Công nghệ - Sản phẩm

Kết quả nghiên cứu quy mô phòng thí nghiệm chưa đủ thuyết phục doanh nghiệp rót vốn

Đây là thực tế được tiến sỹ Nguyễn Trí Nhân - Trưởng khoa Sinh học - Công nghệ Sinh học (ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM) nêu ra tại buổi làm việc giữa Sở KHCN TP.HCM với đại diện các trường, viện nhằm thúc đẩy kết nối trường, viện - nhà nước - doanh nghiệp diễn ra vào chiều ngày 20/2

Phát biểu tại buổi làm việc, Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM Nguyễn Bá Thanh cho rằng "Trong việc kết nối giữa trường, viện với doanh nghiệp thì quan trọng nhất là yếu tố niềm tin. Chỉ khi hai bên cởi mở, tin tưởng lẫn nhau thì việc kết nối mới có hiệu quả".

Cũng theo lời tiến sỹ Thanh, ngay chính Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm đã từng hợp tác nhiều doanh nghiệp trong hợp tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm; và kinh nghiệm từ những lần hợp tác đó cho thấy một sản phẩm muốn thành công phải đi từ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

"Tuy nhiên, đây là điều không đơn giản", tiến sỹ Thanh nhấn mạnh.

Toàn cảnh buổi làm việc (ảnh: SP/Khámphá)

Một trong những nguyên nhân dẫn đến điều này theo tiến sỹ Thanh nằm ở cách nhìn khác nhau giữa doanh nghiệp với trường, viện trong việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm. Trong khi, doanh nghiệp quan tâm đến khả năng ứng dụng thực tế, hiệu quả kinh tế của sản phẩm nhưng những người nghiên cứu khoa học lại khó đánh giá được những yếu tố này.

Trong thời gian qua, Sở KHCN TP.HCM đã xây dựng cơ sở dữ liệu năng lực của 135 phòng thí nghiệm có cung cấp dịch vụ cho xã hội. Trong nửa đầu năm nay, cơ sở dữ liệu này sẽ kết nối với dữ liệu Sàn Giao dịch công nghệ. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu về chuyên gia tư vấn trong nhiều lĩnh vực cũng liên tục được cập nhật.

bà Chu Vân Hải, Phó Giám đốc Sở KHCN TP.HCM

Ngoài ra, tại buổi làm việc, đại diện các trường, viện cũng cho rằng việc không cởi mở, minh bạch với nhau cũng khiến cho doanh nghiệp và trường viện không tin tưởng lẫn nhau. Đặc biệt, nếu không tin tưởng năng lực của trường, viện đảm bảo tiến độ, kết quả nghiên cứu, doanh nghiệp không dám bỏ vốn đầu tư. Bởi vậy, dù nhà nước có nhiều chính sách, hoạt động thúc đẩy kết nối giữa 2 thành phần này trong thời gian qua nhưng hiệu quả vẫn rất hạn chế.

Từ những nguyên nhân trên, đại diện các trường, viện cho rằng để liên kết trở nên hiệu quả cần có những chuyên gia nắm được nhu cầu của doanh nghiệp và có khả năng đánh giá tiềm năng nghiên cứu của các đơn vị KH&CN.

Bổ sung về vấn đề này, tiến sỹ Nguyễn Trí Nhân là Trưởng khoa Sinh học - Công nghệ Sinh học (ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM), cho biết: “Kết quả nghiên cứu quy mô phòng thí nghiệm chưa đủ thuyết phục doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ quy mô phòng thí nghiệm chuyển sang sản xuất quy mô lớn đòi hỏi cơ sở, trang thiết bị vượt quá khả năng của hầu hết các trường viện”. Do đó, TS Nhân đề xuất các trung tâm, phòng thí nghiệm trọng điểm được nhà nước đầu tư nên chia sẻ các dịch vụ, trang thiết bị cho các đối tác khác cùng sử dụng.

Ông Phạm Văn Xu - Trưởng phòng Quản lý Khoa học (Sở KHCN TP.HCM) cho biết những vấn đề mà đại diện các trường, viện nêu ra cũng là những nội dung mà Sở đã đang nỗ lực thực hiện. Cụ thể, Sở KHCN TP.HCM đang ưu tiên kết nối các doanh nghiệp với các đơn vị KHCN, ưu tiên tuyển chọn những nhiệm vụ KH&CN có tính ứng dụng thực tế cao, tạo ra những sản phẩm có thể nhanh chóng áp dụng thực tế, phục vụ các ngành công nghiệp trọng điểm.

Trong thời gian qua, Sở KHCN TP.HCM cũng triển khai mô hình nhà nước - doanh nghiệp - trường viện cùng đồng hành nghiên cứu, phát triển sản phẩm. Theo đó, các nhiệm vụ nghiên cứu sản phẩm có từ 70% vốn đầu tư của doanh nghiệp, nhà nước sẽ đầu tư phần còn lại mà quyền sở hữu kết quả nghiên cứu vẫn thuộc về doanh nghiệp.

PCWorld

chuyển giao công nghệ, thị trường khoa học công nghệ, Tố Như


      © 2021 FAP
        2,896,241       369