Công nghệ - Sản phẩm

Nhà mạng Việt Nam đang 'lục đục' triển khai eSIM

Như Thế giới Vi tính đã đưa tin - rằng đối với eSIM, Việt Nam vẫn 'đứng ngoài cuộc chơi' nhưng theo thông tin mà các báo và trang tin công nghệ nhận được gần đây thì sau Viettel, thì đến lượt VinaPhone cũng vừa xác nhận rằng đang triển khai công nghệ thẻ SIM mới này tại Việt Nam.

Như vậy, hiện đã có 2 trong 3 nhà mạng lớn tại Việt Nam là Viettel và VinaPhone đã bắt tay nghiên cứu và triển khai công nghệ eSIM. Còn Mobifone - Nhà mạng lớn thứ 3, hiện vẫn chưa công bố và đưa ra kế hoạch của mình trong việc triển khai công nghệ mới mẻ này.
Đây là công nghệ SIM mới - SIM điện tử, với nhiều ưu điểm vượt trội so với thẻ SIM vật lý truyền thống. Và điều này càng trở nên đặc biệt và được chú ý gấp bội sau khi hãng Apple tung ra loạt sản phẩm mới 2018, trong đó có dòng iPhone XS. Nó không chỉ là một thiết bị được hỗ trợ công nghệ eSIM mới mà còn là "liều doping" kích thích các nhà mạng trên thế giới phải nhanh chóng cập nhật công nghệ mới này càng nhanh càng tốt nếu không muốn bị rớt lại phía sau.
So sánh các thế hệ SIM.
eSIM có kích thước nhỏ hơn rất nhiều (ngay cả so với nano SIM) và được tích hợp ngay trong các thiết bị. Điều này không chỉ giúp cho các thiết bị nhỏ gọn và mỏng hơn, nó còn giúp người dùng hoạt động dễ dàng và thuận tiện bởi khả năng tự chuyển đổi mạng (cả mạng chủ - mạng được đăng ký và mạng khách - tức sang một mạng khác) mỗi khi phải đi xa, nhất là qua nhiều quốc gia.
Về công nghệ mới này, không lâu sau khi nhà mạng Viettel công bố nghiên cứu eSIM, nay đến lượt VinaPhone cũng đã xác nhận rằng, nhà mạng này cũng đang có kế hoạch triển khai công nghệ eSIM trong thời gian tới. 
"VinaPhone đã chủ động nghiên cứu eSIM và thử nghiệm thành công trên công tơ điện. Ngay sau khi Apple công bố ra mắt sản phẩm mới có tích hợp eSIM, VinaPhone đã làm việc với các đối tác cung cấp hệ thống để xem xét lựa chọn phương án kỹ thuật để có thể khai báo sử dụng eSIM cho các thuê bao VinaPhone. Ngoài ra, VinaPhone cũng xúc tiến việc trao đổi với đối tác Apple để có thể nhanh chóng triển khai việc tích hợp và khai báo eSIM cho thuê bao mạng VinaPhone." - trích thông cáo của VinaPhone đã viết.
Mặc dù đã xác nhận bắt đầu nghiên cứu eSIM, nhưng cả hai nhà mạng là Viettel và VinaPhone đều  chưa đưa ra lộ trình và thời gian ra mắt cụ thể. Vì thế, người dùng Việt vẫn sẽ phải tiếp tục chờ đợi thêm một thời gian nữa nếu muốn sử dụng công nghệ này.
Còn nhà mạng Mobifone hiện vẫn im lặng. Nhưng vốn là mạng di động đầu tiên của Việt Nam và cũng là một nhà mạng đi tiên phong trong công nghệ, từng đứng đầu các nhà mạng của Việt Nam về chất lượng và vùng phủ sóng trong nhiều năm trước đây, thế nên khả năng MobiFone đang âm thầm nghiên cứu và sẽ công bố về việc tiếp cận công nghệ eSIM trong thời gian thích hợp nào đó.
Số nhà mạng có hỗ trợ công nghệ eSIM trên thế giới hiện mới chỉ "đếm trên đầu ngón tay".
Hiện eSIM mới chỉ được sử dụng bởi một số nhà mạng tại 10 quốc gia trên thế giới, trong đó đa phần là các quốc gia phát triển. Nếu triển khai eSIM, nhà mạng buộc phải có những thiết bị thu phát sóng tương đồng, chưa kể đến các thiết bị phần cứng và phần mềm trong các hệ thống điều khiển và kết nối cũng phải được hỗ trợ công nghệ mới này nữa. Thế nên để dùng được eSIM tại Việt Nam, nhanh thì cũng phải mất 2-3 năm, thậm chí có thể kéo dài tới 7-8 năm, bởi còn đòi hỏi về nguồn vốn, trong khi công nghệ 3G có vẻ vẫn chưa xong (khả năng chưa thu hồi đủ vốn), 4G còn đang lỡ dở, thậm chí 5G vẫn đang nhăm nhe nhảy vào...
Với cái nhìn của hiện tại, nếu có công nghệ eSIM, người dùng sản phẩm Apple sẽ là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất. Bởi loạt iPhone XS và XS Max mới hỗ trợ 2 SIM, nhưng một trong hai SIM đó lại dựa trên công nghệ eSIM và chưa thể sử dụng tại Việt Nam. Apple có model iPhone XS Max với hai SIM vật lý, nhưng lại chỉ bán tại Trung Quốc, Hong Kong và Macau. Ngoài ra, eSIM còn được Apple ứng dụng trên chiếc đồng hồ thông minh Apple Watch Series 3 & Series 4, cũng như có trên một số sản phẩm khác của các hãng khác, như Samsung chẳng hạn. 
PCWorld

eSIM


      © 2021 FAP
        3,408,317       510