Hiện xôn xao đồn đoán cho biết Intel đang chuẩn bị trở lại với thị trường card đồ hoạ rời dành cho game thủ. Và vừa mới đây, trang Digital Trends cho hay, có khả năng Intel sẽ công bố kiến trúc vi xử lý đồ hoạ rời Arctic Sound ngay trong tháng 12 này.
Như nhiều thông tin rò rỉ trước đó, "công nghệ đằng sau" dành cho mảng GPU này vẫn là một bí ẩn, nhưng khả năng chúng ta sẽ được diện kiến nó sớm hơn - ngay trong năm tới, thay vì phải đợi đến năm 2020. Và thế hệ card đồ hoạ đầu tiên này sẽ dùng kiến trúc có tên Arctic Sound, do Intel chế tạo.
Liên quan đến thị trường card đồ hoạ chơi game trên thế giới, lâu nay vốn chỉ có 2 "gã khổng lồ" tranh nhau thị phần là Nvidia và AMD. Còn Intel mặc dù vẫn chiếm thị phần nhỏ trong thị trường GPU, nhưng thị phần này có được chính là nhờ CPU của hãng, bởi giải pháp GPU của Intel được tích hợp trong vi xử lý.
|
Hình ảnh về card đồ hoạ rời Xeon-Phi của Intel trong dự án Larrabee đã từng thực hiện trước đây. |
Intel HD Graphics (mảng phần cứng dành cho đồ họa của Intel) mặc dù được nâng cấp đều theo các thế hệ CPU Intel, nhưng có một điều chắc chắn rằng, chúng không thể đáp ứng nhu cầu chơi đối với các "game đồ hoạ nặng" như những GeForce RTX hay Radeon RX, mà thay vào đó được xem là giải pháp "hiển thị" là chính.
Mặt khác, Intel từng làm card đồ hoạ rời cách đây đúng 20 năm nhưng sau đó đã chuyển sang giải pháp tích hợp và đến năm 2009 mới phát triển trở lại card đồ hoạ rời với dự án Larrabee cũng như Xeon-Phi sau đó 3 năm, nhưng hãng vẫn định hướng đến phân khúc máy chủ và siêu máy tính chứ không tính đến các máy tính riêng lẻ.
Tuy nhiên vào năm ngoái, Intel đã bất ngờ hợp tác với AMD để tích hợp nhân đồ hoạ Vega vào một số phiên bản CPU Core i dành cho laptop, cũng như công bố quay trở lại thị trường card đồ hoạ cao cấp và thuê luôn Raja Koduri - cựu giám đốc kiến trúc GPU của AMD về lãnh đạo dự án này.
Thế nên "sự trở lại" (với mảng card đồ họa rời) của gã khổng lồ máy tính Intel là điều chắc chắn, khi mà cha đẻ của Larrabee - Tom Forsyth đã trở lại làm việc chung bộ phận với Koduri.
Tại hội nghị SIGGRAPH 2018 vừa qua, tuy Intel không tiết lộ gì về GPU hiệu năng cao, nhưng video teaser về nó đã xuất hiện. Và GPU này sẽ dùng kiến trúc Arctic Sound - kiến trúc đồ hoạ thế hệ thứ 12 của Intel.
Để dễ hình dung, bạn nên biết rằng kiến trúc GPU của UHD Graphics 630 đã được tích hợp trên hầu hết các CPU của Intel từ Pentium Gold đến Core i7 mới nhất vẫn dùng kiến trúc thế hệ 9. Nhưng sang thế hệ kiến trúc đồ hoạ thứ 10 của Intel sẽ có mặt trên các CPU Cannon Lake, còn khi chuyển sang thế hệ 11, nó sẽ là một thứ nằm giữa "tích hợp" và "rời". Đến thế hệ 12, sẽ là kiến trúc GPU rời mang tên Arctic Sound như đã nói, còn thế hệ thứ 13 sẽ có tên là Jupiter.
Mặc dù Intel hiện vẫn chưa thể thoát khỏi được "lời nguyền 10 nm", ngay cả Cannon Lake lẫn Ice Lake vẫn chưa xuống 7 nm, nên khả năng Arctic Sound vẫn được phát triển trên tiến trình 10 nm. Tuy nhiên Intel đang sở hữu một trong những bậc thầy về thiết kế bán dẫn - đó là Jim Keller, nên khả năng tiến nhanh và tiến xa của Intel là điều có thể. Hiện chỉ mới có AMD phát triển thành công GPU ở tiến trình 7 nm, Nvidia thì vẫn dùng tiến trình 12 nm cho thế hệ Turing và đã có kế hoạch thu nhỏ kích thước đế trong tương lai.
Theo Digital Trends, Intel được cho là sẽ phát triển Arctic Sound theo hướng vừa là kiến trúc đồ hoạ cho các ứng dụng chuyên nghiệp như AI, Deep Learning, xử lý tính toán tại các trung tâm cơ sở dữ liệu vừa là nền tảng cho game. Thêm vào đó, với việc "bắt tay cùng chơi" với AMD, cho nên card đồ hoạ của Intel còn được hỗ trợ cả công nghệ FreeSync - một công nghệ đồng bộ khung hình của AMD nữa.
Từ những thông tin khá chi tiết về Arctic Sound, hứa hẹn nó sẽ được Intel công bố vào một sự kiện riêng diễn ra ngay trong tháng 12 này. Như Raja Koduri từng khẳng định, đây là sự kiện nói về kiến trúc của Intel, không phải dGPU (discrete GPU - GPU rời) nhưng hy vọng rằng kiến trúc được nói đến chính là Arctic Sound, trang Digital Trends đã cho biết như vậy.