Công nghệ - Sản phẩm

Rộ trào lưu cấy chip vào cơ thể tại Thụy Điển

Hàng chục ngàn người Thụy Điển đã thực hiện việc tích hợp một con chip điện tử thông minh dưới da tay nhằm thay thế cho thẻ căn cước, chìa khóa nhà/văn phòng, vé tàu/xe,... qua đó giúp cuộc sống thường ngày trở nên dễ dàng hơn.

Việc cấy chip thông minh vào cơ thể đang trở thành "mốt" mới, khiến hàng chục ngàn người Thụy Điển đang áp dụng để thay thế cho mọi giấy tờ tùy thân, kể cả việc nhận diện cá nhân (cho từng cá thể), làm "chìa khóa" khi ra/vào nhà, văn phòng..., thậm chí là dùng con chip này để đi lại trên các phương tiện công cộng.
Đây là trào lưu "Biohacking" (bẻ khóa sinh học) không chỉ xảy ra ở Thụy Điển và có thể hiểu là tiến hành gắn các thiết bị điện tử vào cơ thể, đang có xu hướng tăng mạnh thời gian gần đây khi mọi người bắt đầu sử dụng nhiều các thiết bị công nghệ đeo trên cơ thể như các loại đồng hồ Apple hay Fitbit.
Các con chip sẽ được gắn vào dưới da tay để sau đó người được cấy chỉ cần "quẹt tay" là thực hiện được rất nhiều việc.
Còn nhớ vào hồi tháng 5 năm ngoái, trang Business Insider đã cho hay, có khoảng 3.000 người Thụy Điển đã lựa chọn cấy một con chip siêu nhỏ, kích cỡ chỉ tương đương hạt gạo, xuống dưới da nhằm giúp cho cuộc sống dễ dàng hơn. Theo đó, bằng việc gắn thiết bị này vào cơ thể, họ sẽ không cần phải mang thẻ căn cước, chìa khóa, vé tàu xe,… Tất cả sẽ được thay thế chỉ bằng một thao tác "quẹt tay" có gắn con chip qua các thiết bị kiểm soát là xong.
Còn theo hãng tin AFP, công nghệ này bắt đầu xuất hiện từ 4 năm trước, và nó đã khiến cho cuộc sống thường ngày của những người có gắn chíp diễn ra một cách nhanh chóng và tiện lợi hơn. Đơn cử, cô Ulrika Celsing - người đã gắn chip vào tay, cho biết thiết bị này đã giúp cô không phải mang theo thẻ tập thể dục, chìa khóa văn phòng. Khi cô muốn mở cửa, cô chỉ cần đưa tay qua một chiếc hộp đọc mã số và nhập vào mật khẩu để mở cửa.
Việc đưa một con chíp nhỏ vào cơ thể người cũng dễ dàng tựa như việc bấm khuyên tai. Cô Celsing cho biết, cô chỉ cảm thấy hơi nhói một chút khi được gắn chíp. Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng con chíp có thể gây nên phản ứng hóa sinh bên trong cơ thể dẫn tới nhiễm trùng hoặc tác động tới hệ miễn dịch.
Trước đó, hãng đường sắt quốc doanh  SJ của Thụy Điển đã bắt đầu cho "quét tay" của các hành khách có cấy chip, thay vì họ phải sử dụng vé tàu thông thường. Theo đó, các nhân viên soát vé sẽ sử dụng một ứng dụng điện thoại, sau đó yêu cầu hành khách đưa tay ra để họ kiểm tra thông tin. 
Cũng có liên quan đến việc cấy chip, một số ý kiến còn cho rằng, con chip này có thể thay thế cho thẻ tín dụng, nhưng điều này mới chỉ dừng lại ở mức ý tưởng và chưa có công ty nào thử nghiệm.
Bốn năm trước, nhóm Bionyfiken - một nhóm nổi tiếng với công nghệ bẻ khóa sinh học, đã bắt đầu thực hiện việc cấy ghép các thiết bị công nghệ vào cơ thể người tại các nước như Anh, Mỹ, Pháp, Đức và Mexico. Sau đó, việc cấy ghép chip vào cơ thể đã trở thành phong trào tại khu vực Âu - Mỹ, và nó phát triển rất mạnh tại Thụy Điển.
Thụy Điển là một trong những quốc gia có tâm lý cởi mở với việc ứng dụng công nghệ nhất trên thế giới, và họ sẵn sàng thử nghiệm các công nghệ mới nhất nhằm phục vụ cho cuộc sống tốt hơn. Nhiều ý kiến khoa học cho rằng, công nghệ chíp gắn vào cơ thể có thể gây ra những rủi ro bị tấn công và lấy trộm thông tin. Chẳng hạn, nhà sinh vật học Libberton cho rằng, các thông tin của người dùng còn khá hạn chế và rủi ro này chưa hẳn thực sự quá lớn vào thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, giới khoa học cũng cảnh báo rằng khi con người lưu trữ càng nhiều thông tin vào bên trong con chíp, rủi ro về việc bị tấn công và chiếm đoạt dữ liệu sẽ tăng cao.
Và các nhà nghiên cứu cũng tin rằng về lâu về dài công nghệ bẻ khóa sinh học sẽ trở nên phổ biến. “Làm gì có ai muốn mang những thứ rườm rà như điện thoại thông minh hay đồng hồ thông minh khi mà họ chi đơn giản là có thể gắn nó vào móng tay?”, người sáng lập nhóm Bionyfiken, Hannes Sjöblad, nói. 
PCWorld

bẻ khóa


      © 2021 FAP
        3,358,717       688