Đó là những chủ đề thảo luận rất sôi nổi tại buổi giao lưu cùng nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng diễn ra ở đường sách Nguyễn Văn Bình.
“Tết có sự thay đổi, đó là do sự chuyển đổi từ nền canh tác nông nghiệp sang sản xuất hiện đại” - nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng nêu lên kết quả nghiên cứu của mình tại buổi giao lưu giới thiệu 2 quyển sách “Khảo luận về Tết” và “Gia Định - Sài Gòn: Hò, hát, lý, vè và diễn xướng lễ hội” diễn ra ngày 26/1/2019.
Những khảo cứu về Tết và các phong tục, tập quán được nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng trình bày trong sách “Khảo luận về Tết”. Đó là những nghiên cứu về khởi nguồn của Tết, những yếu tố tác động cùng những biến chuyển không ngừng theo dòng thời gian của lịch sử. Qua đó, độc giả có thêm kiến thức để tìm hiểu về Tết Nguyên đán - ngày Lễ truyền thống lớn nhất của dân tộc Việt Nam, cũng như bản sắc dân tộc, bản chất căn nguyên của mọi giá trị văn hóa gắn liền với lịch sử dân tộc.
Sách cùng phân tích và kể chuyện về những tập tục, lễ hội đang còn lưu giữ và dần mất đi, để thấy rõ hơn nét sinh hoạt văn hóa mang giá trị truyền thống đang thay đổi trước thách thức của nhịp sống hối hả của hiện đại.
Một thú vị khác được nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng chia sẻ là nhờ không có smartphone mà ông trở thành “người hoàn hảo” khi tiếp cận các loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian từ hồi những năm 1980, bởi khi đó, ông phải ghi nhớ và lưu giữ bằng cách… học thuộc lòng.
Gia Định - Sài Gòn là xứ đô hội ở ngã ba đường, luôn đón lấy những luồng giao lưu văn hóa rộng lớn với thế giới bên ngoài nên các dạng thức văn hóa nói chung, các loại hình nghệ thuật biểu diễn nói riêng luôn đổi thay không ngừng để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của công chúng từng thời đại.
“Gia Định - Sài Gòn: Hò, hát, lý, vè và diễn xướng lễ hội” là tập sách nghiên cứu dày công về những hình thức diễn xướng dân gian vốn đang dần mất đi, theo kiểu giá trị văn hóa truyền miệng thất truyền dần theo sự ra đi vĩnh viễn của những nghệ nhân cao tuổi. Do đó, việc tìm hiểu về các loại hình diễn xướng dân gian trong tập sách nhằm phục dựng lại bức tranh sinh hoạt nghệ thuật đã phải vượt qua nhiều khó khăn trong công việc điều tra hồi cố và phải mở rộng không gian điền dã mới có được thành tựu này.
Hoàng Kim, NXB Văn hóa – Văn nghệ