập tức tuyên bố loại bỏ sản phẩm của Huawei và ZTE ra khỏi danh mục sản phẩm thu mua của chính phủ.
Phát hiện nhiều linh kiện dư thừa trong sản phẩm công nghệ, chính phủ Nhật Bản quyết định loại bỏ các sản phẩm của Huawei và ZTE ra khỏi danh mục sản phẩm thu mua của chính phủ. |
Tờ The Information mới đây cũng đã đăng tải bài báo nêu chi tiết nhiều vụ việc mà Huawei đã cố đánh cắp bí mật từ đối thủ.
Theo bài báo trên, một trong những cách làm của Huawei là khuyến khích nhân viên đánh cắp thông tin đối thủ với mức thưởng hậu hĩnh. Huawei lập ra một trang web nội bộ, nơi các nhân viên có thể đăng nhập và đăng các thông tin họ lấy cắp được. Tùy thuộc vào chất lượng của thông tin, nhân viên sẽ được nhận mức thưởng cho những gì họ đem về. Huawei còn đảm bảo nhân viên sẽ không bị kỷ luật khi họ làm vậy.
Mỹ không thể đè bẹp Huawei?
Giám đốc điều hành bộ phận kinh doanh mạng của Huawei, Ryan Ding, phủ định những cáo buộc về việc tập đoàn có dính dáng đến hoạt động tình báo của Trung Quốc. Trong lá thư gửi Ủy ban Khoa học và Công nghệ Hạ viện Anh vào tháng này, ông Ding liên tục khẳng định công việc làm ăn của Huawei không liên quan đến gián điệp.
Ông Ding cam đoan, Huawei chưa bao giờ và sẽ không bao giờ hỗ trợ bất kỳ quốc gia nào trong việc thu thập thông tin phục vụ cho mục đích tình báo ở các nước khác.
Ông Ryan Ding phủ nhận mọi cáo buộc về việc tập đoàn có dính dáng đến hoạt động tình báo của Trung Quốc. |
Trong cuộc phỏng vấn đặc biệt với BBC ngày 18/2 vừa qua, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi cho rằng vụ bắt giữ con gái ông, giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu, có động cơ chính trị.
"Trước hết, tôi phản đối những gì nước Mỹ đã làm. Hành vi mang động cơ chính trị kiểu này là không thể chấp nhận", ông Nhậm Chính Phi nhấn mạnh.
Hồi cuối năm ngoái, bà Mạnh Vãn Châu bị bắt ở Canada theo lệnh từ phía chính phủ Mỹ. Bộ Tư pháp Mỹ đã truy tố bà Mạnh các tội danh lừa đảo ngân hàng. Hai công ty con của Huawei là Skycom Tech và Huawei Device USA cũng bị cáo buộc 10 tội danh, trong đó có bao gồm đánh cắp bí mật thương mại, đánh cắp công nghệ robot từ nhà mạng Mỹ T-Mobile và lừa đảo bằng thiết bị điện tử.
"Có thể họ nghĩ rằng nếu họ bắt giữ con gái tôi, Huawei sẽ sụp đổ, nhưng chúng tôi không hề sụp đổ, chúng tôi vẫn đang tiến lên phía trước. Công ty này đã có những quy trình và phương thức tổ chức, và không còn dựa vào một cá nhân bất kỳ", ông Nhậm nói.
Huawei cho rằng việc bắt giữ CFO Mạnh Vãn Châu của hãng là hành động có nhuốm màu chính trị, nhưng sự việc này không khiến đế chế của họ sụp đổ. |
Khi được hỏi về việc sức ép từ Mỹ liệu có ảnh hưởng đến công việc làm ăn của Huawei hay không khi rất nhiều nước đã loại bỏ các thiết bị 5G của hãng này, ông Nhậm Chính Phi trả lời: "Mỹ không thể đè bẹp Huawei. Thế giới cần Huawei bởi chúng tôi tiến bộ hơn".
Ông này thậm chí còn lạc quan: "Nếu đèn tắt ở phương Tây, phương Đông vẫn sẽ tỏa sáng. Nếu miền Bắc tối, thì vẫn còn miền Nam. Mỹ không đại diện cho cả thế giới".
Theo khampha.vn
An ninh mạng, bảo mật thông tin, Huawei